Mục tiêu 1 triệu Doanh Nghiệp vào năm 2020: Cách nào để hiện thực hóa?

Minh Phương 18/11/2019 08:00

Năm 2019 sắp trôi qua, trong khi ở thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp (DN) trên cả nước chỉ đạt khoảng hơn 710 ngàn DN. Với số lượng DN như vậy, nhiều ý kiến quan ngại, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là khó khả thi.

Mục tiêu 1 triệu Doanh Nghiệp vào năm 2020: Cách nào để hiện thực hóa?

Hầu hết các hộ kinh doanh cá thể rất ngại chuyển đổi. (Ảnh: TL).

Năm 2020, phải có 200 ngàn DN thành lập mới

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động. Đây là những DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, có mã số thuế, đang thực hiện việc kê khai thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Và trong 9 tháng đầu năm 2019, số DN thành lập mới cũng đạt một con số kỷ lục với hơn 102 ngàn DN. Ước tính đến hết năm 2019, tổng số DN trên cả nước có thể đạt lên trên 800 ngàn DN.

Như vậy, để đạt được mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020, thì năm 2020 cả nước phải có thêm khoảng 200 ngàn DN thành lập mới. Con số này, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, sẽ rất khó khả thi. Song, nếu hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký phát triển thành DN, thì khả năng đạt 1 triệu DN vẫn có thể thực hiện được.

Hiện nay, lực lượng hộ kinh doanh được đánh giá rất tiềm năng có thể bổ sung vào khối DN, góp phần tăng thêm nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Và trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh cá thể lớn lên thành DN. Dù vậy, đến thời điểm này, số lượng hộ kinh doanh chuyển sang thành lập DN không nhiều. Phần lớn các hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển thành DN vì để “né” nhiều chi phí phát sinh, nhất là thuế. Theo ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số hộ kinh doanh tiềm năng có thể trở thành DN là rất lớn, tuy nhiên, nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh ngại trở thành DN một phần là do chưa có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động.

Hộ kinh doanh cá thể ngại lớn

Khảo sát các hộ kinh doanh cá thể tại một số địa phương như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng cho thấy, đa số các hộ kinh doanh vẫn muốn tiếp tục giữ hình thức kinh doanh như hiện nay, không muốn thay đổi. Nêu lý do của sự “ngại thay đổi” này, các hộ kinh doanh cá thể cho biết, khi đăng ký trở thành DN, họ sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và chịu sự quản lý thuế khắt khe hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương- chủ một cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống cho biết, hiện nay mức thuế đối với DN và thuế với hộ kinh doanh có sự khác nhau rất lớn. Theo bà Hương, có những hộ kinh doanh thu nhập hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng nhưng mức thuế phải nộp chỉ vài triệu đồng/năm, con số này quá ít so với thu nhập. Trong khi đó, nếu là DN việc tính thuế phải căn cứ vào hóa đơn, chứng từ và nhiều thủ tục khác, rất phức tạp.

“Hộ kinh doanh chúng tôi không cần báo cáo tài chính, hóa đơn giá trị gia tăng như những DN siêu nhỏ. Việc nộp thuế cũng không bị áp lực lớn nhưng nếu đăng ký thành lập DN thì sẽ khác” – bà Hương cho hay.

Như vậy, rõ ràng con đường để các hộ kinh doanh lớn lên thành DN gặp khá nhiều rào cản, mà rào cản chính ở đây là vấn đề về thuế. Theo các chuyên gia kinh tế, việc duy trì các quy định khác nhau về vấn đề thuế đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh với DN.

Ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để người kinh doanh lựa chọn thì câu hỏi làm thế nào thúc đẩy hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành DN đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Được biết, trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này có sự xuất hiện của hộ kinh doanh mà theo đánh giá của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, các hộ kinh doanh cá thể sẽ được nhà quản lý khoác “tấm áo pháp lý” mới. Phân tích kỹ hơn về động thái này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, mà chỉ có thể đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành DN phải sống như DN siêu nhỏ hiện nay, mà phải làm cho các DN siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh, như vậy mới khuyến khích được các hộ kinh doanh phát triển thành DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mục tiêu 1 triệu Doanh Nghiệp vào năm 2020: Cách nào để hiện thực hóa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO