Quảng Nam: ‘Hòa cả làng’ trong truy thu thuế?

Tấn Thành 10/03/2017 15:10

Khi tỉnh Quảng Nam bãi bỏ cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội và yêu cầu DN nộp thuế thì chỉ có 2 DN “thật thà” mang nộp còn một số DN khác thì không. Đến nay, ý kiến của tỉnh Quảng Nam là không trả lại số thuế DN đã nộp cũng không truy thu thuế đối với các DN chưa nộp.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, cùng tại TP Tam Kỳ nhưng cơ chế,
chính sách đầu tư lại khác nhau!

Đại Đoàn Kết đã có bài 2 kỳ “Gỡ khó cho doanh nghiệp, không thể bên yêu bên ghét”, phản ánh những kiến nghị của doanh nghiệp về bất cập trong thuế ưu đãi vượt trội, về thuế đất và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể các doanh nghiệp cho rằng, chiếu theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư mà UBND tỉnh Quảng Nam cấp cho họ thì tình đến ngày hôm nay họ vẫn được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội. Thế nhưng, ngày 6/6/2006 UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND về dừng thực hiện cơ chế ưu đãi vượt trội. Cục Thuế buộc các phải nộp thuế đất và thuế TNDN nếu không sẽ ghi nợ thuế và không được cấp hóa đơn, đồng nghĩa họ phải đóng cửa. Vì thế Công ty CP Tuấn Đạt phải đóng trên 28 tỷ đồng cho hai loại thuế và DNTN Xí nghiệp may Kim Anh đóng trên 2,8 tỷ đồng.

Thế nhưng có đến 15 dự án của các doanh nghiệp khác lại được nợ 2 loại thuế nói trên (theo thông tin riêng của chúng tôi thì lên đến hơn 100 tỷ đồng) thì mới đây được tỉnh “xí xóa” (không truy thu thuế). Khi 2 doanh nghiệp nói trên yêu cầu trả lại tiền thuế đã đóng thì tỉnh không được chấp nhận.

Tại cuộc họp báo thường kỳ do UBND tỉnh tổ chức, trả lời các nội dung câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết nêu ra, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa IX, HĐND tỉnh đã thảo luận và ra Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 về xử lý ưu đãi đầu tư của tỉnh vượt quy định của Chính phủ đối với các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư từ ngày 31/12/2005 trở về trước. Theo đó không thực hiện hồi tố đối với các dự án đã nộp các nghĩa vụ thuế theo quy định của Nhà nước.

Ông Quang cũng cho biết, có đến 15 doanh nghiệp nợ thuế nói trên, nhưng không công bố số tiền là bao nhiêu.

Ông Nguyễn Hồng Quang trả lời tại buổi họp báo.

Khi được hỏi tại sao lại có sự không công bằng, khi bên nợ thuế được xóa, bên chấp hành nghiêm chỉnh thì lại không được hoàn thuế, dù theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cấp cho họ thì đúng ra họ không đóng số tiền này?, Ông Quang lại cho rằng: “Trong quá trình địa phương xây dựng và phát triển có nhiều thành quả tốt đẹp nhưng cũng không thể tránh sai sót, UBND tỉnh chọn cái sai ít”!?.

Tuy nhiên cũng tại cuộc họp này, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Trước việc doanh nghiệp kiến nghị về thuế ưu đãi đầu tư và cơ chế chính sách đầu tư trên địa bàn thì UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và đang chờ ý kiến để trả lời cho doanh nghiệp”.

Ông Toàn cũng cho rằng: “Cách nhau một dòng sông nhưng cơ chế về chính sách ưu đãi đầu tư khác nhau là có, nhưng cũng phải chờ ý kiến từ Chính phủ vì những quy định tại Khu kinh tế mở Chu Lai do Chính phủ ban hành”.

Trước câu trả lời của ông Nguyễn Hồng Quang, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn.

Ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tuấn Đạt cho rằng: “Công ty chúng tôi mong muốn được nhận lại số tiền thuế đã nộp theo yêu cầu bắt buộc mà đúng ra chúng tôi không phải nộp. Tại sao tôi chấp hành tốt lại không xem xét, người không chấp hành tốt lại được quan tâm xóa nợ thuế?".

“Công ty tôi giải quyết việc làm cho trên 3.000 công nhân, gần 15 năm qua chưa có một cuộc lãng công, chứ đừng nói đình công. Bởi mọi chế độ chính sách, tiền lương luôn luôn được thực hiện tốt". Theo ông Doãn, cách đây 10 năm, ông đã dám đến vùng đặc biệt khó khăn để mở nhà máy sản xuất kinh doanh và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Bản thân ông Doãn có 33 năm tuổi Đảng và là doanh nhân tiêu biểu toàn quốc nhiều năm, doanh nghiệp từng nhận Giải Sao Vàng đất Việt, Huân chương Lao động hạng Ba. "Để làm được điều đó chúng tôi đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, tại sao chúng tôi không nhận được sự đối xử công bằng?" ông Doãn buồn bã nói.

Dư luận Quảng Nam cũng đang đặt ra câu hỏi, theo Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 6/6/2006 về dừng thực hiện cơ chế ưu đãi vượt trội, có đến 15 dự án của 12 doanh nghiệp nợ thuế hơn 100 tỷ đồng lại được xóa bỏ (không truy thu). Như vậy, những doanh nghiệp này nợ thuế nhiều năm, vẫn được hoạt động sản xuất bình thường. Có thật sự công tâm, minh bạch trong câu chuyện này hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: ‘Hòa cả làng’ trong truy thu thuế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO