Ra ngõ gặp trạm thu phí BOT

Đoàn Xá 01/08/2015 10:00

Theo thống kê của Bộ GTVT, cả nước hiện nay có khoảng hơn 100 các trạm thu phí. Đặc biệt, trong năm 2016, rất nhiều trạm thu phí các dự án BOT sẽ đi vào hoạt động, là gánh nặng cực lớn cho các DN vận tải, đẩy giá thành hàng hóa nội địa lên cao...

Ra ngõ gặp trạm thu phí BOT

Ảnh minh họa.

Nguồn: vnexpress.net

Là hình thức kêu gọi DN đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các dự án BOT từng được coi là cứu cánh của ngành giao thông vận tải, là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế, gắn kết nhanh các vùng miền. Tuy nhiên, càng ngày các công trình BOT càng cho thấy thời gian thu phí, thu hồi vốn lâu, có khi lên đến vài chục năm khiến nhiều người lo ngại. Các công trình hoàn thành hôm nay sẽ là gánh nặng mãi đến mai sau. Trong khi dễ thấy, các dự án BOT thường xuyên bị “đội vốn” trong quá trình thực hiện.

Các dự án BOT có nhiều điểm tích cực, đặc biệt phù hợp trong việc đẩy nhanh các dự án giao thông trong khi nguồn vốn của nhà nước còn nhiều hạn chế. Việc xã hội hóa các công trình xây dựng giao thông cũng là hướng đi phù hợp được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Tuy nhiên, không phải mọi dự án BOT đều hoàn hảo. Không phải ngẫu nhiên mà người dân ngày càng cảm thấy gánh nặng, lo lắng việc thu phí giao thông sai đối tượng, đặt trạm thu dày đặc, liên tục tăng phí không biết từ đâu,…

Theo thống kê của Bộ GTVT, cả nước hiện nay có khoảng hơn 100 các trạm thu phí đã và chuẩn bị thu để hoàn vốn các dự án xây dựng BOT. Đặc biệt, trong năm 2016 tới đây, rất nhiều trạm thu phí các dự án BOT sẽ đi vào hoạt động, là gánh nặng cực lớn cho các DN vận tải, đẩy giá thành tiêu dùng hàng hóa nội địa lên cao, gây nhiều khó khăn trong sự cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ tính riêng quanh khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương đã có khoảng 40 trạm thu phí đan xen nhau. Vì thế, nếu một xe chở hàng từ cảng Nhà Bè (TP HCM) tới khu công nghiệp Dĩ An (Bình Dương) có quãng đường gần 30km nhưng phải đi qua 4-5 trạm thu phí, tốn rất nhiều tiền, đẩy giá thành hàng hóa lên cao hơn. Rất nhiều lần các hiệp hội vận tải than phiền về các trạm thu phí đặt quá dày, thu tăng nhiều khoản so với quy định. Ngoài ra, dư luận cũng phản ánh nhiều trạm thu phí đặt quá gần nhau, nhỏ hơn quy định của Bộ GTVT là 70km trên một tuyến đường.

Việc quy hoạch, chấn chỉnh hoạt động của các trạm thu phí dự án BOT đúng quy định là điều cần thiết và hợp lý. Đặc biệt, trước khi các cơ quan quản lý thực hiện các dự án BOT cần phải cân nhắc để tránh tình trạng độc quyền quá nhiều tuyến đường của dự án BOT.

Điều này vừa gây ra tình trạng mất cân bằng xã hội đồng thời gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước vì bị chính các dự án này chi phối. Nghĩa là, nếu người tiêu dùng không muốn sử dụng dịch vụ của tuyến đường có dự án BOT, họ vẫn còn những lựa chọn khác để đảm bảo công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra ngõ gặp trạm thu phí BOT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO