Sập cầu Ghềnh: Hàng hóa ùn tắc, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Thanh Giang 23/03/2016 09:58

Trường hợp chậm giải quyết cố sập cầu Ghềnh dẫn đến hệ lụy: hàng hóa sẽ bị tắc nghẽn tại kho của công ty, ùn ứ tại ga, chi phí vận chuyển bằng các phương tiện khác có thể tăng 100%... Dự báo nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp vận tải bị thiệt hại. Nhẹ cũng mất thêm vài trăm triệu, nặng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sập cầu Ghềnh: Hàng hóa ùn tắc, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Ga hàng hóa Sóng Thần rơi vào tình cảnh trì trệ và tê liệt.

Tắc nghẽn hàng ngàn tấn hàng

Ngày 22/3, thông tin với báo chí về tình trạng hàng hóa bị nghẽn từ sự cố sập cầu Ghềnh ông Phan Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gon cho biết, hàng hóa từ Nam ra Bắc bị nghẽn khoảng vài chục toa, chiều ngược lại khoảng vài trăm toa. Mỗi toa nhẹ thì 20 tấn, nặng là 30 tấn. Cũng trong ngày 22/3, trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về thiệt hại kinh tế từ sự cố sập cầu Ghềnh bà Trần Thị Cư - Trưởng trạm Vận tải hànghóa vận ga Sóng Thần (Bình Dương) của Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần thông tin, hiện hàng hóa chưa làm hóa đơn và làm hóa đơn rồi còn 28 toa. Tính bình quân 26 tấn/toa thì tổng cộng có 728 tấn hàng đang tồn đọng.

Theo bà Trần Thị Cư, tại ga Sóng Thần có 3 đơn vị vận chuyển hàng hóa đang hoạt động, bao gồm Chi nhánhVận tải đường sắt Sóng Thần, Chi nhánh Vận tải phía Nam (một doanh nghiệp ở Hà nội) và một công ty chuyên vận chuyển container. Thời gian qua, tình hình kinh doanh hoàn toàn ổn định song sự cố sập cầu Ghềnh gây thiệt hại lớn nhất của ngành vận tải đường sắt nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng.

Ước tính thiệt hại của 3 công ty vận tải nêu trên trong một tuần từ sự cố sập cầu Ghềnh là 13.375 tấn hàng, tương đương số doanh thu gần 8,2 tỷ đồng. Khó khăn hơn nếu thời gian khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh kéo dài 3,5 tháng, khi đó tổng số tiền thiệt hại của 3 công ty này sẽ ở con số trên 100 tỷ đồng.

Lo bù lỗ

Không riêng gì doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng, doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa cũng đang “ngồi trên đống lửa”. Ông Lê Tiến Dũng, đại diện Công ty TNHH Một thành viên An Trung Phong (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện nay công ty có khoảng 500 tấn hàng không thể vận chuyển theo hợp đồng với đối tác. Trong đó bao gồm: 350 tấn hàng đang ùn ứ tại kho công ty và 150 tấn hàng đã lên tàu trong ngày 20/3, nhưng vì cầu sập cho nên tàu phải kéo về.

Cùng cảnh ngộ trên một số công ty khác phải thực hiện phương án trước mắt chọn hình thức vận chuyển bằng đường thủy hoặc đường bộ để giải quyết đơn hàng cho khách.

Đại diện chủ hàng lên tiếng: “Vận chuyển bằng đường sắt rẻ hơn 50% so với vận chuyển bằng đường bộ. Chắc chắn lợi nhuận hàng hóa bị giảm nếu như đi bằng đường bộ và đường thủy. Công ty đang tính cụ thể về con số bù lỗ”. Liên quan đến thiệt hại kinh tế từ sự cố sập cầu Ghềnh, ông Lê Tiến Dũng băn khoăn vì dự kiến chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ có thể tăng 100% so với phí vận chuyển tàu hỏa.

Nói về giải pháp trước mắt trong việc hóa giải hàng hóa tồn đọng tại ga, nhiều doanh nghiệp chủ động bốc dỡ hàng hóa để vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ. Theo đó, 16/18 toa hàng trên tàu Hoa Lâm đã được chủ hàng quyết định chuyển hàng sang ô tô để vận chuyển, 2 toa hàng còn lại sẽ được chuyển trong chiều ngày 22/3.

Đối với 28 toa hàng đang tắc lại ở ga Sóng Thần, đại diện ga Sóng Thần cho biết thêm, sáng cùng ngày Chủ tịch hội đồng thành viên của công ty thông tin chính thức, toàn bộ hàng hóa nhận ở đây nhưng chưa vận chuyển theo yêu cầu của khách hàng ga sẽ đáp ứng đúng nhu cầu bằng phương tiện khác nhanh hơn.

Nếu khách hàng tiếp tục vận chuyển bằng đường sắt, chi nhánh sẽ hỗ trợ trung chuyển hàng hóa lên Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh (Đồng Nai) rồi tiếp tục vận chuyển đến bến cuối cùng. Toàn bộ chi phí này đường sắt sẽ chịu hết. Đặc biệt, ngành đường sắt sẽ tiếp nhận toàn bộ khách hàng có nhu cầu vận chuyển với khuyến mại, giảm giá 10% - 15%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sập cầu Ghềnh: Hàng hóa ùn tắc, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO