Tân, Xuân trên đồng ruộng Nam Định

Trần Duy Hưng 15/09/2019 08:00

“Tân” ở đây là Cường Tân, còn “Xuân” là Toản Xuân - tên hai doanh nghiệp (DN) tư nhân ở Nam Định đang thực hiện khá hiệu quả mô hình tập trung ruộng đất, liên kết với nông dân sản xuất lúa giống và gạo sạch. Vẫn đồng đất ấy, vẫn chiêm mùa hai vụ lúa, nhưng từ khi “bắt tay” với Cường Tân và Toản Xuân, nông dân trồng lúa ở nhiều địa phương trong tỉnh không còn phải một mình lo toan trên những mảnh ruộng vốn rất nhỏ lẻ của mình. Ở đó, họ cùng doanh nghiệp tư duy, suy nghĩ, cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi...

Tân, Xuân trên đồng ruộng Nam Định

Giám đốc Cường Tân Đoàn Văn Sáu trên cánh đồng lúa giống liên kết sản xuất với nông dân.

Từ thu nhập thấp đến thu nhập kép

Như nhiều hộ nông dân ở các huyện phía nam tỉnh Nam Định, gia đình anh Nguyễn Văn Huấn (xã Trực Thái, huyện Trực Ninh) cũng chỉ được chia vài sào ruộng khoán. Với 2 vụ lúa một năm, dẫu đã “trổ” hết tài thâm canh, mỗi năm gia đình anh cũng chỉ thu được chừng 2 tấn thóc, chẳng gánh gồng nổi nhu cầu chi tiêu của gia đình, dù là tối thiểu. Và, dẫu đã xoay xở thêm bằng việc thả vài con lợn nuôi theo kiểu “bỏ vặt lấy tột”, lúc nông nhàn ai thuê gì làm nấy, nhưng như lời anh Huấn: Khó vẫn hoàn khó!

Chuyện đã khác, khi cách nay vài năm, gia đình anh và nhiều hộ nông dân khác ở địa phương cùng hợp tác với Công ty Cường Tân. Phương thức Cường Tân hợp tác với anh Huấn và nhiều hộ nông dân khác rất đơn giản. Họ cho Cường Tân thuê lại diện tích ruộng được giao quyền canh tác. Sau khi thuê được ruộng của bà con, Cường Tân dồn đổi thành những cánh đồng lớn, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, mương máng tưới tiêu. Tiếp đó, từ diện tích đăng ký của các hộ, Cường Tân giao lại ruộng đất cho các hộ để sản xuất lúa giống theo quy trình kỹ thuật của công ty. Sản phẩm lúa giống nông dân sản xuất ra được Cường Tân thu mua lại. Với “công thức” hợp tác này, như lời anh Huấn, mình và nhiều hộ nông dân khác đã và đang có 2 khoản thu nhập trên thửa ruộng của mình. Thứ nhất là tiền cho Cường Tân thuê ruộng, thứ hai là lợi nhuận từ sản xuất lúa giống. Cụ thể, anh Huấn cho hay, ngoài khoản thu 80 kg thóc/ sào từ việc cho Cường Tân thuê ruộng, mấy năm nay anh nhận sản xuất 10 mẫu lúa giống, mỗi năm thu gần 40 tấn, bán lại cho Cường Tân với mức giá dao động trên dưới 30.000 đồng/ kg. Trừ các loại chi phí anh có lãi 300-400 triệu đồng/ năm, khoản thu nhập trước đó anh chẳng dám mơ

Đến trụ sở Cường Tân (xã Trực Hùng), thấy cơ ngơi của DN rất giản dị, ngược hẳn với tiếng tăm của Cường Tân ở tỉnh Nam Định lâu nay. Nằm ven sông Ninh Cơ, trụ sở của Cường Tân chỉ là mấy dãy nhà cấp 4, kể cả khu văn phòng và khu xử lý, đóng gói sản phẩm lúa giống. Ông giám đốc Đoàn Văn Sáu nhìn cũng vậy, không có gì khác so với những nông dân đang ra vào công ty giao dịch...

Kể về sự ra đời của Cường Tân cũng như mô hình DN đang hợp tác làm ăn với nông dân địa phương, ông Sáu chia sẻ: Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp của tỉnh, ông về quê (xã Trực Hùng) mở cửa hàng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cung cấp lúa giống cho nông dân địa phương. Từ chỗ chỉ kinh doanh, kiếm chút lãi chênh lệch, ông Sáu nung nấu ý định phải chủ động sản xuất loại sản phẩm này, trước hết vì nhu cầu sản phẩm lúa giống của thị trường ngày càng lớn. Hơn thế, đồng đất địa phương vốn được bồi đắp bởi phù sa sông Đáy và sông Ninh Cơ rất thích hợp cho việc đó.

Ý tưởng của ông Sáu nhận được sự khuyến khích của một số nhà khoa học, đặc biệt là của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (công tác ở Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường ĐH Nông nghiệp I) - một người “con dâu” của Nam Định. Đây chính là động lực để năm 2008, dù quy mô DN khi đó chưa lấy gì làm lớn nhưng Giám đốc Đoàn Văn Sáu đã dám huy động vốn, bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai TH 3-3 do PGS.TS Nguyễn Thị Trâm là tác giả.

Khó khăn lớn nhất, theo ông Sáu là làm sao tích tụ được ruộng đất để có thể sản xuất được lúa giống trên quy mô lớn? Ông cho hay: Ban đầu tiếp cận ý tưởng này của ông - nhất là việc hỗ trợ, thuyết phục nông dân địa phương đồng ý hợp tác, cho doanh nghiệp thuê lại ruộng, tham gia chuỗi sản xuất, cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi với công ty - lãnh đạo một số xã, HTX Nông nghiệp trong vùng khá dè dặt, vì lo ngại nếu thất bại sẽ không biết “ăn nói” thế nào với bà con. Phải đến khi mô hình được thử nghiệm thành công trên quy mô nhỏ, khẳng định mang lại thu nhập cao hơn hẳn cho nông dân so với phương thức sản xuất đơn lẻ trước đây, lãnh đạo các địa phương mới thực sự “nhập cuộc”, khuyến khích bà con tham gia.

Chẳng cần sổ sách, Giám đốc Đoàn Văn Sáu cho biết, đến nay tổng cộng đã có trên 1.000 hộ nông dân tin tưởng, hợp tác với Cường Tân. Từ 80 ha ban đầu (năm 2008), diện tích liên kết cứ tăng dần, tăng dần, đến năm 2019 này diện tích liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân và Cường Tân đã tăng lên gần 600 ha, trải rộng trên nhiều cánh đồng của 9 xã thuộc 3 huyện phía nam tỉnh Nam Định (Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu). Như lời ông Sáu, để thuê gom, tập trung được diện tích đất trên quả là một sự kỳ công, bởi lẽ, trên cùng một cánh đồng, vì nhiều lý do khác nhau không phải tất cả các hộ cùng đồng ý cho thuê ruộng, cùng có nhu cầu liên kết với Cường Tân. Trong khi đó, sản xuất lúa giống đại trà, quy mô lớn thì ruộng đất không thể “xôi đỗ” được. Gặp những “ca” khó như vậy, người của Cường Tân vừa phải kiên trì vận động vừa phải đưa ra giải pháp bằng cách thuê một mảnh ruộng ở nơi khác, tốt hơn để hoán đổi...

Tân, Xuân trên đồng ruộng Nam Định - 1

Đóng gói sản phẩm lúa giống tại doanh nghiệp Cường Tân

Cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro

Mấy năm qua, thị trường miền Bắc nổi lên thương hiệu “Gạo sạch Toản Xuân”, được công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Trước khi mua gạo Toản Xuân, bà nội trợ có thể dùng ngay chiếc điện thoại của mình để truy xuất nguồn gốc từ tem điện tử trên bao bì. Ít ai biết, để có được thương hiệu này, cũng giống như ông Đoàn Văn Sáu (Cường Tân), từ nhiều năm trước, ông Trần Quốc Toản - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân (xã Yên Lương, huyện Ý Yên) đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội nông sản sạch Nam Định - cùng các cộng sự của mình cũng phải lọ mọ “gõ cửa” trụ sở UBND, HTX nông nghiệp, Hội Nông dân nhiều huyện, xã trong tỉnh để tuyên truyền, vận động tham gia mô hình liên kết sản xuất. Khác với Cường Tân liên kết với nông dân để sản xuất lúa giống, Toản Xuân hướng việc liên kết đến sản xuất gạo sạch theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, chế biến đóng gói sản phẩm.

Vượt qua những rào cản, tâm lý e dè ban đầu, từ số ít, đến nay đã có 25 HTX nông nghiệp cùng hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh đồng ý cho Toản Xuân thuê lại tổng cộng 500 ha ruộng, sau đó nhận lại chính diện tích cho thuê này để sản xuất lúa theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap cho công ty. “Chúng tôi cung cấp cho nông dân toàn bộ nguyên liệu sản xuất từ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến quy trình sản xuất gạo sạch; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình. Đổi lại, mỗi năm nông dân đang cung cấp ổn định cho chúng tôi khoảng 6.000 tấn thóc sạch để chúng tôi chế biến thành thương hiệu “Gạo sạch Toản Xuân. Trong số hàng nghìn hộ nông dân đối tác, có nhiều hộ đang nhận sản xuất lúa sạch cho chúng tôi trên diện tích cả chục ha” - ông chủ Toản Xuân cho hay.

Nói về hiệu quả của những mô hình liên kết trên, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - cho biết: Để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tỉnh đã thực hiện việc “dồn điền đổi thửa”, bước đầu đã giảm được số thửa/ hộ, nhưng vẫn chưa đủ sức để tạo ra một cuộc cách mạng trên đồng ruộng. Trong bối cảnh đó, việc các DN như Cường Tân, Toản Xuân và nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất không chỉ khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, qua đó cơ giới, công nghệ hóa được các khâu sản xuất, đặc biệt, đã tạo điều kiện để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất. Lợi nhuận hoặc rủi ro được nông dân và DN cùng nhau chia sẻ một cách hài hòa. Trên thực tế, tham gia liên kết sản xuất, thu nhập của nông dân cao hơn 3-4 lần so với khi còn đứng đơn độc, giúp bà con yên tâm gắn bó với ruộng đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân, Xuân trên đồng ruộng Nam Định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO