Thay đổi để 'đón gió' TPP

Thanh Giang (thực hiện) 07/10/2015 07:10

Ngay sau khi nhận được thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 6/10, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết về sự chuẩn bị của cộng đồng DN nhằm “đón gió” TPP.  

Thay đổi để 'đón gió' TPP

Ông Cao Sỹ Kiêm.

PV: TPP giữa các nước thành viên và Việt Nam tạo ra cơ hội mới, thời cơ mới gì cho DNVVN chiếm đến 97% số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Cái khó trong thời gian tới của Việt Nam đối với TPP khi nhiều ý kiến có phần chưa ủng hộ. Vấn đề quan trọng trong thời gian tới, Việt Nam có vượt qua được những áp lực mà các nước tham gia đề ra hay không? Theo tôi, khó khăn vẫn đang còn ở phía trước nhưng cơ hội từ TPP dành cho Việt Nam không ít.

Nhìn vào các thành viên trong TPP thấy rõ, Việt Nam có nhiều lợi thế như: lao động nhiều, sản phẩm nông lâm thủy hải sản phong phú… trong khi các nước khác không có tiềm năng này. Thứ hai, Việt Nam có lợi thế ở những thị trường khác với những sản phẩm tiêu dùng tốt như: may mặc, giày dép, nông sản…

Ngoài ra, TPP là thời cơ để DNVVN Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật, phương pháp quản lý DN của các nước nhằm tạo ra những hàng hóa chất lượng, có tính cạnh tranh cao. Song song đó, TPP hứa hẹn giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động và ngân sách cho nhà nước.

Cơ hội từ TPP rất nhiều nhưng thách thức cũng không ít, thưa ông?

- Rõ ràng thách thức trước thềm TPP không ít. Hiện nay số DNVVN Việt Nam chiếm tới 97% thành phần kinh tế tư nhân đã và đang góp phần lớn cho kinh tế đất nước nhhưng lực lượng này đông chứ chưa đủ mạnh. DNVVN Việt Nam khó khăn trăm bề khi công nghệ lạc hậu kéo theo tính cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp, chính sách và thủ tục nhiêu khê, rờm rà.

Vẫn có nhiều quan điểm lo ngại DN Việt sẽ gian truân trong cạnh tranh với các đối thủ “đáng gờm” trong TPP. Bởi vì thành viên của TPP toàn những “đại gia” rắn rỏi, tên tuổi trên thương trường như Mỹ, Nhật, New Zealand, Singapore, Australia…

Trước cơ hội và thách thức từ TPP, vậy theo ông DNVVN Việt Nam đã có sự chuẩn bị gì nhằm tăng tính cạnh tranh? Sự chuẩn bị trong thời gian qua có đủ để DN Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước hay không?

- Hiệp định TPP đã được ký kết, tuy nhiên được sự đồng thuận từ quốc hội các nước thì thời gian có hiệu lực cũng phải là một vài năm nữa. Tính đến thời điểm này thì theo nhận định của cá nhân tôi, DNVVN Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho TPP. Nếu có cũng rất chậm và chưa đồng bộ về trong đổi mới lao động, kỹ thuật, khoa học, quản lý… Tôi đang lo ngại DN Việt thiếu “sức khỏe” trong cuộc cạnh tranh đầy cam go, thách thức để tận dụng cơ hội từ TPP.

DNVVN phần nào đó đã chuẩn cho hội nhập TPP song hiệu quả tự lại không như mong đợi. Theo ông, điểm mấu chốt hiện nay cản trở DNVVN Việt đổi mới nhằm phù hợp với sân chơi toàn cầu là gì?

- Từ trước đến nay DNVVN Việt Nam đang bị vướng 3 điểm yếu cố hữu, đó là: công nghệ lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực kém, chính sách và cơ chế thiếu sự bình đẳng. Đây chính là những điểm yếu nhất trong cạnh tranh. Muốn “sánh vai” với các nước, đòi hỏi phải tự thay đổi, tự tháo nút thắt đi đến sự thuận lợi nhất có thể.

DN phải tự đánh giá những điểm yếu, điểm mạnh chính DN của xem có phù hợp với các nước hay không, đồng thời hiểu rõ khả năng hiện nay của DN nhằm có những kế hoạch phù hợp.

Bên cạnh đó cũng cần nhà nước hỗ trợ thêm. Theo đó, nhà nước nên hỗ trợ về pháp lý xây dựng chiến lược công nghệ mới, khoa học mới để áp dụng khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông nghiệp…

Vấn đề quan trọng hơn cả hỗ trợ tốt cho DNVVN phát triển đòi hỏi, nhà nước sớm cải cách nhanh thể chế kinh tế, thủ tục hành chính… theo đúng Hiến pháp cũng như các Luật mới sửa đổi bổ sung tạo sự thông thoáng trong đầu tư, kéo giảm sự chồng chéo trong quản lý.

Chỉ khi nào DN và nhà nước cùng nhận biết những hạn chế hiện tại đi đến sự cải cách theo hướng tích cực mới mong DN có sức mạnh đương đầu với khó khăn của hội nhập. Như vậy, rất cần một lộ trình cụ thể, hợp lý để kế hoạch đổi mới thực hiện đồng bộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi để 'đón gió' TPP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO