Thoát hiểm nợ xấu

Thúy Hằng (lược ghi) 30/10/2016 08:40

Với bất cứ quốc gia nào, nợ xấu luôn là nỗi ám ảnh nền kinh tế. Từ cuối năm 2012 đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên nợ xấu vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC):

Pháp luật và thái độ của xã hội lâu nay đang nghiêng về phía bảo vệ con nợ (khách nợ), người gây ra nợ xấu, vi phạm cam kết, chây ỳ trả nợ. Nhưng công bằng hơn trong nền kinh tế thị trường thì cần phải bảo vệ chủ nợ, người cho vay, người gửi tiền vào ngân hàng - chủ sở hữu tài sản hợp pháp của nợ xấu.

Khi nợ xấu đã đến mức nghiêm trọng thì ở nước nào và thời kỳ bào việc xử lý nợ xấu cũng cần những cơ chế pháp lý đặc biệt.

Hiện nay vướng mắc xử lý nợ xấu chủ yếu nằm trong các đạo luật nên muốn tháo gỡ thì phải sửa luật, chẳng hạn ban hành một đạo luật để xử lý nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu thật sự theo đúng chuẩn hiện nay khó có thể tin rằng chỉ là một con số, do đó nợ xấu vẫn đang là một nguy cơ rất lớn của nền kinh tế. Vì vậy nếu không có một đạo luật hay một số cơ chế thật đặc biệt để xử lý thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm gải quyết lên trên 1 con số. Do đó bảo bối để sớm thoát hiểm nợ xấu đang nằm trong tay Tòa án, cơ quan thi hành án, Chính phủ, Quốc hội.

Giải pháp xử lý nợ xấu, trước hết, cần sửa một số Luật như Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013, 2014 và 2016); Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi năm 2014); Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015: Bộ luật Dân sự năm 2015...

Bên cạnh đó, Luật Đấu giá tài sản (đang trình xin ý kiến Quốc hội) cũng cần quy định theo hướng công nhận hiệu lực pháp lý của việc bán đấu giá, kể cả bán nợ, để tránh xung đột với các luật khác và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua tài sản đấu giá, qua đó thúc đẩy việc bán tài sản thế chấp của ngân hàng.

Khâu gian nan nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay chính là phát mại được tài sản bảo đảm là bất động sản, do quy định còn vướng nhiều điểm, nhiều vướng mắc và gần như phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.

Đặc biệt, khi ngân hàng bất lực, phải nhờ Toà án phán xử thì lại khó khăn, tốn kém, phức tạp, chậm trễ, mỗi vụ việc bình quân mất đến vài ba năm. Chỉ riêng thời hiệu khởi kiện hợp đồng tín dụng, trong khoảng 20 năm qua đã thay đổi đến 7 - 8 lần với nhiều quy định cần làm rõ hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng,Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC

Từ khi thành lập (tháng 10/2013) đến nay, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD), với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.

Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp... Trong đó, bất động sản với giá trị tài sản đảm bảo là 256 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ cao nhất 63,5%, tài sản trên đất là hơn 30.000 tỷ đồng (7,5%).

Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ khá chậm. Tổng số nợ đã thu hồi được đến nay mới đạt gần 38.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ủy quyền cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Mặc dù hầu hết khoản nợ có tài sản đảm bảo, song việc bán tài sản đảm bảo để thu nợ mới đạt gần 11.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%.

Hiện VAMC đang gặp nhiều nút thắt. Đầu tiên là nút thắt nội tại, với nguồn lực hạn chế về con người và mạng lưới hoạt động, trong khi số lượng khoản nợ VAMC mua rất lớn (25.000 khoản), các khoản nợ xấu đa dạng, phân tán tại nhiều nơi nên VAMC chưa thể trực tiếp quản lý để nắm bắt được đầy đủ thực trạng các khoản nợ mua từ TCTD, việc tổ chức thực hiện xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả.

Thứ hai, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường. Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng.

VAMC còn gặp nhiều nút thắt trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, nhận bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tố tụng và thi hành án, cơ sở pháp lý vận hành thị trường mua bán nợ...

PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Chủ nhiệm đề tài Nhà nước về xử lý nợ xấu

Trong bối cảnh hiện nay, xử lý nợ xấu bằng ngân sách rất khó nhận được sự đồng thuận của xã hội. Do đó, phương án xử lý nợ xấu khả thi và hiệu quả nhất hiện nay là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng TPCP đã phát hành.

Với phương án này, trách nhiệm của Nhà nước được thực hiện thông qua tiến hành chứng khoán hóa nợ xấu thành TPCP. Số lượng TPCP được phát hành ra căn cứ vào tổng giá trị nợ xấu và sẽ được đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán và cả trên thị trường liên ngân hàng.

Trách nhiệm của DN có nợ xấu là phải phát hành phiếu nợ chuyển đổi làm tài sản đối ứng với lượng TPCP trên.

Trách nhiệm của ngân hàng là tham gia nhận TPCP (và cũng có thể chấp nhận cả Phiếu nợ chuyển đổi của DN - coi như đã nhận được khoản thanh toán nợ xấu). Để thu hồi tiền từ xử lý nợ xấu, các NHTM có thể bán TPCP trên thị trường cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo nhu cầu sử dụng vốn.

Sau khi phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô và trần nợ công sẽ tăng lên. Đây là điều lo ngại của nhiều chuyên gia tài chính và các nhà quản lý, kể cả tiếp cận từ giác độ năng lực hoàn trả và uy tín quốc gia...

Tuy nhiên để thực hiện được phương thức xử lý nợ xấu này Chính phủ sớm xây dựng phương án đề xuất với Quốc hội thông qua việc nâng trần nợ công lên mức nhất định thay vì 60% GDP như hiện nay.

Chắc chắn tại thời điểm phát hành phát hành TPCP quy mô nợ công và trần nợ công tăng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nước phát triển, nếu nợ công được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả thì trong dài hạn trần nợ công sẽ không tăng, thậm chí có thể giảm bớt bởi lẽ tốc độ tăng trưởng của GDP sẽ nhanh hơn tốc độ tăng của nợ công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát hiểm nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO