Thủ tướng: Hà Nội phải trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước

Đ.Tuân - PV 04/06/2016 22:03

Sáng 4/6, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và  trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP Hà Nội, đại diện các cơ quan  ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Hà Nội phải giữ vai trò tiên phong

Đây là hội nghị với số DN tham dự lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội, nhằm thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Qua quan sát mấy tháng qua, tôi thấy sự chuyển động của Hà Nội là đúng hướng, là rất tích cực”.

Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã tổ chức hội nghị lớn về DN với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo Thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội, các DN, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sau Hội nghị DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước ngày 29/4 tại TP HCM, với 5 nội dung rất ý nghĩa: Gặp mặt DN, giải quyết kiến nghị, kêu gọi đầu tư, ký kết hợp tác và vinh danh DN.

“Chúng ta cũng thấy được sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội coi phát triển DN là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”- Thủ tướng biểu dương đồng thời yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.

Muốn như vậy, chính quyền TP phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình DN khởi nghiệp, DN sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài.

Thủ tướng lưu ý, cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn; thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và DN; có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Tôi xin nhắc lại, xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế - xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài”- Thủ tướng nói.

Cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác cùng phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết của TP về xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từ yêu cầu và nhiệm vụ đầy thách thức của giai đoạn 2016-2020, TP cần huy động khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội.

Trong đó, vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%. “Tức là, đầu tư của DN trong nước và nước ngoài sẽ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô”- Bí thư Hoàng Trung Hải bày tỏ.

Cũng tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu các danh mục dự án mời gọi đầu tư vào Hà Nội giai đoạn 2016-2020, gồm 52 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với tổng vốn hơn 338.000 nghìn tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD); 43 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng vốn hơn 372.000 tỷ đồng (khoảng 17,5 tỷ USD).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cam kết ngay từ tháng 6 này, các hồ sơ đăng ký DN qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng; cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư; duy trì tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%; nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%; Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch; rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21-26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với quy định.

“TP Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo, trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác với các bạn để cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, DN và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển”- ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Dịp này, UBND TP Hà Nội ký 8 biên bản ghi nhớ, hợp tác với 7 tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư và ký biên bản ghi nhớ triển khai 7 chương trình an sinh xã hội với 16 đơn vị, nhà đầu tư, DN. Trong khuôn khổ hội nghị, TP Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 nhà đầu tư, với 16 dự án có vốn đầu tư trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: Viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng: Hà Nội phải trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO