Thương hiệu Doanh Nghiệp: Xây cả chục năm, phá chỉ một ngày

Minh Phương 02/12/2019 07:07

Sau một thời gian kiểm tra, xác minh, ngày 1/12, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có kết luận cuối cùng đối với những vi phạm của chuỗi thời trang thương hiệu Seven.AM. Theo kết luận của cơ quan QLTT, Seven. AM bị phạt đến 170 triệu đồng vì kinh doanh hàng hoá có nhãn mác không đầy đủ nội dung, bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin, chất lượng không đạt tiêu chuẩn đã công bố...

Thương hiệu Doanh Nghiệp: Xây cả chục năm, phá chỉ một ngày

Cơ quan quản lý thịtrường kiểm tra các điểm kinh doanh của chuỗi Seven.AM.

Seven.AM bị phạt 170 triệu đồng

Cụ thể, theo công bố của Tổng cục QLTT, chuỗi thương hiệu Seven.AM mắc 4 lỗi vi phạm gồm: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định; không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Trước đó, ngày 11/11/2019, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT TPHà Nội đã kiểm tra 5 điểm kinh doanh quần áo Seven.Am tại Hà Nội tại các địa chỉ: 146-148 Tôn Đức Thắng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ (Công ty cổ phần MHA) và 11 Kim Đồng (Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ). Qua kiểm tra, lực lượng QLTT đã thu giữ tổng cộng 9.035 sản phẩm gồm: 5.445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Toàn bộ số hàng hóa mang nhãn hiệu Seven.AM do Công ty CP MHA chịu trách nhiệm và phân phối. Sản phẩm váy, quần áo được sản xuất tại Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh, có địa chỉ tại tầng 4 - tầng 5 tòa nhà 135 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Kết quả kiểm tra cho thấy, thời điểm năm 2017 và 2018, công ty có nhập khẩu trực tiếp một số mặt hàng là ba lô, túi, ví, giày, dép, dây lưng từ Công ty TNHH Guangxi PingXiang Zhenguan Import & Export Trading co. LTD (Trung Quốc) nhưng đã bán hết.

Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ là đơn vị được Công ty CP MHA nhượng quyền kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Seven.AM. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh trên đang kinh doanh các sản phẩm quần, áo, váy, ví, túi các loại mang thương hiệu Seven.AM do Công ty CP MHA chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm. Tổng cục QLTT cũng cho biết, sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty CP MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ.

Chữ tín và chữ tâm

Với những vi phạm nêu trên, chuỗi thời trang Seven.AM bị phạt tổng số tiền là 170 triệu đồng. Với số tiền bị phạt là 170 triệu đồng, có thể thấy, tổn thất về mặt tài chính đối với DN này không phải là lớn, cái mất lớn hơn cả là uy tín của DN. Ngay khi bị vạch trần những hành vi cắt nhãn mác để lấp liếm, trà trộn giả mạo xuất xứ, Seven.AM lập tức bị người tiêu dùng quay lưng. Nhiều người tiêu dùng một thời gian ưa thích các sản phẩm thời trang của thương hiệu này đã khẳng định: Không bao giờ mua bất kỳ một sản phẩm nào của Seven.AM nữa.

Có thể khẳng định, đối với mỗi DN, chữ tín là yếu tố quan trọng nhất để duy trì “sức khỏe” của DN đó. Chữ tín của DN sẽ tạo nên thương hiệu, và đó chính là tài sản vô giá của DN, song nhiều DN hiện nay, chỉ vì cái lợi trước mắt đã sẵn sàng đánh đổi. Cách mà Seven.AM cũng như Khải Silk hay Asanzo và một số doanh nghiệp khác đã và đang làm chính là cách họ tự hủy hoại thương hiệu của mình nhanh nhất.

Để tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng, DN chỉ có một con đường đi duy nhất đó là trung thực và minh bạch. Tất cả những kiểu làm ăn chộp giật, mập mờ “đánh lận con đen” đều sẽ bị đưa ra ánh sáng. Và khi DN đã bị mất niềm tin nơi người tiêu dùng cũng đồng nghĩa thương hiệu của doanh nghiệp đó chính thức sụp đổ.

Giá trị thương hiệu của một DN được xây dựng có thể mất rất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, nhưng chỉ trong một ngày, một giờ, một tích tắc, DN đã có thể phá bỏ nó. Điều này cho thấy, thương hiệu đó có thể lớn mạnh hay không tùy thuộc vào hành động của chính DN đó. Nói như TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thì xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng là cả một hành trình dài đầy khó khăn, song chỉ một lần mắc sai lầm, DN có thể bị đánh mất thương hiệu, và khi đã tự hủy hoại thương hiệu cũng đồng nghĩa với việc DN đó sẽ biến mất hoàn toàn.

Từ câu chuyện của Seven.AM hay Khải Silk, giới chuyên gia cho rằng, DN muốn phát triển bền vững, không còn cách nào khác là phải xây dựng chữ tín, thương hiệu cho mình bằng thứ hàng hóa chất lượng, minh bạch và thái độ phục vụ người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương hiệu Doanh Nghiệp: Xây cả chục năm, phá chỉ một ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO