Trước thềm hội nghị đối thoại với Thủ tướng: Doanh nghiệp mong muốn gì?

Minh Phương 09/05/2020 08:00

86% doanh nghiệp (DN) cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19- đó là con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin khi khảo sát, ghi nhận ý kiến của 130.000 DN trên cả nước. Nhiều DN bày tỏ ý kiến, nguyện vọng được giảm thuế, phí, thủ tục hành chính tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày vào hôm nay (ngày 9/5).

Trước thềm hội nghị đối thoại với Thủ tướng: Doanh nghiệp mong muốn gì?

Nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Cuộc khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, doanh thu quý 1 của các DN giảm mạnh, chỉ bằng 74,1% so với cùng kỳ năm 2019, và nếu xét trong 4 tháng đầu năm doanh thu của các DN chỉ bằng 70% cùng kỳ năm 2019.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid -19 đã tác động đến hầu hết các ngành kinh tế. Nhiều DN buộc phải tuyên bố ngừng sản xuất, tạm thời đóng cửa vì tác động của dịch quá nặng nề. Đơn cử, ngành công nghiệp hỗ trợ có tới gần 50% số DN giảm hơn nửa doanh thu trong quý I/2020, có DN bị giảm tới 70% doanh thu. Các khách hàng ngành xe máy cũng giảm trung bình khoảng 50%, điện tử giảm đến 80%. Samsung Việt Nam ước tính giá trị xuất khẩu năm 2020 sụt giảm 12%. May mặc là ngành có sức tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm, song cũng lao đao bởi dịch Covid-19. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dịch bệnh khiến 100% các DN sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 70% DN đã thực hiện cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% DN sẽ phải cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5. Nhiều DN dệt may cho biết, công suất hoạt động của họ giảm hẳn, chỉ bằng 30% so với thời điểm chưa có dịch. Các thị trường nhập khẩu chính của ngành này như Mỹ, EU… đều bị ảnh hưởng nặng nề nên khâu xuất khẩu hàng hóa hầu như bị ngưng trệ. Các DN chỉ sản xuất phục vụ thị trường nội địa là chính.

Nêu lên tâm tư nguyện vọng của mình tại cuộc đối thoại với Thủ tướng tới đây, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đề xuất Chính phủ tạo thị trường, kích cầu tiêu dùng tại nội địa. Hiệp hội này bày tỏ mong muốn Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tiêu dùng thông qua giảm/giãn các loại thuế phí trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, để khuyến khích người tiêu dùng mua hàng tại nội địa.

Với những khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ không được thuận lợi, cộng với số nhân sự bị cắt giảm mạnh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất Chính phủ hỗ trợ người lao động phải ngừng việc với số tiền 1,8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Y tế, Công thương sớm có hướng dẫn để DN tận dụng thời cơ xuất khẩu khẩu trang y tế, bù đắp việc thiếu hụt đơn hàng.

Đại diện cộng đồng DN tại Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội mong muốn nhà quản lý có thể giảm giá tiền điện, nước, phí đường bộ; giảm lãi suất vay xuống thêm 2-3% để giúp các DN bớt áp lực về thuế, phí…

Một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 là ngành du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho nhiều DN phải cắt giảm tới 50% nhân sự, doanh thu quý I chỉ bằng nửa năm ngoái. Nhiều DN bị khách quốc tế hủy bỏ hợp đồng du lịch do không thể sang Việt Nam theo lịch đã sắp xếp trước đó.

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch, với những khó khăn mà các DN ngành du lịch, dịch vụ đang gặp phải, tổ chức này đề xuất Chính phủ giảm 50% các loại tiền thuê đất, tiền điện, nước phục vụ kinh doanh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021. Hiệp hội này cũng bày tỏ mong muốn, sau khi các nước trên thế giới khống chế được dịch, nhà quản lý nên dần mở cửa với từng nước, phục hồi lại chính sách miễn thị thực. Áp dụng kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày cho các thị trường ổn định như Anh, EU, Austrailia, New Zealand, Canada. Ngoài ra, Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đề xuất Chính phủ có kế hoạch mở lại các khách sạn, cấp giấy chứng nhận khách sạn an toàn, áp dụng việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho du khách. Đồng thời đề xuất hoàn thiện quy định về condotel để người sở hữu có thể bán, trao đổi huy động tiền mặt...

Đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu lên đề xuất về việc nên gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất lên 12 tháng thay vì 5 tháng theo quy định tại Nghị định 41 như hiện nay. Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị ngành ngân hàng cần tạo điều kiện hơn nữa để các DN có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay vì hiện nay điều kiện để vay vốn còn nhiều thủ tục rườm rà, thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn khiến các DN khó có thể tiếp cận nguồn vốn, do đó khó có thể phục hồi sản xuất kinh doanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước thềm hội nghị đối thoại với Thủ tướng: Doanh nghiệp mong muốn gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO