Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hoá: Đại biểu 'né' khi chất vấn về tín dụng đen

Anh Tuấn 14/12/2018 00:00

Ngày làm việc cuối cùng (13/12), kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hoá khoá XVII nhiệm kỳ 2016-2021 đã dành thời gian để chất vấn, trả lời chất vấn về việc đấu tranh với hoạt động tín dụng trái pháp luật và việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hoá: Đại biểu 'né' khi chất vấn về tín dụng đen

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Những con số thiếu tin cậy

Theo nhận định của HĐND tỉnh Thanh Hoá, tình hình thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng mặc dù đã được phân bổ 100% kinh phí cho các địa phương nhưng tiến độ giải ngân rất chậm. Ông Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo rằng: Có 18.847 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở với tổng nguồn vốn trung ương hỗ trợ là 539,36 tỷ đồng. Giai đoạn I đã thực hiện giải ngân cho 1.232 hộ, tổng kinh phí hơn 41,7 tỷ đồng. Sau đó Bộ Xây dựng đề nghị tạm dừng thực hiện quyết định trên để rà soát lại.

Tổng số sau rà soát cho thấy, số hộ người có công đủ điều kiện hỗ trợ nhà ở lên tới 25.157 hộ, tổng kinh phí 737,2 tỷ đồng. Nhưng công tác hỗ trợ bị kéo dài, tới giữa năm 2017, Chính phủ yêu cầu hoàn thành dứt điểm việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trong 2 năm (2017-2018). Vậy nhưng, đến ngày 29/11/2018 khi đã có tới 19.111 hộ hoàn thành và đang xây dựng nhà ở thì Sở Xây dựng giữ vai trò là cơ quan thường trực mới chỉ giải ngân được khoảng 45%, kế hoạch giải quyết dứt điểm như chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2018 đã không trở thành hiện thực. Ông Đào Vũ Việt đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ nhưng tất cả các nguyên nhân đều thuộc về phía người dân chứ cơ quan thường trực gần như không liên đới gì.

Rất nhiều đại biểu đã tỏ ra hoài nghi về tính trung thực của những số liệu do ông Đào Vũ Việt đưa ra, ông Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá phải có ý kiến: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công rất ưu việt. Và phần vốn trung ương hỗ trợ, tỉnh đã chuyển hết cho các địa phương; phần vối đối ứng của tỉnh hơn 36,8 tỷ đồng, tại phiên họp ngày 25/5/2018, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã quyết định giải quyết. Như vậy những gì thuộc về trách nhiệm của trung ương, của tỉnh đã xong. Nhưng trách nhiệm của các địa phương trong việc này làm chưa thực sự kỹ càng dẫn đến chậm.

Nhiều đại biểu “cương quyết” im lặng

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Thanh Hoá cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có tới 132 công ty dịch vụ tài chính với 142 cơ sở hoạt động tại 23/27 huyện, thị, thành phố. Trong đó những công ty dịch vụ tài chính quy mô lớn, phức tạp. Đặc biệt tại huyện Hậu Lộc có Cty CP dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh Phát, hoạt động với khẩu hiệu “đã nợ là phải đòi, đã đòi là phải trả”. Trong năm 2018, Cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố 31 vụ với 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật; xử phạt hành chính 97 cơ sở kinh doanh cầm đồ.

Đa phần các công ty dịch vụ tài chính thường do một số đối tượng hình sự đứng sau điều hành, tổ chức hoạt động. Các công ty dịch vụ tài chính tiến hành hoạt động cho vay tiền bằng cách vay không thế chấp, lập hồ sơ mua bán tài sản, sau đó làm hợp đồng cho thuê lại tài sản, viết giấy nhận tiền xin việc... nhưng thực chất là hoạt động tín dụng đen với lãi suất cao. Quá trình hoạt động, hoạt động tín dụng đen sử dụng các đối tượng hình sự có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng tiến hành các hoạt động đòi nợ.

Giám đốc Công an Thanh Hoá nhận định: Hoạt động của tội phạm có liên quan đến hình thức kinh doanh tín dụng đen thường rất tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó để tránh việc đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng. Việc đòi nợ trái pháp luật chỉ bị khởi tố và xử lý hình sự khi hành vi của các đối tượng cấu thành tội phạm: Cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, đe doạ giết người, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật... Song bên cạnh đó, các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng chưa chặt chẽ, rõ ràng. Một số điều luật như tội: Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc phân định về quan hệ dân sự, hình sự khi điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này.

Phần chất vấn Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Thanh Hoá về hoạt động của tín dụng đen được cử tri trên toàn tỉnh cũng như dư luận mong chờ nhất. Vậy nhưng chỉ có đại biểu chuyên trách Nguyễn Anh Tuấn đặt ra câu hỏi khá thẳng thắn về dư luận cho rằng có dấu hiệu một bộ phận lực lượng chức năng bảo kê cho hoạt động tín dụng đen? Thiếu tướng Trung thừa nhận, ông cũng có nghe dư luận như vậy nhưng thực tế chưa phát hiện trường hợp cụ thể nào. Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ mắc sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh gần như không có câu hỏi thẳng thắn nào chất vấn Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá. Đến mức chủ toạ kỳ họp Trịnh Văn Chiến phải nhiều lần xướng tên các huyện bị đánh giá có hoạt động tín dụng đen phức tạp nhưng lạ không thấy một ai đưa ra câu hỏi.

Ông Chiến đề nghị Công an tỉnh chủ trì tập trung tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu về hoạt động tín dụng đen. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương liên quan cần vào cuộc rà soát những tổ chức tín dụng đen, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này ra sao và có biện pháp xử lý... Rà soát lại tất cả các giấy phép đã cấp có vấn đề gì không, nếu cấp chưa đủ điều kiện thì xem xét, cấp xong phải giám sát, kiểm tra hoạt động chặt chẽ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hoá: Đại biểu 'né' khi chất vấn về tín dụng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO