Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh

Thái Duy 03/02/2020 07:26

Sau hơn 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đại diện Thường vụ Trung ương đã cùng một số cán bộ đến Tĩnh Tây (Trung Quốc) đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước và ở tại Pắc Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Pắc Bó rất kín đáo, đường tiến, lui đều thuận lợi, bên này động có thể tạm lánh sang bên kia biên giới.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh

Tại đây, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám để thành lập Mặt trận Việt Minh, họp tại bản Khuôi Nặm, cũng tại huyện Hà Quảng. Đường đến Hội nghị rất xa, chắc chắn vô cùng gian nan, cực nhọc nhưng các đại biểu đều vui, hồi hộp vì một Hội nghị Trung ương họp trong nước có đại biểu quốc tế dự (do Đệ tam Quốc tế đứng đầu là Lê Nin cử đến). Đại biểu quốc tế lại là đồng chí Nguyễn Ái Quốc với danh nghĩa “phái viên quốc tế phụ trách Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc kiên trì giải thích với Hội nghị, mọi người Việt Nam đều yêu nước và đã yêu nước đều tham gia Mặt trận Việt Minh, dù là thành phần bóc lột vì tư sản, địa chủ ở nước ta có nhiều người thường xuyên ủng hộ cách mạng. Trong bài giới thiệu bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (xuất bản lần thứ hai năm 1994) có đoạn đề cập đến ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mặt trận toàn dân, xin trích:
“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng chỉ có thể hoàn thành sự nghiệp lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”, luận điểm nổi tiếng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng, chiến lược xuyên suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam.

Người cho rằng hễ là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước, ghét giặc nên ngay sau khi thành lập Đảng, Người đã đề ra chủ trương thành lập Hội Phản đế đồng minh, một hình thức Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống đế quốc. Góp ý kiến về đường lối, chủ trương của Đảng thời kỳ 1936 – 1939, Người đã bổ sung vào tên gọi Mặt trận thành Mặt trận dân tộc, dân chủ không những chỉ có nhân dân lao động mà còn có cả giai cấp tư sản dân tộc và nhắc nhở phải tránh hết sức để họ ở ngoài Mặt trận. Ngay sau khi về đến Cao Bằng năm 1941, Người đã cho tổ chức thí điểm các hội quần chúng để rút kinh nghiệm tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh”. (Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 1 – Trang 14).

Mọi người Việt Nam làm bất cứ nghề gì, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có “Hội cứu quốc” vì đã là người Việt Nam mất nước, giàu hoặc nghèo, đều chung nỗi nhục là nô lệ cho ngoại bang và cùng một khát vọng cháy bỏng là “cứu quốc”, là “giải phóng dân tộc”. Các nhà tư sản có Hội Công thương cứu quốc, binh sĩ trong quân đội địch có Hội Binh sĩ cứu quốc, công chức trong bộ máy cai trị của địch có Hội Công chức cứu quốc, Giáo phái Cao Đài có Cao Đài cứu quốc. Các hội cứu quốc, kể cả Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc… đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đảng Cộng sản là thành viên lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh.

Sức mạnh của toàn dân phải tập trung cao độ không bỏ sót ai mới có thể đánh thắng bè lũ xâm lược dù chúng đến từ đâu như ông cha ta đã nêu gương đánh thắng giặc Nguyên Mông (1284), giặc Minh (1418), giặc Thanh (1788). Từ những người dân yêu nước riêng rẽ, nay với Mặt trận Việt Minh ra đời từ Hội nghị Trung ương lần thứ tám, sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân được hình thành trở nên một thực thể 25 triệu dân trên cả nước đoàn kết một lòng là sức mạnh dời non, lấp biển, không một lực lượng phản động nào tồn tại nổi trên đất nước ta.
Cuộc tiến công của một số đơn vị du kích đã thành lập chính quyền cách mạng ở một số làng, tổng, huyện. Hồ Chủ tịch gọi những làng, tổng, huyện đã được giải phóng này là những “làng hoàn toàn, tổng hoàn toàn; huyện hoàn toàn”. “Hoàn toàn” có nghĩa các làng, tổng, huyện đã được độc lập, nơi đó không còn có địch nữa, mọi người đều tham gia Hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Trong cuốn hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây” (Hữu Mai, ghi), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về hai chữ “hoàn toàn” như sau:

“Những “làng hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn” cùng với những đội du kích, đội vũ trang đã hình thành và đứng vững trước khủng bố trắng ở Cao – Bắc – Lạng. Và khu giải phóng cùng với đội quân giải phóng đã sớm xuất hiện, hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam ngày mai trước Tổng khởi nghĩa. Đây chính là tiền đề cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ sau này. Nó mang lại niềm tin cho những người cộng sản khi đó mới có 5.000 đảng viên có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc tới thắng lợi hoàn toàn” (Chiến đấu trong vòng vây – Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai ghi) – Nhà xuất bản Quân đội nhân dân – Trang 423).

25 triệu đồng bào ta có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã cùng nhau đoàn kết thành lực lượng chính trị hùng hậu của cả dân tộc. Không kể số bom đạn, vũ khí, tiền bạc Mỹ đã giúp cho Pháp suốt tám năm (1945 – 1954), riêng đế quốc Mỹ xâm chiếm nước ta đã ném xuống nước ta 15 triệu rưỡi tấn bom đạn và 72 triệu lít chất độc màu da cam, tiêu phí hết 394 tỷ Mỹ kim, huy động lần lượt đến 3 triệu binh sĩ tham chiến (kể cả quân đội các nước chủ hầu của Mỹ). Bom đạn Mỹ nhiều đến mức mỗi người Việt Nam phải chịu đựng mấy chục ký nhưng Mỹ vẫn phải rút quân đội khỏi Việt Nam.

Khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền tháng 8 năm 1945, Hồ Chủ tịch đã khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát: “Đảng cầm quyền là đầy tớ của nhân dân”. Người đã nói và viết trên báo: “Từ Chủ tịch nước và các chủ tịch làng xã phải là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lúc này trên thế giới đã có một số nước do Đảng Cộng sản cầm quyền (Liên Xô và một số nước ở Đông Âu) nhưng chỉ mới có nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã công khai bàn đến rất sớm vấn đề sống còn được toàn dân hết sức quan tâm: “Cách mạng thắng lợi thì quyền lực phải thuộc về nhân dân, chớ để trong tay một ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

Người còn nói rõ thêm:

Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Trong cuốn “Hồ Chí Minh – Về Đảng Cộng sản Việt Nam” gồm 2 tập tuyển chọn những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã viết về Đảng như sau:

“Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no, sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Hồ Chí Minh – Về Đảng Cộng sản Việt Nam – Trang 200).

Giới thiệu cuốn sách quan trọng này, ông Đặng Xuân Kỳ, Viện trưởng Viện Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đã viết:

“Một Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng cầm quyền nhưng dân làm chủ, đó là Đảng không những của quá khứ và hiện tại mà còn là Đảng của tương lai. Đó là Đảng mà Hồ Chí Minh đã xây dựng và rèn luyện lúc sinh thời và đã đặt tất cả kỳ vọng trước lúc ra đi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO