Kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020): Đảng với sức mạnh nội sinh của dân tộc trong cách mạng và kháng chiến

GS.TS Đinh Xuân Dũng 15/01/2020 08:00

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại từ cách mạng tháng 8/1945 đến đến khi kết thúc 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và  đế quốc Mỹ đều đặt ra một câu hỏi: Vì sao một nước “nhược tiểu”, nghèo nàn lại có thể làm nên những chiến công hiển hách làm thay đổi cơ bản số phận dân tộc và tác động mạnh mẽ đến lịch sử thế giới như vậy?

Và từ những góc nhìn khác nhau, đều cố gắng đi tìm câu trả lời, có lẽ, đến nay, vẫn còn nhiều ẩn số. Và tìm câu trả lời đó không chỉ để giải đáp một vấn đề lớn của quá khứ, mà từ đó còn là một mách bảo cho quá trình tìm nguồn lực cho sự phát triển đất nước trong tương lai.

Kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020): Đảng với sức mạnh nội sinh của dân tộc trong cách mạng và kháng chiến

Đất nước ngày hội lớn. Ảnh tư liệu (VOV).

1. Cách đây khoảng 100 năm, khi các dân tộc ở Đông Dương đang còn sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cảm nhận sâu sắc rằng, lúc này người Đông Dương còn đang ngủ say, nhưng khi được thức tỉnh, họ sẽ vùng lên với một sức mạnh ghê gớm.

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc, với một sự nhạy cảm tuyệt vời, đã cảm thấy và nhìn thấy trong hàng triệu con người Việt Nam bình thường, nghèo khổ, cam chịu đang có một nội lực rất đặc biệt, đang tiềm ẩn một sức mạnh bên trong, và nếu khơi gợi được cái đang tiềm ẩn đó sẽ trở thành một sức mạnh hiện thực to lớn. Là người sáng lập Đảng ta, Nguyễn Ái Quốc, từ những năm 20 của thế kỷ XX đã truyền nhận thức và cảm hứng đó cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ra đời trong lòng dân tộc, trong nỗi đau và khát vọng tự giải phóng của các giai cấp, tầng lớp bị áp bức, Đảng ta xây dựng niềm tin và tìm được chỗ dựa vững chắc từ chính sức mạnh tiềm ẩn đó của dân tộc. Chỉ với hai bàn tay trắng và số lượng đảng viên vô cùng ít ỏi vào những năm 20 của thế kỷ trước, nếu những người cộng sản tiền bối không cảm nhận, không nhìn thấy, không tin vào sức mạnh đang tiềm ẩn trong lòng dân tộc, thì có lẽ, không có ngày ra đời của Đảng với một mục tiêu lớn lao: Giải phóng dân tộc và chắc chắn rằng, cũng sẽ không có những thắng lợi vĩ đại cách mạng tháng 8/1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Mặt khác, sự tài tình của Đảng trong thời kỳ lịch sử trên, dù đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng có thay đổi để kịp thời đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể, thì tư tưởng xuyên suốt, thấm sâu trong toàn bộ đường lối đó luôn luôn là, bằng mọi cách khơi gợi, nuôi dưỡng, phát huy, thổi bùng chính nội lực ấy, nguồn lực nội sinh ấy để trở thành sức mạnh hiện hữu ngày càng to lớn và trở nên vô địch trong mọi cuộc đọ sức với kẻ thù, với những khó khăn, thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua. Hồ Chí Minh đã diễn đạt tư tưởng sâu sắc trên một cách thật giản dị: “Lấy sức ta để tự giải phóng cho ta”.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, từ khi thành lập, Đảng ta bằng mọi cách để biến “cái sức ta” ấy ngày càng lớn mạnh, ngày càng tự giác để tạo nên một sức mạnh quần chúng vĩ đại. Tôi kinh ngạc khi đọc “Thông báo cho các xứ ủy của Đảng ngày 3/1/1931” có câu: “Phải bền lòng, phải kiên quyết mà tuyên truyền, tổ chức và lãnh đạo đấu tranh. Và khi nào cũng đinh ninh rằng cái khí giới độc nhất của mình là sự giác ngộ của quần chúng mà thôi”. Tập hợp, giác ngộ, rèn luyện, đoàn kết, tổ chức, phát huy nội lực dân tộc là tài năng lãnh đạo của Đảng làm nên những thành tựu vĩ đại của cách mạng. Phải chăng đó là câu trả lời cho câu hỏi, vì sao chúng ta chiến thắng.

2. Vậy, những nhân tố cơ bản, cốt lõi nào tạo nên nội lực (sức mạnh nội sinh) của dân tộc trong giai đoạn lịch sử đất nước còn bị đô hộ, người dân còn bị áp bức, bóc lột, Tổ quốc còn bị xâm lược? Các nhân tố đó được bồi đắp, nuôi dưỡng, phát triển qua hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc, trở thành các giá trị bền vững ẩn sâu trong tiềm thức toàn dân tộc và từng con người Việt Nam.

Tiềm ẩn trong nội lực dân tộc trước hết là lòng yêu nước. Song, lòng yêu nước không phải có sẵn trong đại bộ phận quần chúng còn bị nô lệ, chưa được giác ngộ, chưa được chỉ ra con đường đúng để giải phóng Tổ quốc. Đảng ta đã làm được điều này bằng việc chỉ ra con đường để quần chúng vùng lên tự giải phóng mình, bằng việc tổ chức, tập hợp quần chúng thành một sức mạnh đoàn kết rộng lớn, bằng việc khẳng định quyền sống, quyền tự do, quyền làm người và các quyền lợi khác của quần chúng gắn liền với mục tiêu của cách mạng.

Lời kêu gọi của sứ giả tìm người ra cứu nước đã là một “ kích hoạt” kỳ diệu để một chú bé ba tuổi không biết nói, biết cười bỗng vụt lên trở thành anh hùng, thành Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, cứu nước, cứu dân. Lòng yêu nước tiềm ẩn trong chú bé đã trở thành một sức mạnh khổng lồ, bất diệt… Ngàn năm sau, các lời kêu gọi của Bác Hồ, của Đảng như lời kêu gọi trong “Tuyên ngôn” của Việt Minh (ngày 25/10/1941) “Nước Việt Nam không thể mất! Giống Việt Nam không thể chết! Đất nước Việt Nam này do cha ông chúng ta đổ máu và dựng nên và truyền lại cho ta, chúng ta có bổn phận hy sinh mà giữ lấy”.... Hay trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (1946), lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam “Vận nước đã đến rồi”…, rồi lời kêu gọi “Dù có phải đốt cháy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, thống nhất”… là sự hiệu triệu, kích hoạt lòng yêu nước của hàng triệu triệu người Việt Nam tự nguyện cầm súng chiến đấu, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước là một giá trị cao đẹp trong nội lực dân tộc. Kích hoạt, phát huy, làm bừng lên, nổ rộ lòng yêu nước đó thành sức mạnh vật chất là tài tình của Đảng, của Bác Hồ.

Gắn liền với lòng yêu nước, tiềm ẩn trong nội lực dân tộc thời cách mạng và kháng chiến, khi mà cả dân tộc còn trong vòng nô lệ (trước cách mạng tháng 8/1945) và bị xâm lược (1945-1975), đó là nỗi đau của người dân mất nước và của sự chia cắt đất nước. Đó là sự đau xót lớn nhất ẩn sâu trong lòng mỗi người dân Việt trong những tháng năm dài đó. Tôi đã cố gắng tìm đọc những tài liệu của Đảng trong những thập kỷ đau thương đó và đều thấy rất rõ: Đảng đã cảm nhận cực kỳ sâu sắc về nỗi đau này trong lòng người Việt Nam và nhấn mạnh, đó chính là sức mạnh bên trong sâu thẳm nhất tạo nên ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả của bộ đội, cán bộ cách mạng và nhân dân. Đảng ta ý thức sâu sắc rằng, cần làm cho mỗi người biến nỗi đau thành sức mạnh và nhận thức một cách tự giác, coi đó là nỗi đau chung của cả dân tộc, từ đó sẵn sàng tham gia vào cách mạng và kháng chiến với sự giác ngộ sâu sắc. “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Ánh lửa ấy là tình yêu quê hương, đất nước. Ánh lửa ấy bừng sáng từ ý chí, khát khao cháy bỏng rửa nỗi nhục mất nước, nỗi đau chia cắt.

Trong nội lực dân tộc giai đoạn cách mạng và kháng chiến mà Đảng ta nhận thấy, khơi nguồn và phát huy cao độ, đó chính là sức chịu đựng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ để đạt tới cái thiện, cái đẹp, cái cao thượng và cái anh hùng.

Nhân tố nội lực này ẩn sâu trong tinh thần, tâm lý và sự từng trải của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Nó có nguồn gốc từ lịch sử dân tộc, từ môi trường sống của người Việt và được hun đúc qua hàng ngàn năm đầy thách thức để dân tộc tồn tại và phát triển. Sự nhạy cảm và sáng suốt của Đảng chính là ở chỗ: Đảng luôn luôn ở trong dân, là máu thịt của dân, đồng cảm và thấu hiểu ý chí và khát vọng đó của dân. Chủ nghĩa anh hùng ra đời và nở rộ từ đó.

Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta, cha ông đã trải qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Có giai đoạn đất nước rơi vào bị kịch, song từ sâu thẳm tình cảm của người Việt là niềm tin sắt đá rằng dù trong những thử thách nghiệt ngã đến đâu, dân tộc ta vẫn hiên ngang trụ vững và phát triển.

Xã tắc bao phen chồn ngựa đá/Non sông muôn thuở vững âu vàng

Niềm tin sắt đá vào tương lai của dân tộc là một nhân tố nội lực cực kỳ quý giá của con người Việt Nam mà Đảng ta đã phát huy cao độ tạo thành một sức mạnh, một giá trị cực kỳ quan trọng để chúng ta vượt qua mọi thách thức đi đến thắng lợi trọn vẹn 30/4/1975. Thiếu hoặc mất niềm tin, chúng ta không làm được kỳ tích đó.

3. Được biết, Đại hội XIII của Đảng sắp tới không chỉ quyết định phương hướng, nhiệm vụ 5, 10 năm tới mà sẽ vươn tới tầm nhìn năm 2045, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. Đó là nhiệm vụ lớn lao, có ý nghĩa lịch sử chưa từng có trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đảng và nhân dân ta đứng trước những thách thức to lớn. Phải chăng, nhìn lại quá khứ 90 năm ra đời, phát triển của Đảng thì bài học về phát huy cao độ nội lực dân tộc luôn là bài học bao trùm lớn nhất tạo nên mọi thành công trong quá khứ. Bản lĩnh, tầm nhìn, sự gắn bó máu thịt với nhân dân, năng lực sáng tạo của Đảng thể hiện sáng rõ ở việc thấu hiểu, khai thác và phát huy cao độ nội lực vốn có của dân tộc, biến nó thành động lực, thành sức mạnh vật chất để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là bài toán khó, song không phải không có lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020): Đảng với sức mạnh nội sinh của dân tộc trong cách mạng và kháng chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO