Kỳ thú Hòn Hải

Hải An 09/07/2017 08:25

Thời điểm này nhạn, hải âu, bồ nông, mòng biển... trở về sinh nở tại Hòn Hải (Bình Thuận) khiến hòn đảo vốn yên bình bỗng chốc trở thành sân chim kỳ thú.

Hòn Hải nhìn từ trên cao.

Trong khi không ít hòn đảo giữa biển khơi của Việt Nam được nhắc tên thì Hòn Hải lại bị lãng quên. Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của Hòn Hải, chúng tôi khởi hành từ đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận sau hành trình 6 giờ vượt sóng gió đến Hòn Hải.

Hòn đảo này còn được biết đến với tên gọi là Hòn Khám, có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate và cách đảo Phú Qúy khoảng 65 km. Hòn Hải từng được người dân gọi là Hòn Hài, do có hình dạng có hình dạng độc đáo, lạ kỳ như chiếc hài giữa biển Đông.

Đảo được hình thành từ núi lửa phun trào dung nham hàng triệu năm trước, có hình dạng và địa hình phức tạp, chiều dài khoảng 130 m, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 60m, điểm cao nhất 113m tính từ mặt biển. Là nơi quan trọng có đường cơ sở để tính lãnh hải Việt Nam.

Hòn đảo này hoàn toàn khô cằn, không có nước ngọt, không cây cối, chỉ có những triền cỏ hoang hoải mọc lên từ khoảng đất hiếm hoi. Nhưng Hòn Hải lại là nơi trú ngụ của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông. Vách đá kỳ vĩ, gồ ghề, thẳng đứng là nơi thích hợp để cho các loại chim biển như nhạn, mòng, bồ nông làm tổ.

Nhất là vào tháng 7, các loại chim lại trở về sinh nở khiến hòn đảo vốn yên bình giữa Biển Đông bỗng chốc biến thành sân chim kỳ thú. Hàng nghìn con chim hội tụ tại đây khiến hòn đảo trở nên rộn ràng với tiếng chim kêu suốt đêm ngày. Anh Tùng đảo trưởng cho biết, khu vực này rất nhiều tôm cá, thức ăn phong phú lại chưa bị con người tác động, nên đây là môi trường tốt nhất để nhạn sinh sống.

Chim nhạn biển có tuổi đời khoảng 20 năm. Trong suốt cuộc đời của mình, một chú nhạn có thể bay quãng đường dài đến 1 triệu km. Đặc biệt, loài chim này không làm tổ mà thường chọn những bề mặt đá nóng đẻ trứng, và nhờ sức nóng của đá để trứng nở thay vì ấp.

Hòn Hải cũng là nơi xuất phát của những con thuyền chuyên câu cá mập nổi tiếng ở Phú Quý. Tìm hiểu những con thuyền câu cá mập cũng là một trải nghiệm độc đáo. Một chủ thuyền cho hay, thuyền câu cá mập phải đi một hành trình dài để tới được điểm câu, mỗi chuyến câu thường kéo dài cả tháng.

Đặt chân đến Hòn Hải du khách còn ngẩn ngơ với khung cảnh kỳ thú nơi đây. Qua bao thiên niên kỷ, gió và sóng biển bào mòn đá, tạo nên hàng vạn đường gờ uốn lượn nhấp nhô quanh đảo khiến ta liên tưởng đến tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc tinh tế từ bàn tay của những nghệ nhân tài hoa.

Đường lên ngọn Hải Đăng.

Trò chuyện trạm trưởng Nguyễn Ngọc Anh kể, chúng tôi được biết: Từ năm 1999, lực lượng công binh bắt đầu xây dựng một số công trình trên đảo, gồm một căn nhà kiên cố dưới chân đảo, bến cập tàu rộng 380m2 có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423m2. Để đảm bảo an toàn, các công trình phải đổ bê tông 100%, không sử dụng gạch, trên nóc nhà có nhiều bao tải đá dăm trộn cát để làm giảm áp lực trong trường hợp đá lở.

Sau 20 ngày xây dựng đã có tai nạn bi thương: Anh Nguyễn Văn Mộc (61 tuổi) thuộc Đoàn 6 Bộ tư lệnh Hải quân hy sinh do sóng bất ngờ cuốn xuống biển, không tìm được thi thể. Khi sắp hoàn thành công trình, anh Nguyễn Văn Nhắn thuộc Công ty Lũng Lô tử vong. Để tưởng nhớ các anh, đồng đội đã dựng lên hai ngôi mộ gió gần chóp đảo, như cách ngư dân vẫn làm để tưởng nhớ người thân mất khi đi biển mà không tìm được thi thể.

Một trong những công trình độc đáo nhất tại đây là đường hầm xuyên lòng núi đá dài 170 m với 4 cửa nối từ gần mặt biển lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bê tông cốt thép chống đá rơi và dư chấn. Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 170 bậc thang.

Từ miệng hầm đến mặt đảo có 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên chân ngọn hải đăng. Ngọn hải đăng Hòn Hải giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí với tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý. Hải đăng được đặt tại điểm cao nhất của đảo là 113 m, chiều cao tính từ chân đến đỉnh đèn là 10,4 m. Đèn sử dụng pin năng lượng Mặt trời đảm bảo chiếu sáng liên tục.

Đến đảo Hòn Hải trò chuyện với những người lính canh gác trên đảo để hiểu thêm về cuộc sống của họ - những người luôn phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, luôn chống chọi với những đợt biển động kéo dài vài tháng ròng rã.

Một người canh giữ ngọn hải đăng tâm sự: Bốn tháng ở Hòn Hải là thử thách rất lớn với anh em. Ban ngày chúng tôi phải leo lên hải đăng để kiểm tra, tối đến ngủ tại chân ngọn đèn để đảm bảo đèn luôn chiếu sáng. Dù mưa gió bão bùng, công việc đều phải hoàn thành tốt. Bốn tháng trời chỉ quanh quẩn mấy anh em, bị cô lập hoàn toàn giữa trùng khơi nhưng anh em luôn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Vào ngày biển lặng trời yên, Hòn Hải hiện lên sừng sững, đây thực sự là một kỳ quan giữa Biển Đông.

Đèn biển Hòn Hải được bàn giao cho Công ty bảo đảm Hàng hải khu vực III, nay là Tổng công ty bảo đảm an toàn Hàng hải Nam Trung Bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải, vận hành.Trạm đèn biển Hòn Hải có 4 cán bộ kỹ thuật thay nhau trực. Rau xanh, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho những người làm việc ở đèn biển Hòn Hải được dự trữ cho nhiều tháng. Hiện Hòn Hải đã có điện mặt trời và sóng Viettel, bảo đảm liên lạc, rút ngắn khoảng cách giữa hòn và đất liền. Từ khi có Trạm đèn biển Hòn Hải, tàu thuyền ra vào khu vực này được an toàn hơn. Hòn Hải những ngày này trở nên đặc biệt có ý nghĩa về mặt quân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thú Hòn Hải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO