Ký ức ngày Giải phóng Thủ đô của một thầy giáo

Giang Vương 10/10/2022 06:30

“Ngày tiếp quản Hà Nội, đoàn quân từ các ngả đường kéo về với cờ đỏ sao vàng trên tay. Ngay từ sáng sớm, người dân đổ ra đường để chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản...” - Đó là những ký ức mà người thầy giáo, cựu tù Hỏa Lò chia sẻ với chúng tôi trong những ngày kỷ niệm 68 năm Giải phóng Thủ đô.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Hà - người Chiến sỹ cách mạng kiên trung, cựu tù binh Hỏa Lò kể về những ngày tháng hào hùng Giải phóng Thủ đô.

Cuộc vượt ngục bất thành

Bước vào tuổi 96, dù sức khỏe giảm sút rất nhiều nhưng cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Tiến Hà - Trưởng Ban Liên lạc chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò vẫn còn minh mẫn lắm. Đặc biệt là ký ức về những ngày tháng gian khó mà đầy oanh liệt, hào hùng vẫn lấp đầy trong tim ông.

Tiếp chúng tôi tại căn hộ ở quận Đống Đa, Hà Nội, vẫn chất giọng sang sảng, ông kể: “Tôi bị địch bắt giữ và giam cầm gần 3 năm. Đến cuối năm 1952 được trả tự do, ngay lập tức tôi bắt liên lạc và hoạt động trở lại với danh xưng là Giáo sư Trần Hữu Thỏa” - ông Hà bắt đầu hồi ức của mình.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại Văn Lâm (Gia Lộc – Hải Dương). Ngay từ khi còn rất trẻ, ông Nguyễn Tiến Hà đã được giác ngộ cách mạng và cùng anh trai mình (ông Nguyễn Hữu Văn – tức Tạ Quang Chiến, một trong 8 người được Bác Hồ đặt tên – PV) hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. “Tôi được giao nhiệm vụ làm giáo viên truyền bá chữ Quốc ngữ cho nhân dân” - ông Hà chia sẻ.

Năm 1948, theo Chỉ thị của cấp trên, ông được điều động vào vùng địch tạm chiếm trong nội thành để hoạt động với phương châm: Thọc sâu vào lòng địch, kìm chân địch và đánh từ trong đánh ra. Nhờ việc dạy học, thầy giáo Nguyễn Tiến Hà đã truyền bá được cho học sinh tinh thần yêu nước, vận động thế hệ trẻ tham gia cách mạng một cách bí mật.

“Năm 1950, được lệnh của Thành ủy, tôi và các đồng đội giải cứu một đồng chí phái viên Công an tại Phủ Doãn và ít ngày sau tôi bị bắt” – ông Hà kể về chặng đường 3 năm bị giam giữ ở nhà tù thực dân.

“Khi bị bắt, tôi vẫn liên hệ được với bên ngoài qua đường người thân vào tiếp tế. Trong một lần tiếp tế, tôi nhận được chiếc đinh thuyền. Từ cái đinh thuyền này tôi dùng làm dụng cụ đào tường. Địa điểm chúng tôi chọn là nhà vệ sinh, vì nơi này có nước nên tường rất ẩm” – ông Hà nhớ lại.

Sau nhiều ngày “thi công” đoạn khoét thủng tường cũng hoàn tất, một lỗ hổng vừa người chui đã hiện ra. Tuy nhiên, ra được bên ngoài rồi thì phải vượt qua 2 bức tường cao mới thoát được ra bên ngoài. “Tôi chui ra đầu tiên, cùng với chiếc chăn mỏng. Ngay khi vừa chui ra, tôi bật lên chiếc thùng phi kê sát tường rồi phủ chiếc chăn lên hàng rào dây thép gai có điện. Chân vừa chạm đất là tôi chạy băng qua Sở Mật thám để bật lên bức tường thứ 2 và lao ra ngõ Liên Trì” - ông Hà kể.

Chỉ sau một tuần trốn khỏi Hỏa Lò, ông Hà bị bắt trở lại. “Lần này chúng tra tấn tôi tàn bạo hơn. Chúng bắt tôi khai ra cách tổ chức vượt ngục như thế nào và ai là người chỉ huy. Chúng chích điện hai bên tai, hai chân, bộ phận sinh dục đến buộc hai chân thả tôi xuống bể nước, phơi nắng….” - ông Hà rùng mình nhớ lại.

Trong một trận tra tấn, ông Hà ngất lịm, chúng tưởng ông đã chết nên chuyển sang Nhà tù Hỏa Lò để phi tang. Tuy nhiên, tại đây ông đã được các đồng chí, đồng đội của mình chăm sóc, cứu sống.

Ký ức của những ngày hào hùng

Với ý chí và tinh thần giác ngộ cách mạng kiên trung, tại nhà ngục, ông Hà đã nhanh chóng được đồng chí, đồng đội tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, rồi Bí thư chi bộ. Đặc biệt, ông tích cực tham gia các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và trở thành thầy giáo trong nhà ngục với cái danh xưng “thầy giáo Thỏa”, “thầy Hiệu trưởng Thỏa”.

Cuối năm 1952, ông được trả tự do sau gần 3 năm sống trong nhà tù thực dân. Ngay khi được thả tự do, người chiến sỹ ấy tìm cách bắt liên lạc với đơn vị và tiếp tục hoạt động cách mạng với danh xưng “giáo sư Trần Hữu Thỏa”. “Hai năm sau, vào hồi 15h, ngày 10/10/1954 một hồi còi dài rút lên từ Nhà hát lớn Hà Nội. Chúng tôi hòa vào dòng người nghiêm trang dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ” – ông Hà nhớ lại thời khắc linh thiêng ấy.

“Ngay từ sáng sớm, đoàn quân với cờ đỏ sao vàng, súng trên vai ở khắp các nẻo đường tiến vào. Trong thành phố thì người dân cũng cầm trong tay cờ đỏ sao vàng, hoa và ảnh Bác Hồ đổ ra để đón bộ đội. Tất cả hân hoan, vui sướng” – ông Hà xúc động nói.

Đoàn tiếp quản Thủ đô lúc bấy giờ do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu tiến vào từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng, sang ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào cửa Bắc, phố Đinh Tiên Hoàng…và hội quân trước cổng Đoan Môn.

“Đúng 15h, sau hồi còi của Nhà hát Lớn Hà Nội kéo dài, lễ chào cờ tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Sau này, khi hòa bình lập lại, tôi được phân công về giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm và gắn bó với sự nghiệp trồng người đến khi về hưu” - ông Hà nhớ lại.

Thấm thoắt đã 68 năm đã trôi qua, năm tháng gian khó cũng đã lùi xa, trong căn nhà nhỏ ấy, người thầy giáo, người chiến sỹ cách mạng kiên trung vẫn vẹn nguyên ký ức của một thời hào hùng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức ngày Giải phóng Thủ đô của một thầy giáo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO