Ký ức về Trân Châu Cảng qua lời kể của cựu binh 101 tuổi

Mai Nguyễn (Theo AP) 07/12/2021 16:06

Trong nhiều thập kỷ, ông Russell không chia sẻ nhiều về kinh nghiệm của mình trong Thế chiến thứ hai vì dường như không một ai còn quan tâm. Nhưng những hình ảnh từ trận chiến Trân Châu Cảng năm đó vẫn luôn là nỗi ám ảnh trong ông, đặc biệt là vào ban đêm.

Người lính sống sót sau trận chiến Trân Châu Cảng, cựu chiến binh Hải quân trong Thế chiến II David Russell. Ảnh: AP.

Những ký ức không thể quên

Khi những đợt bom của Nhật Bản bắt đầu trút xuống Trân Châu Cảng, người lính Hải quân Mỹ lớp 1 David Russell lần đầu tiên tìm nơi ẩn náu bên dưới boong tàu USS Oklahoma. Nhưng một quyết định trong tích tắc vào buổi sáng tháng 12 cách đây 80 năm đã thay đổi suy nghĩ của ông, và nhiều khả năng đã cứu sống ông. “Họ bắt đầu đóng cửa sập đó. Và tôi quyết định sẽ thoát khỏi đó”, Russell, người lính hiện đã 101 tuổi, nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Trong vòng 12 phút, chiến hạm của ông bị lật úp bởi một loạt ngư lôi. Tổng cộng 429 thủy thủ và lính thủy đánh bộ từ Oklahoma đã thiệt mạng - con số thiệt mạng lớn nhất đối với bất kỳ con tàu nào ngày hôm đó ngoài USS Arizona, mất 1.177 người.

Ông nhớ lại bản thân đã bước lên boong tàu khi cuộc tấn công bắt đầu. Đơn giản chỉ vì Russel đã được huấn luyện cách nạp súng phòng không và nghĩ rằng ông sẽ có thể giúp đỡ nếu bất kỳ người lính nạp đạn nào khác bị thương. Nhưng các máy bay phóng ngư lôi của Nhật Bản đã thả một loạt tên lửa dưới nước hướng tới tàu Oklahoma trước khi ông có thể đến vị trí đó. Trong vòng 12 phút, chiếc thiết giáp hạm bị lật úp hoàn toàn.

Bức ảnh từ tháng 4/1938, hình ảnh con tàu USS Oklahoma trước khi ra chiến trường Trân Châu Cảng năm 1941. Ảnh: AP.

“Những quả ngư lôi đó, chúng cứ không ngừng tấn công và tiếp tục đánh chúng tôi. Tôi đã nghĩ rằng, họ sẽ không bao giờ dừng lại”, ông Russell nhớ lại. “Con tàu đang không ngừng rung lắc”.

Khi đã tới boong chính, ông nhẹ nhàng trườn qua mạn tàu và quan sát chiếc tàu USS Maryland đang neo đậu bên cạnh. Ông không muốn bơi sang vì dầu rò rỉ đang cháy ở dưới nước. Nhưng ông vẫn quyết tâm nhảy xuống, ở dưới mặt nước, Russel đã bám vào được một sợi dây treo trên tàu Maryland và trốn thoát lên chiến hạm đó mà không bị thương. Sau đó, ông đã giúp vận chuyển đạn cho các khẩu súng phòng không của tàu Maryland.

Bức ảnh từ tháng 7/1941, một phần thân tàu USS Oklahoma bị lật úp và bắt đầu chìm sau khi hư hại nặng nề ở Trân Châu Cảng, Oahu, Hawaii. Ảnh: AP.

Sau trận chiến, Russell và hai người lính khác đến Đảo Ford, bên cạnh nơi các thiết giáp hạm neo đậu để tìm phòng tắm. Một trạm y tế và các khu vực dành cho quân nhân ở đó đã biến thành trung tâm điều trị và nơi trú ẩn của hàng trăm người lính bị thương, và họ tìm thấy những thủy thủ bị thiêu cháy khủng khiếp dọc các bức tường. Nhiều người sẽ chết trong vài ngày, thậm chí là vài giờ tới.

“Hầu hết họ đều muốn có một điếu thuốc, tuy tôi không hút thuốc vào thời điểm đó, nhưng tôi có một bao thuốc và vài que diêm, và tôi đã châm thuốc cho họ”, ôg Russell nhớ lại. “Khi bạn thương cảm cho những người lính đó nhưng lại không thể làm gì được, chỉ cần châm cho họ một điếu thuốc”.

Ông Russell vẫn luôn suy nghĩ về việc bản thân đã may mắn như thế nào vào thời điểm đó. Ông từng thắc mắc tại sao mình lại quyết định đi lên boong tàu Oklahoma khi biết rõ rằng hầu hết những người đàn ông ở lại có khả năng không thể ra ngoài sau khi cửa sập đóng lại.

Bức ảnh từ 24/5/1943, xác thiết giáp hạm USS Oklahoma nổi lên mặt nước tại Trân Châu Cảng, Oahu, Hawaii. Ảnh: AP.

Người ở lại

Trong hai ngày đầu tiên sau vụ đánh bom, một thủy thủ đoàn dân sự từ Nhà máy đóng tàu Hải quân Trân Châu Cảng đã giải cứu 32 người đàn ông bị mắc kẹt bên trong Oklahoma bằng cách khoét các lỗ trên thân tàu. Nhưng nhiều người khác đã bỏ mạng. Hầu hết những người chết trong trận chiến đó đều được chôn cất trong những ngôi mộ vô danh ở hòn đảo Honolulu và được đánh dấu là “ẩn số” do hài cốt của họ đã phân hủy và không thể nhận dạng được vào thời điểm họ được đưa lên tàu từ năm 1942 đến năm 1944.

Vào năm 2015, Cơ quan Kế toán Quốc phòng POW / MIA đã khai quật 388 bộ hài cốt này lên với hy vọng xác định danh tính với sự trợ giúp của công nghệ DNA hiện đại và hồ sơ nha khoa. Họ đã thành công với con số 361 người lính được xác nhận danh tính.

Chân dung của anh lính David Russel thời trẻ, được chụp trong trận chiến Trân Châu Cảng lịch sử. Ảnh: AP.

Anh rể của Russell cũng nằm trong số đó - Lính cứu hỏa lớp 1 Walter “Boone” Rogers đang ở trong phòng cứu hỏa, khu vực bị trúng ngư lôi của tàu, ông Russell cho biết. Quân đội đã xác định được hài cốt của ông Rogers vào năm 2017 và đã được cải táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

Ông Russell tiếp tục làm việc trong Hải quân cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1960. Sau đó, ông vẫn tiếp tục làm việc tại các căn cứ của Lực lượng Không quân trong hai thập kỷ và nghỉ hưu vào năm 1980.

David Russel cùng các cựu chiến binh khác trò chuyện tại trụ sở American Legion. Ảnh: AP.

Vợ ông, bà Violet, đã qua đời cách đây 22 năm và hiện ông đang sống một mình ở Albany, Oregon. Russel đã tự lái xe đến cửa hàng tạp hóa và trụ sở của American Legion tại địa phương trên chiếc Ford Explorer màu đen, trong khi nghe nhạc polka ở mức âm lượng lớn nhất. Khi không đi chơi với các cựu binh khác trong quân đoàn, ông thường dành thời gian đọc lại lịch sử quân sự và xem TV. Trong nhà, Russel luôn giữ một chồng 500 câu đố để giữ cho đầu óc luôn nhạy bén.

Trong nhiều thập kỷ, ông Russell không chia sẻ nhiều về kinh nghiệm của mình trong Thế chiến thứ hai vì dường như không một ai còn quan tâm. Nhưng những hình ảnh từ trận chiến Trân Châu Cảng năm đó vẫn luôn là nỗi ám ảnh trong ông, đặc biệt là vào ban đêm.

Bức tranh tàu USS Oklahoma vẫn luôn được Russel cất giữ tại nhà riêng. Ảnh: AP.

“Một khoảng thời gian khi tôi điều trị ở bệnh viện VA tại San Francisco, các bác sĩ đã từng mong muốn tôi kể lại những câu chuyện hồi Thế chiến thứ hai. Và tôi đã nói với họ rằng khi tôi chia sẻ, mọi người thường không tin và họ chỉ bỏ đi”, Russel thất vọng. “Vì vậy giờ đây tôi đang cố gắng chia sẻ về chúng nhiều nhất có thể. Về những gì chúng tôi đã trải qua, đã tận mắt chứng kiến. Đó luôn là những ký ức không thể nào quên”.

Hiện tại, ông David Russell đã có kế hoạch trở lại Trân Châu Cảng vào ngày 7/12 (giờ địa phương) để thực hiện một buổi lễ tưởng nhớ hơn 2.300 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 7/12/1941, khiến nước Mỹ bước vào Thế chiến thứ hai. Khoảng 30 người sống sót và 100 cựu chiến binh khác từ cuộc chiến dự kiến ​​sẽ quan sát khoảnh khắc im lặng tưởng nhớ vào lúc 7h55 sáng, thời khắc mà cuộc tấn công bắt đầu.

Những ký ức về trận chiến Trân Châu Cảng luôn ám ảnh Russel mỗi đêm. Ảnh: AP.

Những người sống sót hiện đều ở độ tuổi 90 trở lên. Lễ tưởng niệm năm ngoái, họ đã ở nhà do đại dịch Covid-19 và thay vào đó xem một buổi phát trực tiếp về sự kiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức về Trân Châu Cảng qua lời kể của cựu binh 101 tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO