Lạc quan dòng vốn FDI

Thanh Giang 16/09/2022 08:03

Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy, Việt Nam vẫn đang giữ vững vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam trở thành nước tiếp nhận vốn FDI lớn thứ 3

Tại Diễn đàn hỗ trợ đầu tư do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 15/9, đánh giá cao tiềm năng phát triển, TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những thống kê về xu hướng FDI tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Theo đó, trong khối ASEAN, từ năm 2015, Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực, sau Singapore và Indonesia. Việt Nam cũng thuộc số ít nước ASEAN duy trì được dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Tính đến tháng 8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là đầu tàu kinh tế của đất nước, TPHCM quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Trong 53 tỉnh, thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, TPHCM là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới. Theo thống kê, hiện thành phố đang có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư với 10.925 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đạt 78,32 tỷ USD.

Bà Mai Phong Lan – Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng cho hay, trong 8 tháng năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm 2,71 tỷ USD (bằng 124,37% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2021). Nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu chuẩn bị được đưa vào khai thác hoặc chuẩn bị triển khai sẽ tác động tích cực đến môi trường đầu tư của thành phố. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng, nhiều năm liền, thành phố là một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến lý tưởng, tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ vốn FDI thế hệ mới phải giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình.

Ông Leif Schneider – Trưởng Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khẳng định, một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp khó khăn khi đầu tư. Vị này dẫn chứng, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép hoặc phê duyệt mua bán và sáp nhập.

Ông Schneider cho rằng, Việt Nam phải nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị. Chính quyền chủ động giao tiếp với các nhà đầu tư tạo sự minh bạch, phải trải “thảm đỏ” để đón nhà đầu tư.

Ông Frederick R. Burke – Cố vấn cấp cao Baker & Mc Kenzie (Vietnam) LTD đưa ra những quy định khuyến khích đầu tư: “Khung pháp lý luôn là một trong những mối quan tâm của nhà đầu tư khi tiến hành các dự án. Thời gian qua, những thay đổi trong quy định pháp luật khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn”.

Ông Burke cho rằng, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam nên chú ý đến quan tâm của nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch về thể chế, chính sách và luật pháp. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định. Những quy định này được cho là quan trọng do liên quan đến nhiều vấn đề của nhà đầu tư, trong đó có vấn đề chi phí vốn và cấp độ quốc tế.

Đồng tình với quan điểm của các đại diện hiệp hội nước ngoài, TS Phan Hữu Thắng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp, chính sách. Rà soát, đánh giá các dự án đang hoạt động, từ đó xây dựng chiến lược, định vị lại lợi thế của Việt Nam. Chú trọng điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể.

“Để đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng cho nhiều lĩnh vực. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư nước ngoài” – ông Thắng nhấn mạnh.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn nằm trong top các địa phương thu hút nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp ngày càng có xu hướng tăng, định hướng thu hút vốn theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng cùng những sản phẩm giá trị gia tăng..., Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành điểm sáng hút vốn FDI của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạc quan dòng vốn FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO