Lại nóng chuyện thương hiệu

Nam Việt 01/03/2023 07:00

Chỉ là món ăn bình dân nhưng phở từ lâu đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Có thể nói trong đời bất kỳ người Việt Nam nào cũng từng ăn phở vài ba lần. Phổ biến như vậy nên phở cũng có nhiều thương hiệu. Chính vì vậy, gần đây việc tranh chấp thương hiệu Phở Thìn rất được chú ý.

Khi lùm xùm xảy ra, ông Nguyễn Trọng Thìn - người được coi là "cha đẻ" của Phở Thìn (số 13 Lò Đúc, Hà Nội) đã rất bức xúc. Ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào. Tuy nhiên, được biết thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, do văn bằng nhãn hiệu này đã được cấp cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng (cũng ở Hà Nội), với tên gọi Phở Thìn Bờ Hồ.

Từ đây, câu chuyện bảo vệ thương hiệu, chuyển nhượng thương hiệu cũng như đăng ký văn bằng bảo hộ lại được xới lên. Vì trên thực tế nhiều hộ kinh doanh còn thờ ơ, không chú trọng đến việc này.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ Cà phê Trung Nguyên. Năm 2000, người chủ của nó đã phải tiến hành một cuộc chiến giành lại thương hiệu đầy gian nan khi phải mua lại chính nhãn hiệu của mình trên thị trường Mỹ. Vì chưa tiến hành đăng ký bảo vệ thương hiệu, Công ty Rice Field của Mỹ đã đăng kí bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu khi đã tốn hàng trăm nghìn USD.

“Mất bò mới lo làm chuồng”, sau đó Trung Nguyên vội vã tiến hành đăng ký bảo vệ thương hiệu trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, cho đến nay, cái tên Cà phê Trung Nguyên vẫn gây bão, nhưng lại đến từ một việc khác mà trong phạm vi bài viết này xin không đề cập đến.

Cũng giống như Cà phê Trung Nguyên, Cà phê trái cây Meet More - thương hiệu cà phê trái cây đầu tiên ở Việt Nam, vào năm 2019 cũng suýt chút nữa thì bị “nẫng tay trên” khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, do mải lo xuất hàng mà “không kịp” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại.

Còn một vụ việc cũng rất đình đám là gạo ST25 từng bị mất thương quyền ở Mỹ. Đây là loại gạo “cực phẩm”, từng giành những giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi gạo ngon thế giới. Nhưng cũng chỉ vì không chú ý đúng mức đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi kinh doanh ở nước ngoài nên cũng khá lận đận.

Vì thế mới có chuyện “nhái” thương hiệu, tranh chấp thương hiệu, đòi lại thương hiệu với những cuộc chiến pháp lý phức tạp.

Giới chuyên gia pháp lý cho rằng nhiều người kinh doanh quá quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận nhưng lại mơ hồ trong việc bảo vệ tài sản của mình, mà ở đây là sở hữu trí tuệ. Chỉ đến khi có tranh chấp thì mới “chạy đôn chạy đáo”, trong khi chứng lý không chắc chắn so với phía chiếm dụng thương hiệu. Theo nhà quản lý về sở hữu trí tuệ, điều quan trọng là doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước lẫn nước ngoài. Việc chậm trễ đăng ký chứng nhận độc quyền sẽ khiến doanh nghiệp mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí để đòi lại.

Thực ra thì thủ tục đăng ký bảo vệ thương hiệu không quá khó. Ví dụ khi đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở Việt Nam chỉ cần chuẩn bị: Đơn đăng ký nhãn hiệu độc quyền; Mẫu nhãn hiệu cần đăng ký; Giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ đơn đăng ký; Chứng từ nộp phí và lệ phí cho Cục Sở hữu trí tuệ; Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện)... Thời gian đăng ký thường kéo dài 15 - 18 tháng, tuy nhiên thời hạn bảo hộ lại lên đến 10 năm và được gia hạn nhiều lần.

Trở lại với “câu chuyện Phở Thìn”, thực ra là có 2 Phở Thìn. Một là quán Phở Thìn Bờ Hồ được mở từ khoảng năm 1954, do ông Bùi Chí Thìn (1928-2001) làm chủ. Hai là quán Phở Thìn ở 13 Lò Đúc (Hà Nội), được cho là ra đời năm 1979, do ông Nguyễn Trọng Thìn gây dựng.

Hai quán Phở Thìn do hai ông Thìn gây dựng và đều nổi tiếng. Ông Thìn ở Lò Đúc cho biết hồ sơ bảo hộ sở hữu trí tuệ của ông đã được bảo hộ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản nhưng chưa được bảo hộ ở trong nước.

Trong khi đó, thông tin tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì nhãn hiệu "Phở Thìn" Bờ Hồ đã được cơ quan chức năng cấp văn bằng bảo hộ cho ông Bùi Chí Đạt (con trai ông Bùi Chí Thìn) từ năm 2005, cấp lại năm 2017, thời hạn hiệu lực đến 26/12/2024.

Rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ thương hiệu cho hai loại “Phở Thìn”, tuy nhiên chuyện này cho thấy không chỉ là việc lao tâm khổ tứ xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền thương hiệu mà còn phải “chăm nom” nó kỹ lưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại nóng chuyện thương hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO