Hầu hết các địa phương mới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) từ nửa cuối năm 2022. Tuy thời gian triển khai chưa lâu, nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhiều công trình của Chương trình đã được khởi công xây dựng. Cùng lúc ấy, công tác giám sát cũng được triển khai. Do đó, giúp hiệu quả của các dự án, công trình thuộc Chương trình được nâng cao.
Từ nhiều năm nay, huyện Đà Bắc được biết đến là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình nhưng từ khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi cơ bản. Kết quả này có được là nhờ sự góp sức rất lớn của đội ngũ các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại cơ sở.
Ông Đinh Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tú Lý cho biết, trong thực hiện các Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở, khi có dấu hiệu bất thường, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã phối hợp với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xóm Tày Măng, xóm Riêng lập đoàn kiểm tra, giám sát công trình. Khi giám sát phát hiện nhiều đoạn đường đơn vị thi công không gạt bỏ cành cây, que gậy trong khi đổ đất làm hai bên đường; có hơn 30m đường xuất hiện các vết rạn nứt, có đoạn không trải nền móng đảm bảo độ dày 15cm, có đoạn độ dày bê tông không đảm bảo 18cm. Tất cả những sai phạm trên đã được Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã chụp ảnh minh họa kèm báo cáo giám sát gửi UBND xã.
Trước thực trạng đó, UBND xã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những tồn tại trong quá trình thi công, xây dựng công trình, giải trình cho cử tri và nhân dân rõ việc thực hiện chưa đúng yêu cầu như phê duyệt kỹ thuật của đơn vị thi công. Cũng bằng cách giám sát theo sự phản hồi của nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Tu Lý đã chỉ ra đơn vị thi công sử dụng gạch không đảm bảo chất lượng xây dựng công trình trường học trên địa bàn xã. Do đó, Ban giám sát đã yêu cầu đơn vị này phải loại bỏ những viên gạch không đảm bảo chất lượng khi thi công công trình.
Còn tại huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La), các hoạt động giám sát cộng đồng cũng được huyện thực hiện nghiêm túc, bài bản, có chất lượng. Ông Nguyễn Đăng Thức - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên cho biết, hiện nay huyện đang triển khai thực hiện 9 dự án, với tổng kinh phí hỗ trợ của các dự án thành phần của Chương trình là hơn 59,2 tỷ đồng. “Đối với các dự án, công trình được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban Quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu thực hiện khảo sát, thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Đến nay, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện đối với các công trình chuyển tiếp năm 2022, đồng thời thực hiện các quy trình khảo sát, phê duyệt các công trình đầu tư mới năm 2023 theo tiến độ và quy định” - ông Thức cho biết.
Cũng giống như tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) cũng đẩy mạnh thực hiện các Chương trình MTQG 1719 tại cấp cơ sở. Đánh giá về hiệu quả của Chương trình đang được thực hiện tại địa bàn xã, ông Vi Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình) cho biết, sau khi được UBND huyện Lâm Bình giao kinh phí duy tu bảo dưỡng 4 công trình hạ tầng tại các thôn đặc biệt khó khăn, nằm trong Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”, thuộc Chương trình MTQG 1719, xã đã huy động máy móc và ngày công đóng góp của người dân để sửa chữa đường lên khu sản xuất chè Khau Mút của 2 thôn Bản Pước và Bản Phú. Đến nay, 2 công trình lên khu sản xuất chè Khau Mút đã hoàn thành, giúp người dân đi lại dễ dàng, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Thành Trung - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, huyện đã phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách về Chương trình đến toàn thể người dân trên địa bàn. Đặc biệt, khi triển khai Chương trình đến cơ sở, các Ban Thanh tra nhân dân ở nhiều xã, thị trấn đã phát huy vai trò của mình, tham gia giám sát nhiều công trình, đem lại hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, hạn chế được tối đa những thiếu sót, tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại địa phương.
Với vai trò, trách nhiệm của mình trong giám sát đầu tư của cộng đồng tại cơ sở, các hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng các công trình đang được đầu tư tại các địa phương.