Lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế: Vẫn chưa giải quyết triệt để

H.Vũ 23/10/2021 07:18

Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với luật

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT.

Ông Long cho biết, về công tác khám chữa bệnh BHYT năm 2020 có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 66 cơ sở (4%) so với năm 2019, ngoài công lập tăng 100 cơ sở (12,6%). Năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019. Trong đó số lượt khám chữa bệnh nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9%. Tuy nhiên, chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019.

“Tổng thu quỹ BHYT là 110.395 tỷ đồng; chi BHYT năm 2020 là 104.220 tỷ đồng. Về cân đối quỹ BHYT, tổng số thu quỹ lớn hơn tổng số chi quỹ là 5.071 tỷ đồng, dự kiến số dư quỹ BHYT lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng”- ông Long cho hay.

Thẩm tra báo cáo trên, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với luật chưa được giải quyết dứt điểm. Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả và quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chưa được ban hành đầy đủ và cập nhật.

Đặc biệt, theo bà Thúy Anh, vẫn còn tình trạng NSNN chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương. Chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT.

“Một số cơ sở khám chữa bệnh do lo ngại việc không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ khám chữa bệnh BHYT cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài BHYT, đặc biệt là khi thực chi đã gần chạm hoặc vượt ngưỡng được giao”- bà Thúy Anh chỉ rõ.

Minh bạch thu - chi

Theo đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên), BHXH và BHYT là trụ cột quan trọng trong an sinh xã hội. Tuy nhiên, ông Toản cũng lo ngại khi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với luật. Nhất là gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả và quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chưa được ban hành đầy đủ và cập nhật.

“Thực tế trên dễ xảy ra cơ chế “xin-cho” vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Từ đó khiến các cơ sở khám chữa bệnh không dám dùng các gói dịch vụ y tế kỹ thuật chuyên môn để chăm sóc cho người bệnh do sợ bị ảnh hưởng” – ông Toản nhấn mạnh.

Nêu quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, cần lưu ý đến nhóm số lượng lưu học sinh nước ngoài học ở Việt Nam được tham gia BHYT. Đây là số lượng tương đối đông. Đối với số lượng được học bổng hưởng ngân sách cấp thì được hưởng chế độ BHYT, còn du học sinh thuộc dạng đóng tiền đi học thì không được tham gia BHYT. Nhiều học sinh đau ốm nhưng không được tham gia đóng BHYT.

“Học sinh Việt Nam ra nước ngoài được tham gia BHYT, còn học sinh nước ngoài học ở Việt Nam lại không được tham gia. Do đó cần quy định để cho du học sinh nước ngoài du học tại Việt Nam có thể tham gia, đây cũng là cách để tăng lượng người tham gia BHYT cũng như đảm bảo quyền lợi cho học sinh trong và ngoài nước”- bà Thơ cho hay.

Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), hiện đang có bất cập trong chi BHYT, nguyên do là, tiêu chí nhiều khi không cụ thể, nhất là các bệnh mới như Covid-19. Đáng ra ngành Y tế phải hướng dẫn BHXH chi trả, và cần có sự bóc tách. Cho nên Bộ Y tế phải chủ trì đưa ra các tiêu chí cụ thể trong chi tiêu cho thuốc, khám chữa bệnh một cách rõ ràng, minh bạch. Chính phủ cần đưa ra các giải pháp, các định mức về chi tiêu, và ngành tài chính phải định giá sát với thị trường. Như vậy thu-chi BHYT mới minh bạch.

Theo quy định, điều trị bệnh Covid-19 là do NSNN chi trả. Nhưng với các bệnh nhân có bệnh nền mà mắc Covid-19 thì do quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, hiện đang khó trong tách bạch chi phí chữa bệnh nền, cho nên đến giờ vẫn chưa có đáp án rõ ràng. Về việc này, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) kiến nghị: Một là do ngân sách chi trả, còn hai là do BHYT chi trả. Nếu không xử lý sớm có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính. Vì thế Chính phủ và Bộ Y tế phải có hướng dẫn để phân định rõ ràng.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) phát biểu tại thảo luận tổ sáng 22/10. Ảnh: Quang Vinh.

Cơ chế đặc thù cho 4 địa phương

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về cơ chế chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với việc ban hành cơ chế đặc thù nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị đối với 4 địa phương trên.

Đại biểu Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội nhận định: Việc thí điểm cơ chế đặc thù cho tỉnh Nghệ An là quán triệt tinh thần của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị năm 2013 và phù hợp với tình hình hiện nay khi cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ tăng, là tỉnh kinh tế trọng điểm phía bắc. Đặc biệt Nghệ An là tỉnh ven biển, văn hóa xã hội, giáo dục nằm trong top đầu cả nước với lượng học sinh giỏi các năm đạt cao. Do đó việc đưa ra cơ chế đặc thù cho Nghệ An là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù đối với 4 địa phương, đại biểu Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, đây là bước thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị đối với 4 tỉnh trên.

“Trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì việc ban hành chính sách đặc thù sẽ góp phần thúc đẩy các tỉnh thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đáp ứng sự mong mỏi của địa phương” – bà Nguyên nói. Tuy nhiên, bà Nguyên cho rằng, dự thảo Nghị quyết mới đề cập đến cơ chế đặc thù về tài chính, nhưng chưa thấy đề cập đến việc xây dựng tổ chức bộ máy và biên chế để đảm bảo thực hiện khi được áp dụng cơ chế đặc thù. Do đó Chính phủ cần nghiên cứu để có cơ chế đặc thù đối với tổ chức bộ máy tại những địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù

Đại biểu Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm, ở đây là các địa phương “xin” về cơ chế. Nếu tháo gỡ về cơ chế sẽ tạo điều kiện cho phát triển. Nhất là Thanh Hóa có cảng Nghi Sơn, còn Nghệ An và Hải Phòng có hệ thống cảng biển nước sâu. Cho nên việc tăng định mức chi thường xuyên thêm 45% đối với 3 địa phương trên sẽ giúp các địa phương tăng chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục.

M.Loan - H.Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế: Vẫn chưa giải quyết triệt để

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO