Làm gì để dòng vốn chảy vào nông nghiệp?

An Hà 27/04/2022 13:20

Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, là “vịnh tránh bão” khi nền kinh tế gặp khó khăn. Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên trong bối cảnh mới cần sức vươn mạnh hơn. Mà muốn đạt được điều đó thì cần có chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả.

Một trang trại ứng dụng công nghệ cao tại Kon Tum.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhiều chính sách thu hút cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành; trong đó có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Tiến cho rằng, với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2021 có 6 dự án, cơ sở với tổng mức đầu tư trên trên 5.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Điều này tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Năm 2021, trong khó khăn của dịch Covid-19 nhưng vẫn có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp (trong tổng số 800.000 doanh nghiệp cả nước). Như vậy, dù đã tích cực hơn nhưng số doanh nghiệp nông nghiệp vẫn thấp. Đặc biệt, số doanh nghiệp lớn (tập đoàn) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều, có thể kể đến C.P Việt Nam, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Doveco...

Một trong những điều kiện quan trọng để nông nghiệp phát triển, theo giới chuyên gia, chính là phải nhanh chóng phát triển các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp ngay tại địa phương. Hiện con số hơn 19.100 hợp tác xã và 78 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; trên 30.000 tổ hợp tác và trên 19.600 trang trại theo tiêu chí mới trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bà con nông dân, là còn rất khiêm tốn.

Đáng chú ý, trong số 14.400 doanh nghiệp có 7.500 doanh nghiệp chế biến nhưng các thủ tục về đất đai, các ưu tiên, ưu đãi vẫn chưa có nguồn lực triển khai, có thể coi đó là “nút thắt” cần được tháo gỡ để nông nghiệp phát triển.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Nhằm khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ, coi đây là đột phá phát triển sản xuất quy mô lớn và thay thế sản xuất nhỏ lẻ.

Theo đó, dự kiến hết năm 2022, cả nước sẽ có 21.000 hợp tác xã nông nghiệp; trên 2.300 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; có trên 20.500 trang trại theo tiêu chí mới.

Nhìn chung, dòng vốn vẫn chưa chảy mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ như vậy là do đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, do sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn phụ thuộc khá lớn vào thiên nhiên. Thêm đó, điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn kéo dài từ năm này sang năm khác khiến doanh nghiệp lo ngại.

Một khâu nữa cũng rất quan trọng là hệ thống chế biến nông sản vẫn ở trình độ thấp. Nhiều loại nông sản không thể để lâu sau thu hoạch cần phải được bảo quản, chế biến nhưng tới nay vẫn chưa đáp ứng. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vực trái cây, vựa tôm cá nhưng cứ đến mùa thu hoạch lại cấp tập lo đầu ra, nếu không muốn để sản phẩm nông sản bị hư hỏng.

Cùng đó, chính sách đất đai trong nông nghiệp cũng còn vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp cho biết, việc tập trung đất để có được diện tích đủ lớn là rất khó khăn. Trong khi nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp không nhỏ, nhưng việc triển khai dự án lại bị kéo chậm sẽ mất thời cơ. Vì vậy, dòng vốn thường chảy vào những lĩnh vực đầu tư nhanh sinh lợi hơn.

Chính vì vậy, chính sách thông thoáng cho nông nghiệp để “kéo doanh nghiệp vào cuộc”, cũng có nghĩa là dòng vốn, khoa học kỹ thuật, tính chất thương mại được tăng cường..., đang đòi hỏi một tư duy mới mang tầm chiến lược cho lĩnh vực nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để dòng vốn chảy vào nông nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO