Làm gì để giữ người tài?

VIỆT THẮNG (thực hiện) 24/09/2022 07:26

“Chảy máu chất xám" từ khu vực công sang tư trong thời gian qua đang lan rộng ra nhiều ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý, trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. Ngay đầu năm học 2022-2023 thiếu giáo viên cũng là nỗi lo lớn của ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Quang Đồng.

Trao đổi với Tinh hoa Việt xung quanh thực trạng này, ông Nguyễn Quang Đồng - chuyên gia chính sách công, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đưa ra những kế sách để giữ người tài, cũng như cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hiệu quả.

Sẽ nghiêm trọng nếu giải pháp thiếu mạnh mẽ

PV: Thưa ông, là người từng cảnh báo về “chảy máu chất xám" từ 10 năm qua, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này trong thời gian gần đây?

Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG: Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc đã, đang diễn ra, và được thảo luận nhiều năm qua. Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, những người có năng lực muốn gắn bó lâu dài với khu vực nhà nước nhưng khó phát triển. Thứ hai, lương của những công chức thực làm, thực nhận thấp. Muốn lương cao họ phải làm việc này, việc kia mới đủ sống.

Trong những năm gần đây, khi kinh tế tư nhân bung ra, tìm kiếm việc làm tại các khu đô thị mở ra nhiều cơ hội, họ có nhiều lựa chọn chứ không phải buộc làm việc trong khu vực nhà nước. Trước kia khi kinh tế tư nhân còn hạn hẹp, họ không ra được khỏi nhà nước thì buộc phải ở lại. Nhưng bây giờ, cơ hội nhiều như thế thì việc gì phải gắn bó nữa? Từ đó khiến cho quá trình “chảy máu chất xám" chuyển từ khu vực công sang tư diễn ra nhanh chóng hơn. Hiện nay tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc chuyển sang khu vực tư đã diễn ra ở nhiều ngành, nhiều tỉnh, thành.

Việc người tài “chảy” khỏi khu vực nhà nước, theo ông ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển chung của đất nước?

- Bất cứ quốc gia nào cũng vậy. Nhà nước có vai trò xây dựng chính sách chiến lược, và điều hành xã hội. Nếu những người giỏi nhất trong hoạch định chính sách, thực thi pháp luật không còn ở trong bộ máy nhà nước thì xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng đối với xã hội. Bất cứ tổ chức nào cũng phải có nhân lực tốt mới vận hành được. Như doanh nghiệp hay báo chí chẳng hạn, phải có người giỏi doanh nghiệp mới phát triển, có những nhà báo giỏi mới tạo ra tờ báo tốt.

Vậy theo ông phải làm gì để giữ chân người tài?

- Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Lúc đó mới có tiền tăng lương.

Thứ hai là chế độ thăng tiến đối với người tài, người giỏi. Hãy trao cho người tài những cơ hội, tránh việc cất nhắc “con ông cháu cha”. Bên cạnh đó, thực thi cơ chế thi tuyển công chức vào những vị trí cụ thể như những nền công vụ hiện đại trên thế giới đang làm, có một cơ chế phù hợp để những người có năng lực tốt có thể thi thẳng vào những vị trí cán bộ quản lý nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương, chứ nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ mới thực hiện thí điểm cơ chế này.

Hiện trong bộ máy nhà nước có ba nhóm lao động chính là cán bộ, công chức, viên chức. Với nhóm viên chức đang chiếm tỷ lệ lớn biên chế trong bộ máy nhà nước hiện nay phải giảm mạnh số lượng bằng cách đấu thầu đơn vị cung cấp các dịch vụ công để cho tư nhân làm.

Cụ thể, các dịch vụ công như cấp nước sạch, xử lý rác thải, xe buýt công cộng, chiếu sáng đô thị, chăm sóc cây xanh có thể chuyển cho tư nhân làm, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa. Riêng đối với hai dịch vụ công lớn nhất, sử dụng nhiều biên chế nhất là giáo dục, y tế thì cần làm song song hai việc: vừa tạo điều kiện thúc đẩy y tế tư nhân, giáo dục tư nhân phát triển, đồng thời cải cách dịch vụ công về giáo dục, y tế theo hướng thu gọn lại, tập trung phục vụ nhóm đối tượng lõi.

Nhân lực ngành y tế đang thiếu nghiêm trọng.

Hiệu quả các chương trình cải cách bộ máy vẫn là dấu hỏi

Một trong những vấn đề cơ bản để “giữ chân người tài” như ông vừa đề cập là chế độ tiền lương. Nhưng muốn có tiền tăng lương thì phải tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy?

- Lâu nay chúng ta đã thực hiện cải cách bộ máy để cải cách chế độ tiền lương. Khi tổng quỹ lương nhà nước không tăng được thì phải giảm bớt người trong bộ máy. Thế nhưng tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, làm thế nào để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, không “ăn bám” ngân sách là vấn đề đã được bàn thảo suốt hơn 2 thập niên qua và đã được đưa vào nhiều chương trình cải cách.

Hiện hiệu quả các chương trình cải cách bộ máy vẫn là dấu hỏi. Càng cải cách, càng hô hào “tinh giản”, “tự chủ” thì biên chế càng tăng. Ngân sách nhà nước cung cấp cho khối này thay vì giảm thì ngày càng nặng gánh hơn. Càng “tinh giản” lại càng “phình to”. Số lượng biên chế lại càng tăng ở tất cả các nhóm nhân sự, trong đó tăng mạnh nhất chính là nhóm viên chức. Viên chức là những người được tuyển dụng để làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học. Điều đáng lo ngại nhất chính là sự tăng mạnh của nhóm viên chức trong khu vực sự nghiệp. Đối với nhóm này, mục tiêu tinh giản không những không đạt được mà “biên chế” càng ngày lại càng “phình lên”.

Theo ông vì sao càng cải cách thì bộ máy và biên chế càng phình ra?

- Tôi cho rằng mấu chốt nằm ở hai vấn đề chính. Như “biên chế” chẳng hạn. Biên chế là phần “ngọn”, là hệ quả của bộ máy, thì lại được coi là đối tượng để cải cách. Hay chuyện sáp nhập một cách cơ học. Sáp nhập cơ quan này với cơ quan khác trong khi không thay đổi chức năng hay mô hình tổ chức, hoạt động. Kiểu “cải cách” cơ học như thế chỉ giảm được vài lãnh đạo chứ không tăng được hiệu quả. Vì không được dẫn dắt bởi một triết lý, nên hệ quả là cách làm theo kiểu tự phát, cải cách manh mún. Tôi cho rằng cần cẩn trọng, không để “biên chế” và “thành tích cắt giảm biên chế” làm “nhiễu” những vấn đề cốt lõi nhất của cải cách.

Cần nhận thức đúng rằng biên chế, tức vị trí công việc chỉ là hệ quả của tổ chức bộ máy. Biên chế giảm hay tăng phụ thuộc chức năng và tổ chức bộ máy, tổ chức công việc. Gốc rễ của vấn đề, do đó, là chức năng của Nhà nước nói chung, chức năng cụ thể của từng tổ chức nhà nước nói riêng. Xác định đúng chức năng và tổ chức bộ máy hợp lý tự khắc sẽ có vị trí con người, có số lượng biên chế hợp lý. Chúng ta phải xác định lại Nhà nước làm gì, thị trường làm gì, các tổ chức xã hội làm gì? Xác định đúng chức năng, từ đó mới đi vào bộ máy.

“Tự chủ ngân sách” chỉ là giải pháp tình thế

Vậy ông đánh giá như thế nào về việc lựa chọn cải cách tinh giản ở khối sự nghiệp công, việc lựa chọn có hợp lý, thưa ông?

- Theo tôi việc lựa chọn cải cách khối sự nghiệp công là lựa chọn đúng đắn. Trong đó xác định 7 nhóm đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: kinh tế; giáo dục-đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ làm lĩnh vực ưu tiên cho cải cách như Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đề ra là lựa chọn đúng. Tuy nhiên, sự thất bại của các nỗ lực giảm biên chế cho thấy cách tiếp cận giải quyết bằng cơ chế “tự chủ ngân sách” mới chỉ là giải pháp tình thế nhằm giải quyết phần nổi vấn đề.

Ví như chúng ta tự chủ nhưng nếu số lượng các đầu mối, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn tăng. Số lượng viên chức vẫn tăng đều đặn như suốt thời gian dài vừa qua thì “vấn đề khu vực sự nghiệp công” vẫn còn nguyên đó. Cái gốc của vấn đề là xác định lại vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công.

Câu hỏi căn bản là dịch vụ công gì, ở địa bàn nào bắt buộc Nhà nước phải cung cấp? Trên nguyên tắc đó, dịch vụ nào không cần Nhà nước làm cần kiên quyết cắt bỏ, chứ không chỉ là giao tự chủ. Ở Việt Nam, một phần lớn đơn vị sự nghiệp, khối viên chức đang cung cấp các dịch vụ công ích mà khu vực tư nhân có thể tham gia hiệu quả. Vì vậy, cải cách không thể chỉ dừng lại ở yêu cầu tự chủ, quan trọng và lâu dài hơn cần chuyển giao căn bản các chức năng này cho khu vực tư thực hiện.

Cái gì thị trường làm tốt, hiệu quả thì để thị trường làm

Có ý kiến cho rằng, cải cách ở khu vực sự nghiệp công chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Phải chăng vẫn có sự “ôm đồm” ở một số lĩnh vực, trong khi thực tế có thể chuyển cho tư nhân làm?

- Việt Nam đang chịu áp lực lớn về cải cách khu vực sự nghiệp công. Trên thực tế, hai lĩnh vực dịch vụ công chiếm số lượng nhân sự nhiều nhất và chi phí lớn nhất ở Việt Nam là dịch vụ giáo dục và y tế. Nhưng chính trong hai khu vực này, năng lực của doanh nghiệp tư ở Việt Nam có thể tham gia rất tốt và giảm tải hiệu quả gánh nặng cho Nhà nước.

Với giáo dục thì đã rõ, hệ thống trường tư từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học ngày càng san sẻ tốt gánh nặng cho hệ thống trường công. Điểm mấu chốt là hệ thống trường nghề cũng cần được tạo điều kiện cho khu vực tư tham gia. Chỉ khi trường nghề tư được cạnh tranh bình đẳng với trường nghề công trong tiếp cận các gói ngân sách từ chương trình hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước, hệ thống “đơn vị sự nghiệp” này mới có thể thay đổi.

Còn trong lĩnh vực y tế, “cởi trói” cho tư nhân tham gia bình đẳng vào thị trường dịch vụ y tế. Người dân có thể dùng thẻ bảo hiểm để khám ở bệnh viện công cũng như ở bệnh viện tư, trong những gói bảo hiểm khác nhau, điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh và tạo sự phát triển cho dịch vụ y tế.

Nhóm dịch vụ công thứ ba là dịch vụ liên quan đến nghiên cứu khoa học. Nhóm viên chức chiếm số lượng lớn thứ ba hiện nay là nhóm làm việc trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đào tạo của từng bộ ngành. Hầu hết bộ ngành, mỗi bộ đều có vài viện, trường làm chức năng nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên môn nghề nghiệp dưới các hình thức viện nghiên cứu chiến lược chính sách; viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngành, trường đào tạo cán bộ ngành. Cần kiên quyết giải thể phần lớn các viện này. Nhà nước khi cần sử dụng dịch vụ nghiên cứu, đào tạo có thể áp dụng phương thức “giao thầu”. Theo đó, thực hiện theo cách thức “ra đề bài”, mời thầu nghiên cứu công khai và trả tiền theo kết quả. Cách tiếp cận này có thể giúp cắt giảm được một số lượng lớn đầu mối đơn vị sự nghiệp lẫn biên chế viên chức, đồng thời nâng cao được hiệu quả sử dụng ngân sách cho lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo ở các bộ, ngành hiện nay.

Tinh giản biên chế phải căn cứ trên tư duy lại, định nghĩa lại về chức năng của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công. Từ đó kết hợp với đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ. Đó là một khối lượng công việc lớn với nhiều trở lực. Tuy nhiên để phát triển một Nhà nước kiến tạo với một nền hành chính tinh gọn, mạnh và hiệu quả, phải có những cải cách mạnh mẽ.

Cải cách bộ máy từ chức năng và mô hình của các Bộ

Nhưng theo ông phải làm như thế nào để tránh việc cắt giảm mang tính cơ học?

Hãy trao cho người tài những cơ hội, tránh việc cất nhắc “con ông cháu cha”. Bên cạnh đó, thực thi cơ chế thi tuyển công chức vào những vị trí cụ thể như những nền công vụ hiện đại trên thế giới đang làm, có một cơ chế phù hợp để những người có năng lực tốt có thể thi thẳng vào những vị trí cán bộ quản lý nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương, chứ nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ mới thực hiện thí điểm cơ chế này.

- Hệ thống bộ máy nhà nước hiện nay đang được tổ chức với ba khu vực chính gồm: khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp công, khu vực đoàn thể. Ba khu vực này có chức năng riêng, vai trò riêng, với các đặc điểm đặc thù riêng. Cần xác định chức năng cụ thể của từng khu vực để thiết kế từng chiến lược cụ thể. Khi đi sâu vào từng khu vực rồi, mới có thể đặt mục tiêu là khu vực nào cắt bao nhiêu biên chế, chứ không áp dụng một chỉ tiêu chung như hiện nay.

Cần lưu ý rằng, có những chỗ cần tăng chứ không phải là cắt. Giao dịch hành chính giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp tăng lên theo quy mô dân số, theo mức độ phức tạp của nền kinh tế, vì vậy sẽ có nơi cần tăng chứ không phải là giảm đều ở mọi cơ quan.

Bắt đầu với khu vực dễ nhất trước đó là khu vực dịch vụ công. Giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học là ba nhóm dịch vụ lớn nhất trong khu vực này. Hiện nay kinh tế tư nhân đã đảm đương được một phần khá lớn các dịch vụ đó. Hãy sử dụng ngân sách một cách thông minh, áp dụng cơ chế thị trường: để tư nhân tham gia cạnh tranh các gói thầu “dịch vụ công ích” do Nhà nước làm “chủ đầu tư”.

Như vậy, mục tiêu công bằng xã hội vẫn đạt được, mà chất lượng, hiệu quả kinh tế sẽ nâng cao. Tiến trình này sẽ sàng lọc, khiến các đơn vị dịch vụ công thay đổi, đơn vị nào không cạnh tranh được, hãy quyết liệt giải thể, chấp nhận đau một lần chứ không làm từng bước nửa vời kiểu “tự chủ từng bước” như hiện nay.

Bên cạnh đó, cải cách bộ máy hành chính, trước hết là từ chức năng và mô hình của các bộ. Bộ cần tách bạch hai chức năng: chức năng phát triển kinh tế ngành và chức năng điều tiết thị trường. Trong đó vấn đề hoàn chỉnh các thiết chế điều tiết thị trường là quan trọng và cấp bách nhất. Tôi cho rằng cải cách “giấy phép con” hiện nay là điểm bắt đầu rất tốt, vì gốc rễ của “giấy phép” là chức năng, thẩm quyền can thiệp của Nhà nước, là phân vai Nhà nước - thị trường. Nên tận dụng cơ hội này để mở rộng cải cách các Bộ.

Cái được lớn nhất của cải cách không đơn thuần là tiết kiệm biên chế và chi thường xuyên cho con người. Cái được lớn hơn là chất lượng quản trị và điều hành quốc gia, chất lượng hoạch định và thực thi chính sách, những yếu tố chỉ có thể có được khi có triết lý quản trị quốc gia tốt và tổ chức bộ máy tốt, đi cùng là nhân sự tốt.

Quan sát những chuyển động trong thời gian gần đây, từ hành động quyết liệt để chống tham nhũng, tư duy lại vai trò doanh nghiệp nhà nước, tuyên chiến với giấy phép con tôi cho rằng, những điều kiện “cần” để khởi động cải cách đã bắt đầu được gầy dựng.

Cá nhân tôi rất tâm đắc với triết lý “không gì có thể bắt đầu nếu không có con người; và không có gì bền vững nếu thiếu thể chế”. Những hành động chống tham nhũng quyết liệt và cụ thể gần đây đã tạo “dọn” những con người cụ thể, vốn là rào cản cải cách, ra khỏi bộ máy; mở đường cho những nhân tố con người mới có thể cải cách.

Trân trọng cảm ơn ông!

Các nước phát triển đã bắt đầu chuyển từ nền hành chính công truyền thống (Public Administration) sang quản lý công mới (New Public Management) từ những năm 1980. Triết lý cốt lõi của nó là một nhà nước mạnh là một nhà nước tinh gọn và hiệu quả. Nhà nước thay vì đóng vai trò “chèo thuyền” thì chuyển sang vai trò “cầm lái”. Tức là Nhà nước thay vì đứng ra ôm đồm làm mọi việc, nay chỉ tập trung vào việc cốt lõi là điều phối, lãnh đạo và dẫn dắt. Còn “chèo thuyền” tức cung cấp các dịch vụ công trực tiếp do khu vực tư đảm nhiệm. “Vừa bế em, vừa xay lúa” thì không thể làm việc gì tốt. Nhà nước chỉ tập trung vào chức năng cốt lõi. Còn chuyện cung cấp dịch vụ thì khu vực tư năng động và hiệu quả có thể làm tốt hơn khu vực công rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để giữ người tài?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO