Làm gì khi bị ong vò vẽ đốt, rắn độc cắn?

Minh Thủy 26/05/2021 09:30

Ong đốt hoặc bị rắn cắn không hiếm gặp. Nhưng điều  rất đáng quan tâm là nhiều người không biết xử lý ra sao (nhất là với trẻ em), nên đã để lại hậu quả nghiêm trọng, kể cả tử vong.

Theo TS Trần Đình Long, ong vò vẽ là thủ phạm của nhiều ca tử vong. Để việc cứu chữa có hiệu quả cao, nạn nhân bị ong đốt cần được phát hiện và sơ cứu càng sớm càng tốt (trong vòng 10-15 phút). Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bệnh bị đốt bởi các loại ong mà nọc có độc tố cao như ong vò vẽ.

Các động tác sơ cứu bao gồm: rửa xà phòng (hoặc chất kiềm nhẹ) ở vết cắn rồi chườm lạnh; sau đó chuyển bệnh nhân lên tuyến y tế có điều kiện. Tại đây, nhân viên y tế vừa soi kính lúp để gắp vòi ong, vừa cho người bệnh uống thuốc kháng histamin và kháng sinh ngay. Các biện pháp can thiệp tích cực bao gồm chống đau ngứa tại chỗ, chống sốc phản vệ (nếu có), cho thở ôxy, đặt nội khí quản làm thông đường thở.

Với những bệnh nhân nặng, phải lọc máu ngoài thận sớm mới cứu được sinh mạng và bảo đảm không để lại di chứng về sau. Những bệnh nhân này cần được chuyển lên điều trị tuyến cao, nơi có đủ điều kiện về kỹ thuật và trang thiết bị.

Vẫn theo TS Long, trong các loài ong gây chết người, thường gặp nhất là ong vò vẽ, gồm 2 loại:

-Loại nhỏ: Thân màu đen, vàng xen kẽ, bụng có một khoanh vàng rộng; làm tổ cao, thích sống gần hơi ấm của con người và gia súc. Độc tính của nọc ong này khá cao; nếu bị đốt 40-50 nốt (ở trẻ em là 30 nốt), bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.

-Loại to: Làm tổ trên mặt đất hoặc hố đất, rất độc. Chỉ 1-2 con đốt đã có thể gây sốt. Chúng thường làm tổ ở các gò, đồi, mô đất cao hơi yên tĩnh, thường xa nhà và nơi thả gia súc.

Tùy số nốt đốt và phản ứng của từng cá thể, bệnh nhân có thể bị phù mặt, thanh khí phế quản và thanh môn, khó thở, nói khàn; có thể liệt thần kinh (mặt, ngoại biên, mắt), thậm chí bị tổn thương thần kinh lan tỏa rất nặng nề. Độc chất của nọc ong vò vẽ còn có thể gây nhược cơ trầm trọng.

Với nọc rắn lục cũng có thể gây chết người nhanh chóng. BS Bạch Văn Cam - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết, trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-30 trẻ bị rắn độc cắn. Ngay sau khi bị rắn độc cắn, trẻ cần được sơ cứu rồi đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Việc điều trị sẽ có hiệu quả cao nếu được tiến hành ngay trong giờ đầu sau khi tai nạn xảy ra. Nếu để sau 24-48 giờ, hiệu quả chữa trị sẽ rất kém hoặc bằng không.

Theo BS Cam, trong vòng vài phút đến 1-2 giờ sau khi bị rắn độc cắn, bệnh nhi có những biểu hiện sau:

-Tại vết cắn (thường ở tay và chân) có 2 dấu răng của rắn.

-Vết thương sưng lên rất nhanh và sưng nhiều trong 1 giờ; chỗ sưng đau lan rộng.

-Xung quanh vết cắn có vết bầm tím lớn (hoại tử do độc tố của nọc rắn). Nếu là loại rắn có độc tố gây rối loạn đông máu (như rắn lục, rắn chàm quạp) thì chỗ cắn xuất hiện các mảng xuất huyết màu xanh; có trường hợp nổi phồng lên như nốt bỏng, trong có máu.

-Đối với nhóm rắn hổ, vết cắn không bầm nhưng bệnh nhân sẽ rất khó thở do liệt vùng hầu họng và liệt cơ hô hấp; biểu hiện là đớ miệng, không nói được, ứ đọng đờm nhớt, ngừng thở.

Ngay khi bị rắn cắn, dù không biết đó là rắn lành hay độc, ta vẫn phải xử trí như đối với rắn độc. Trước tiên, phải làm chậm sự hấp thu độc tố bằng cách giữ yên và đặt chân tay thấp hơn tim (không đưa chân tay lên quá cao). Cho bệnh nhân nằm nghỉ, không vận động nhiều; vì những cử động sẽ làm máu lưu thông nhiều, nhanh, khiến cơ thể hấp thu chất độc nhanh. Dùng cồn và các dung dịch sát khuẩn Povidine 10% rửa sạch vết thương nhằm chống nhiễm trùng và làm trôi bớt độc tố. Sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì khi bị ong vò vẽ đốt, rắn độc cắn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO