Làm phim theo hình mẫu thật, cần chân thực đến đâu là đủ?

Hoàng Vân 30/06/2022 09:06

Làm phim về nhân vật thật vốn là xu hướng được các đạo diễn vận dụng nhiều trong những năm gần đây. Thế nhưng, phim có giống với sự thật khách quan hay không và làm thế nào để nhân vật hư cấu không đi quá giới hạn vẫn luôn là câu hỏi khiến ekip làm phim đau đầu.

Tranh cãi về hình mẫu thật

Khán giả tranh cãi hình tượng các nhân vật trong bộ phim kể về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vào những năm gần đây thể loại làm phim hư cấu trở thành “món ăn tinh thần” được khán giả, các nhà làm phim và giới chuyên môn tại Hollywood đánh giá cao.

Tại Việt Nam, thể loại tiểu sử hư cấu còn khá lạ lẫm với số đông khán giả. Chính vì còn khá lạ lẫm nên “Em và Trịnh” đặt ra một ván cược lớn khi chọn một trong những hình tượng nghệ sĩ “bất khả xâm phạm” của Việt Nam là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm đề tài.

Hình tượng nhân vật Khánh Ly gây tranh cãi vì khác xa với bản gốc.

Gần 1 tháng kể từ ngày ra mắt, bộ phim “Em và Trịnh” vẫn gây tranh cãi vì hình tượng các nhân vật trong phim được xây dựng khác xa so với bản gốc. Thậm chí, nhân vật chính còn phải lên tiếng đính chính hình tượng của mình.

Trong phim, khi xây dựng nhân vật Khánh Ly (Bùi Lan Hương thủ vai) ngay lần đầu gặp Trịnh ở cafe đã đút sữa chua cho ông, rồi nói "ăn chung một thìa sữa không được, thì sao mà hát chung được".

Theo Khánh Ly, đây là chi tiết không có thật. Bà nhấn mạnh "chưa từng đút sữa chua cho ông Trịnh Công Sơn, đến chồng con cũng chưa từng được tôi đút sữa cho".

Thực tế, thông qua những cử chỉ, hành động của Khánh Ly dành cho Trịnh Công Sơn, ekip làm phim muốn xây dựng tình yêu tri kỷ, đôi lứa. Tuy nhiên điều này hoàn toán trái với sự thật.

Giữa những tranh cãi liên quan đến tình tiết phim, Khánh Ly cho biết từng cùng Trịnh Công Sơn hút chung điếu thuốc, ăn chung dĩa cơm, ngủ trên sàn nhà trong những ngày miệt mài cùng âm nhạc. Khánh Ly tôn trọng Trịnh Công Sơn, nhưng đó là tình cảm tri kỷ trong âm nhạc.

Bà khẳng định giữa bà và Trịnh tuyệt đối không phải tình yêu, không phải kiểu vùng vằng hờn dỗi khi Trịnh Công Sơn về Huế tìm Dao Ánh, cũng không phải quyến luyến ái tình như ê-kíp định hướng người xem.

Không chỉ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy cũng không đồng tình với hình ảnh của mình trên phim.

Sau khi danh ca Khánh Ly lên tiếng về hình ảnh bị xuyên tạc của mình trong phim thì mới đây, ca sĩ Thanh Thúy cũng khẳng định: “Ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ”.

Cô không dấu được sự thất vọng: “Đó là thời gian mẹ cô mới mất. Cô để tang mẹ và đi hát chỉ mặc áo dài trắng đen. Cả đời đến nay chưa bao giờ mặc sườn xám như trên phim”.

Ranh giới nào cho nhân vật hư cấu?

Từ việc danh ca Khánh Ly đến ca sĩ Thanh Thuý lên tiếng phân trần hình ảnh của mình trong phim “Em và Trịnh” cho thấy vấn đề hư cấu nhân vật cũng nên được chú trọng. Đặc biệt là đối với một nhân vật có tên tuổi, tài năng như Trịnh Công Sơn điều này càng đáng được lưu tâm.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết thể loại phim truyện đã là hư cấu.

Nhìn nhận xu hướng làm phim về nhân vật thật, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết thể loại phim truyện hư cấu đã xuất hiện từ lâu và thực chất phim truyện đã là hư cấu. Bởi mục đích của phim truyện là đưa ra góc nhìn, cách kể chuyện và sáng tạo của tác giả cũng giống như văn học, ở đó không giống với lịch sử, tin tức sự kiện dù văn học có thể dựa trên sự việc, nhân vật có thật.

“Ngay cả phim tài liệu dù đưa ra hình ảnh, thông tin... Có cơ sở chứng cứ, có tài liệu thì cách chọn tư liệu, ghép hình cũng thể hiện tư tưởng của người làm phim muốn đưa ra góc nhìn nào. Chỉ có phim tư liệu, người làm phim thường ghi hình sự kiện diễn ra đúng thời điểm ghi hình.

Nhưng cũng không hẳn là sự thật 100% vì sự thật có khi nằm ngoài khung hình. Nên sự thật khi đã qua bộ lọc nào đó như: ống kính, ngòi bút, lời kể… của ai đó đều chỉ là 1 phần của sự thật”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.

Theo đạo diễn Quang Dũng, hình tượng Trịnh Công Sơn trong phim cũng chỉ là hư cấu qua con mắt của tác giả.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phần đa các tác phẩm đều là tư tưởng, triết lý của tác giả, thông điệp muốn gửi gắm, phần nào mang cái tôi cá nhân. Những tác phẩm dựa trên nhân vật hay sự kiện có thật, thường sẽ được nghiên cứu từ cốt truyện có thật, chắt lọc, cải biên và thêm thắt sao phù hợp để đưa vào tác phẩm, tạo nên mạch câu chuyện cũng như hình thành rõ góc nhìn hay tư tưởng ý đồ của tác giả.

Phan Đăng Di cho rằng việc làm phim về các nhân vật nổi tiếng và có thật không có gì là mới mẻ.

Đồng quan điểm với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng việc làm phim về các nhân vật có thật mà người làm phim chọn hình thức thể hiện là hư cấu (fiction) nói lên những gì khán giả thấy trong phim là tưởng tượng, là không có thật, là "bịa"...

Chính vì vậy những chi tiết/tình huống, sự kiện trong phim cần được xem là hình dung chủ quan của nhà làm phim về nhân vật họ đang thể hiện.“Mặc dù họ có sử dụng một số chất liệu được xem là "có thật" về nhân vật đó chăng nữa thì nó cũng chỉ phục vụ việc "hư cấu" mà thôi.

Nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng đó thì việc so sánh nguyên mẫu ngoài đời thực với nhân vật hư cấu trong phim là khập khiễng, thậm chí vô nghĩa”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Thực tế, trên thế giới có rất nhiều bộ phim kể về giai thoại nhân vật nổi tiếng.

Cũng theo đạo diễn Phan Đăng Di việc làm phim về các nhân vật nổi tiếng và có thật không có gì là mới mẻ. Cuộc đời và giai thoại về các nhân vật nổi tiếng luôn có sức hút với công chúng và là chất liệu, đề tài hấp dẫn với điện ảnh. Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh, các tổng thống Mỹ, Elvis Presley, công nương Diana, Marilyn Monroe.. là các nhân vật nổi tiếng được đưa lên màn ảnh thời gian gần đây.

Cũng có rất nhiều chi tiết về đời tư của họ trong các bộ phim này có thể hoàn toàn là bịa ra, là gây sốc, làm cho họ nếu sống lại chưa chắc đã hài lòng nhưng ngay cả khi họ còn sống chăng nữa (Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị còn sống và minh mẫn) thì họ cũng không thể phê phán bộ phim đã thể hiện không đúng sự thật. Bởi đơn giản đó là phim, không phải chính họ cũng đồng nghĩa rằng nhà làm phim không có nghĩa vụ/trách nhiệm/ý định, thậm chí là khả năng để làm điều này trong một tác phẩm hư cấu.

Khi anh ta chọn hư cấu anh ta được quyền tự do sáng tạo và không cần phải giải trình sáng tạo đó với bất kỳ ai…”, đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm phim theo hình mẫu thật, cần chân thực đến đâu là đủ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO