Làm rõ trách nhiệm khi để dịch lây lan

Nam Việt 04/05/2021 08:28

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cá nhân hóa trách nhiệm trong phòng, chống dịch; xem xét trách nhiệm, kể cả xử lý hình sự, đối với các cá nhân, tập thể vi phạm quy định, để lây lan dịch bệnh.

Sunny Club ở Vĩnh Phúc, nơi được coi là “ổ dịch” đã đóng cửa.

Thủ tướng nhấn mạnh, mấy ngày qua, các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, thành phố Đà Nẵng chưa thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhất là việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố này phải chấn chỉnh ngay tình trạng trên.

Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các cấp kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Hà Nam, Yên Bái căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế để rà soát lại và căn cứ vào hậu quả xảy ra, tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.

Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang chậm trễ trong việc triển khai các cơ sở xét nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia.

Như vậy, Thủ tướng đã “điểm mặt” rất rõ những địa phương chưa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt lây lan dịch lần này. Đó là điều rất cần thiết khi sự việc được gọi tên một cách rõ ràng, không còn chuyện nhắc nhở chung chung. Trước nay, trong dịch Covid-19, hầu như chưa có lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm khi dịch bùng phát, lan rộng ở địa phương mình rồi lan ra các địa phương khác. Trách nhiệm hầu như chỉ được quy cho một vài cá nhân là bệnh nhân. Điều đó đúng khi anh là tác nhân trực tiếp làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng thì anh phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nhưng chưa đủ. Vì trên thực tế, để xảy ra việc đó và nhất là khiến nó lan rộng thì trách nhiệm còn thuộc về cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương các cấp khi đã mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm.

Chính vì thế dư luận rất hoan nghênh việc mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định tạm thời đình chỉ công tác với Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái (ông Nguyễn Trường Giang) do có vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài. Trước đó, 5 chuyên gia Trung Quốc của Công ty Trung Bắc Á sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại thành phố Yên Bái đã di chuyển nhiều nơi. Đáng nói là trong số 5 chuyên gia này có 1 chuyên gia khi trở về nước đã xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Cũng chỉ vì cán bộ thiếu trách nhiệm một chút thôi mà Yên Bái phải lập tức phong tỏa một khách sạn tại thị xã Nghĩa Lộ và kích hoạt 9 chốt kiểm dịch phòng, chống Covid-19. Yên Bái phải tiến hành truy vết thần tốc những người đã nghỉ tại khách sạn này, các trường hợp khác liên quan đến những nơi đoàn đã đi qua, toàn bộ khu vực lân cận khách sạn; toàn bộ người dân khu vực ngõ khách sạn, các quán ăn. Đồng thời phải liên hệ với tỉnh Lạng Sơn để lấy kết quả xét nghiệm 4 trường hợp chuyên gia Trung Quốc còn lại.

Trong vụ này, không chỉ Yên Bái bị ảnh hưởng mà một số địa phương khác cũng “vạ lây”. Nói như PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thì Vĩnh Phúc phải coi như dịch đã xuất hiện trên địa bàn từ 9 ngày trước, tức là ngay khi chuyên gia Trung Quốc từ Yên Bái xuất hiện, chứ không phải có kết quả xét nghiệm mới coi là có dịch trên địa bàn. Đặc biệt tại quán Sunny Club (với 6 ca dương tính với SARS-CoV-2), là môi trường kín, người ra vào nhiều trong thời gian từ ngày 24/4 đến nay, nên rất có thể mầm bệnh đã lan ra nhiều địa bàn.

Còn với ca lây nhiễm đầu tiên trong đợt này ra cộng đồng (bệnh nhân 2899), thì chỉ một mình người này thôi, cho đến thời điểm này, đã lây cho ít nhất 18 người. Đây được coi là ca “siêu lây nhiễm” nếu biết rằng với chủng virus SARS-CoV-2 cũ trung bình 1 người bệnh sẽ lây cho 4 người; còn với biến thể mới có thể lây cho 9 đến 10 người. Đó là chưa kể cũng từ ca “siêu lây nhiễm” bắt đầu từ Hà Nam, một số địa phương khác đã bị “dính chưởng”.

Nhưng, như đã nói, rất cần xác định rõ trách nhiệm, mà ở đây không chỉ là bệnh nhân trực tiếp làm lây lan dịch, mà còn phải truy trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Nói rõ hơn là trách nhiệm của địa phương. Không thể đổ hết tội cho bệnh nhân còn mình thì vô can. Vô can sao được khi mà dịch đã lây lan, bùng phát ra nhiều tỉnh/thành, đẩy xã hội vào tình thế căng thẳng, nhiều hoạt động gián đoạn, Nhà nước lại phải mất thêm nhiều nguồn lực để truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Được biết, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam ngày 2/5, bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, chỉ đạo xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân có liên quan đến việc bệnh nhân số 2899 để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Hy vọng với thái độ kiên quyết mà cũng là lẽ công bằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ đi vào chiều sâu hơn và cũng sẽ hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ trách nhiệm khi để dịch lây lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO