Làm sáng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới

Thành Luân 24/05/2019 14:02

Ngày 24/5, tại TP HCM, Viện Kinh tế Chính trị học đã phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu tổng kết lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề sở hữu, kinh tế nhiều thành phần và đề xuất bổ sung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Làm sáng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến tại Hội thảo khoa học. Ảnh: Hồng Phúc.

Dự Hội thảo khoa học có PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cùng nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu chính trị phía Nam.

Đây là đề tài cấp nhà nước thực hiện chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 về nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết, vấn đề sở hữu và kinh tế nhiều thành phần là một vấn đề rất quan trọng trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, nếu như các hình thức sở hữu trước đây đa số là hữu hình (đất đai, máy móc, nguyên vật liệu,…), nhưng hiện nay lại biến đổi dưới rất nhiều dạng thức vô hình (tri thức, trí tuệ nhân tạo, sở hữu trí tuệ,….). Đối tượng sở hữu vô hình lúc đầu xuất hiện không đáng kể như quyền tác giả, bản quyền…, ngày nay phát triển mở rộng sang các phát minh, sáng chế, thương, nhãn, dữ liệu, phần mềm,….Trong nền kinh tế tri thức, đối tượng sở hữu vô hình ngày càng mở rộng tầm quan trọng của mình nhanh hơn đối tượng sở hữu hữu hình. Do đó, nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng là phải tổng kết, bổ sung được vào phát triển lý luận Mác - Lênin.

Cũng theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, ở nước ta sau nhiều lần đưa ra các kết cấu thành phần kinh tế khác nhau, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Dù vậy ở đây, vấn đề không phải là tên gọi mà là vị trí, vai trò và xu hướng vận động của mỗi thành phần kinh tế cũng như đối sách phù hợp của Đảng trong bối cảnh mới.

Cũng liên quan đến các thành phần kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Thị Minh Châu, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các chủ thể kinh tế rất đa dạng, như thể nhân (cá nhân là công dân hoặc người nước ngoài;…) và pháp nhân (các tổ chức hợp pháp có đủ tư cách trong giao dịch hàng hóa.). Mỗi pháp nhân lại có cơ chế thực thi quyền của chủ sở hữu giữa các cá nhân có liên quan đến pháp nhân đó theo những cách đặc thù của chúng. Chẳng hạn, sở hữu của nhà nước là để phục vụ lợi quốc gia, địa phương, lĩnh vực. Sở hữu của hiệp hội được sử dụng vì lợi ích chung của hội viên.

Do đó, PGS.TS Trần Thị Minh Chấu kiến nghị cơ chế thực thi quyền của chủ sở hữu được ghi rõ trong điều lệ thành lập tổ chức và được phân cấp cho bộ máy quản lý tổ chức. Về lâu dài, cần tìm phương cách khả thi, tối ưu để thể chế hóa chế độ sở hữu và các loại hình sở hữu trong nền kinh tế thị trường sao cho đạt tốc độ tăng trưởng, phát triển tối ưu đi đôi với tạo điều kiện để đông đảo người lao động có sự hiểu biết và kỹ năng để thông qua nhà nước mà làm chủ vận mệnh của mình.

Tại Hội thảo khoa học, TS Nguyễn Văn Trọng, giảng viên ĐH Nông Lâm TP HCM đề cập hai vấn đề về cơ sở lý luận và tác động của kinh tế nhiều thành phần đối với xã hội Việt Nam hiện đại. Theo nhà nghiên cứu này, các chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng trong thời kỳ đổi mới đã có đóng góp vô cùng quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, làm gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, TS Trọng cũng chỉ ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đang đối mặt với một thách thức rất lớn ở thế kỷ 21, đó là giải quyết bài toán tăng trưởng và giảm sự gia tăng bất bình đẳng. Hệ số GINI của Việt Nam có xu hướng tăng dần, trong đó năm 2016 hệ số GINI ở nước ta ở mức 0,431 tăng lên so với năm 2002. Vấn đề này được xem như là một thách thức mà Chính phủ cần quan tâm, bởi vì nếu tăng trưởng quá “nóng” như hiện tại sẽ khiến tình trạng phân hóa ngày càng bị nới rộng, dẫn đến những rủi ro bất ổn lớn về mặt xã hội.

Tại Hội thảo khoa học, vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai cũng được các đại biểu dự Hội thảo khoa học lý giải, cho ý kiến, do những vấn đề thực tiễn đang nảy sinh đến 70% các khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sáng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO