Lâm, thủy sản tăng tốc xuất khẩu

Lan Hương 05/11/2021 09:00

Sau dịch, ngành lâm, thủy sản hiện đạt tốc độ tăng trưởng và dần phục hồi. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt không ít khó khăn.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm, thủy sản Việt Nam. Cụ thể, 9 tháng năm 2021 giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 10,2 tỷ USD, bỏ xa thị trường Trung Quốc với gần 6,8 tỷ USD. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho thấy, 46% số DN ngành gỗ cho biết doanh thu năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020, trong khi có 37% số DN dự tính giảm doanh thu và chỉ có 17% số DN cho rằng sẽ tăng được doanh thu…

Tháng 10/2021 tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi về mức tương đương với tháng 10/2020.

Để có được kết quả trên, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, các DN đã thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi sản xuất. Đó là tinh giản bộ máy, giảm chi phí cố định, đầu tư nâng cấp máy móc. Đồng thời, có chính sách tốt về hỗ trợ giữ chân, thu hút người lao động như xây dựng nhà ở cho công nhân, chế độ lương, thưởng. Đối với công tác phòng, chống dịch, áp dụng nghiêm ngặt quy định của cơ quan chức năng, tạo môi trường lao động an toàn, áp dụng các biện pháp y tế phù hợp.

Đối với lĩnh vực thủy sản, sau vài tháng giảm sâu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu phục hồi. Tháng 10/2021 việc thu hoạch, tiêu thụ và vận chuyển thuận lợi hơn, sản lượng cá tra tháng 10 ước tính đạt 143,7 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản đang từng bước khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Thông thường, quý IV hàng năm là quý có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất so với các quý khác. Vì thế, 2 tháng còn lại của năm 2021, ngành thủy sản sẽ quyết tâm phấn đấu tăng sản lượng cả khai thác và nuôi trồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD để đưa tổng kim ngach xuất khẩu thủy sản cả năm lên 8,7 tỷ USD.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu...

Nhằm phát triển thị trường xuất khẩu thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương với các nước như Nga, Thụy Sĩ, Cuba, Indonesia, Hàn Quốc…; hợp tác đa phương với các tổ chức.

Bên cạnh giải pháp khơi thông thị trường, cộng đồng DN cho rằng, ở trong nước cần sớm giải quyết những nút thắt về cơ chế, đặc biệt cần có quy trình hướng dẫn phòng dịch phù hợp, bao gồm cả phương án xử lý nếu có F0, cần có quy trình thống nhất từ trung ương tới địa phương. Về chính sách lao động, đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn lao động, hỗ trợ công nhân. Về nguồn nguyên liệu, cần có giải pháp ổn định đầu vào, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển.

Quảng Trị: Ngư dân được mùa hải sản

Thời gian qua, ngư dân vùng bãi ngang tỉnh Quảng Trị liên tiếp đánh bắt được sản lượng lớn các loại thủy hải sản. Đây là một tín hiệu vui sau những khó khăn dồn dập do thiên tai và dịch bệnh.

Theo ghi nhận tại các vùng bãi ngang trên địa bàn, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, ngư dân “trúng đậm” nhiều loại hải sản khác nhau như cá khoai, cá chim, mực, ghẹ, cá bè vàng, cá chai, cá trích, ốc hương... Tại xã Triệu Lăng, địa phương có số lượng ghe thuyền đánh bắt vùng bãi ngang lớn nhất tỉnh Quảng Trị, chỉ trong tháng 10 vừa qua, tổng sản lượng đánh bắt trên địa bàn ước được trên 356 tấn hải sản các loại, doanh thu ước đạt trên 1,7 tỷ đồng.

Ông Đặng Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng chia sẻ, thời gian qua, các ghe thuyền đánh bắt gần bờ của xã đều được mùa biển. Bà con rất vui mừng và phấn khởi khi đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị. Có những ghe đạt lợi nhuận từ 5-10 triệu đồng/ngày, trung bình các ghe khác đạt từ 1-5 triệu đồng/ngày đi biển... Chính điều đó đã góp phần giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống cũng có như có điều kiện để đầu tư cải hoán ngư lưới cụ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho biết năm nay thời tiết thuận lợi, người ngư dân vùng bãi ngang đánh bắt được nhiều loại hải sản. Sản lượng khai thác cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và đạt kế hoạch đề ra. Người dân phấn khởi, yên tâm bám biển sản xuất hiệu quả.

B.Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lâm, thủy sản tăng tốc xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO