Làn gió mới của nhạc kịch

Thư Hoàng 28/02/2021 06:52

Vốn được coi là thể loại kén khán giả, dù đã xuất hiện ở nước ta hơn nửa thế kỷ qua nhưng đến nay nhạc kịch vẫn khá mới mẻ với đa số công chúng. Thế nhưng, bằng những vở nhạc kịch tươi mới như “Những người khốn khổ”, “Tôi đọc báo sáng nay”, “Trại hoa vàng”... các đạo diễn, nghệ sĩ Việt Nam đã thổi một làn gió mới, kéo khán giả đến gần hơn với nhạc kịch.

Các nghệ sĩ trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

Cái khó, ló cái khôn

Thời gian vừa qua ngỡ tưởng sân khấu phải “án binh bất động” do đại dịch Covid-19 xuất hiện, song, giữa những khoảng lặng của dịch bệnh, một số nhà hát đã ra mắt những vở mới. Trong đó, đáng kể là sự xuất hiện của những vở nhạc kịch: “Những người khốn khổ” (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), “Tôi đọc báo sáng nay” (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), “Trại hoa vàng” (Nhà hát Tuổi trẻ)…

Điều bất ngờ hơn nữa, không chỉ là sự “điểm mặt đặt tên” mà những tác phẩm này đã ghi điểm thật sự, ngay cả với giới làm nghề. Đó là một “sự lạ”, và sự lạ ấy, chỉ có thể cắt nghĩa bằng việc đam mê, dấn thân của những cá tính nghệ sĩ.

Xin bắt đầu với vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” do đạo diễn - NSƯT Ánh Tuyết thực hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Vở nhạc kịch này được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Vốn là fan hâm mộ của Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Ánh Tuyết đã có những đồng cảm và đồng thời chị cũng xác định đối tượng vở diễn rõ ràng: Hướng tới những bạn trẻ đương thời vốn thích đọc tác phẩm của nhà văn. Vì thế, chị cũng không quá nệ vào nội dung tác phẩm gốc, mà chủ động tìm một không gian mới cho vở nhạc kịch.

Bên cạnh đó, âm nhạc trong nhạc kịch vô cùng quan trọng. Hiểu rõ điều đó, đạo diễn “Trại hoa vàng” đã chọn những bản hit “Thật bất ngờ” (Mew Amazing sáng tác), “Và thế là hết” (Soobin Hoàng Sơn), “Con đường tôi” (Trọng Hiếu)... cùng nhiều bản pop, rap, ballad để khiến khán giả đi hết vở nhạc kịch trong niềm hào hứng.

Còn vở nhạc kịch “Tôi đọc báo sáng nay” khôn khéo khai thác những câu chuyện của đời sống, vấn đề của xã hội từ chuyện tiền điện, vệ sinh môi trường, cho đến chuyện chống dịch Covid-19, lũ lụt ở miền Trung… đã nhanh chóng thu hút khán giả trẻ tới thưởng thức.

Một điểm sáng của bức tranh nhạc kịch trên sân khấu Việt thời gian qua đó lần đầu tiên, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của đại văn hào Victor Hugo) được Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đưa lên sân khấu. Vở diễn quy tụ một êkíp sáng tạo, sản xuất và các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó có những cá tính được tôi luyện trong môi trường đào tạo, biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của thế giới như nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Triều Dương và biên đạo múa Linh An, chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ…

Những đêm diễn “cháy vé” đã làm nên một hiện tượng hiếm hoi của sân khấu nhạc kịch, tạo một luồng gió mới, một khởi đầu nhiều hứa hẹn để nhà hát có thể tiếp tục chinh phục công chúng đương thời.

Đường sáng của sân khấu Việt

Nhạc kịch, từ khi xuất hiện đến nay, vẫn luôn là một loại hình nghệ thuật không dành cho đại chúng. Điều đó đúng, ngay cả với nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, chúng ta đã có những vở nhạc kịnh có thể nói là kinh điển, như “Cô Son” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Chúng ta cũng có một Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, trong đó không ít NSND, NSƯT. Song sân khấu nhạc kịch nhiều thập niên qua vẫn quá ắng lặng.

Lý giải điều nay, có nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể thấy, một trong những nguyên nhân là vấn đề kinh phí dàn dựng một vở nhạc kịch thường đòi hỏi đầu tư lớn hơn nhiều về cả công sức, tiền của và thời gian so với một vở kịch bình thường. Lý do ấy khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật, dù “có trong tay” nhiều nghệ sĩ tài năng, cũng không dám “mạo hiểm”.

Tất nhiên, cũng phải thừa nhận, dù chúng ta có những nghệ sĩ tài năng, nhưng khi động đến dàn dựng một vở nhạc kịch thì lại rất bị động, bởi ngoài vấn đề tài chính, còn những lo lắng về nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, họa sĩ thiết kế trang phục… Tiếp đó, công chúng của nhạc kịch ở Việt Nam chưa nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi chờ đợi.

Câu chuyện phải xây dựng đội ngũ, phải gây dựng công chúng nhạc kịch bằng việc khiến họ yêu thích, giúp họ có kiến thức nhất định để bước vào thưởng thức một vở nhạc kịch… cần phải được đặt ra. Nói cách khác, phải có kế hoạch, thậm chí là chiến lược.

Chính vì thế, bằng những vở nhạc kịch ra mắt công chúng thời gian gần đây, cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của nhiều nhà hát, nhiều nghệ sĩ. Như chia sẻ của NSƯT Trần Ly Ly- Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tổng đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” - chính chị cũng chuẩn bị tâm thế có thể phải “bán nhà” để bù đắp vào những chi phí quá lớn khi bắt tay thực hiện vở nhạc kịch này.

Thế nhưng, những tín hiệu tích cực đến từ khán giả, cộng thêm, khi hoàn thành và công diễn vở nhạc kịch đúng vào thời điểm “sóng yên biển lặng” của đại dịch Covid-19 khiến cho đến thời điểm này chị hoàn toàn cảm thấy yên tâm. “Nếu không nhìn thấy tiềm năng thì tôi đã không bao giờ làm. Tôi nhìn thấy tiềm năng ngay khi chưa hề có dấu hiệu gì. Tôi nghĩ đó là con mắt nhìn cần có của một người đứng đầu. Tất nhiên, trong quá trình mình làm không phải lúc nào cũng như mình tính toán, nhưng nhìn thấy tiềm năng là vấn đề cơ bản để mình làm”, nghệ sĩ Trần Ly Ly chia sẻ.

Trước đó, nhiều vở diễn kinh điển của thế giới đã được các nhà hát, đạo diễn ra mắt. Đơn cử như Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM dàn dựng và duy trì biểu diễn vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của V.A.Mozart....

Một số ý kiến nhận định, nhạc kịch sẽ là hướng đi của sân khấu Việt trong thời gian tới. Theo nhạc sĩ Dương Cầm, đạo diễn “Tôi đọc báo sáng nay”, mặc dù được coi là thể loại mới với nhiều người nhưng tiềm năng nhạc kịch ở Việt Nam vẫn có. Tuy nhiên, để thị trường đó ngày càng mở rộng thì cần phải làm những vở nhạc kịch gần gũi với đời sống, chuyển tải những câu chuyện mà khán giả có thể cảm nhận thấy mình trong đấy, từ đó sẽ dễ tiếp cận, đón nhận hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làn gió mới của nhạc kịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO