Lan tỏa hành vi tốt trên mạng xã hội

Bình Nguyên (thực hiện) 26/03/2022 07:05

Ngày 25/3, Công an TP Đà Nẵng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) kêu gọi ra trình diện hơn 50 thanh, thiếu niên trong số gần 100 thanh, thiếu niên tham gia vụ hỗn chiến tập thể vào đêm 19 và đêm 20/3. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học quốc gia Hà Nội) xung quanh hiện tượng xã hội này.

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn.

PV: Ông có nhận xét gì về 2 vụ việc thanh, thiếu niên mang dao nhọn cán dài (còn gọi là “phóng lợn”) tìm nhau hỗn chiến vào cùng 1 thời điểm vào đêm 19 và 20/3 vừa qua?

Ông ĐỖ CẢNH THÌN: Cùng thời điểm đêm 19 và 20/3, tại Hà Nội và Đà Nẵng xảy ra vụ việc hàng chục thanh, thiếu niên có tuổi đời từ 14 đến 22, mang dao nhọn cán dài (phóng lợn), di chuyển bằng xe máy tìm nhau hỗn chiến. Trước đó, ở nhiều địa phương cũng xảy ra các vụ việc tương tự, gây mất an ninh trật tự, đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông.

Đầu tiên phải nhìn nhận là các đối tượng tham gia 2 vụ việc trên đều có tuổi đời rất trẻ. Nếu như hơn 30 thanh, thiếu niên mang hung khí đi hỗn chiến gây thương tích cho nhau trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội vào đêm 19/3 có tuổi đời từ 14 đến 22 thì trong vụ việc tương tự xảy ra ở Đà Nẵng; 70 thanh, thiếu niên tuổi đời cũng chỉ từ 16 đến 18 (đang là học sinh THCS và THPT). Hình ảnh do camera đường phố và người dân đăng tải trên mạng xã hội cho thấy 2 vụ việc giống nhau đến từng chi tiết. Đấy là hàng chục thanh, thiếu niên đằng đằng sát khí, lăm lăm hung khí phóng lợn, hò hét, lạng lách xe máy tìm đối thủ và đe dọa cả những người cùng tham gia giao thông.

Hiện tượng xã hội này phản ánh điều gì, thưa ông?

- Phải khẳng định rằng đây là sự “lệch chuẩn” của bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên. Dưới tác động của kinh tế thị trường, đặc biệt là đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở nhiều địa phương, một bộ phận giới trẻ chưa ý thức đầy đủ về ý thức, trách nhiệm công dân, kỷ cương pháp luật, đã bị cuốn theo các xu hướng tiêu cực, hưởng thụ và phá phách, đi ngược lại những giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Ông có khuyến cáo gì để giảm thiểu các vụ việc tương tự?

- Việc hàng chục thiếu niên bị lôi kéo, kích động tham gia các vụ hỗn chiến trên đường phố bằng một loại hung khí “phóng lợn” là hành động tự phát do tâm lý lứa tuổi. Thanh, thiếu niên ở tuổi mới lớn thường có xu hướng kết bạn, thể hiện bản thân trên mạng xã hội (facebook) cũng như ở nơi công cộng mà không nghĩ đến hậu quả. Mạng xã hội facebook kết nối, lôi kéo rất nhanh thanh, thiếu niên vào các vụ việc có đông thành phần cùng tham gia, nhất là các vụ hỗn chiến tập thể

Cùng với việc lên án, áp dụng chế tài của pháp luật; mỗi gia đình phải là một pháo đài ngăn chặn các hành vi bột phát mà không nghĩ đến hậu quả của lứa tuổi mới lớn khi tham gia vào hội, nhóm trên mạng.

Theo một số liệu được công bố, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) đứng thứ 6 trên thế giới, vì thế báo chí, truyền thông cần lan tỏa nhiều hơn những hành động tốt trên mạng xã hội để giảm thiểu các xu hướng, trào lưu tiêu cực đối với bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa hành vi tốt trên mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO