Đã 74 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua yêu nước (ngày 11/6/1946), nhân dân ta, với tinh thần “ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua” đất nước đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, vững bước tiến về phía trước. Trong thành tựu chung ấy, có sự đóng góp lớn lao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sứ mệnh thiêng liêng đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
1. Ngày 19/8/1945, cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Gần 3 năm sau, trong bộn bề công việc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian quý hiếm của Người để nói về thi đua. Ngày 11/6/1948, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người viết: "Mục đích thi đua ái quốc là gì? Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua. Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều".
Trên báo Cứu quốc, số 968, ngày 24/6/1948, Người kêu gọi ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ vào tháng 10/1948, tức vào khoảng sau hơn 4 tháng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Người căn dặn, trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hoá” thì thi đua mới có kết quả. Người không quên nhắc nhở mọi người, mọi ngành, mọi cấp phải ra sức thi đua với nhau.
Phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.
Thời gian trôi qua nhưng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị; là động lực lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban ngành với mục tiêu xây dựng đất nước mạnh giàu.
2. Ngày 18/9/2020, dự Đại hội Thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025, trong bài phát biểu của mình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước. Đó là vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều.
Thủ tướng nhấn mạnh, Mặt trận luôn là địa chỉ tin cậy, mái nhà chung, đoàn kết gắn bó của những người con tự hào mang dòng máu Lạc Hồng ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài. Riêng về phong trào thi đua, Thủ tướng nói: “Về công tác thi đua, khen thưởng, Mặt trận Tổ quốc đã quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm các phong trào thi đua; phát hiện, tuyên truyền và biểu dương các gương điển hình tiên tiến. Nhiều mô hình hay, điển hình tốt, các hình thức tổ chức hiệu quả ở cộng đồng dân cư được phát huy, nhân rộng.
Với những thành tích to lớn đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị nước ta; góp phần củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng vững chắc và là sức mạnh to lớn cho sự ổn định, phát triển đất nước”.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, theo Thủ tướng, chúng ta đã vượt qua gian nan trong đó có sự đóng góp rất lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái thì Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm 2020, thuộc nhóm cao nhất so với khu vực và thế giới. Trong khi ổn định xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới bị đe dọa thì Việt Nam lại được coi là một quốc gia ứng phó với đại dịch hiệu quả hàng đầu thế giới, sớm có được trạng thái bình thường mới.
“Chúng ta có được những thành tựu này là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát sao và hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc trong việc đẩy mạnh tinh thần thi đua yêu nước, vận động, phát huy truyền thống tương thân, tương ái và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”- Thủ tướng nói và đề nghị trong công tác thi đua khen thưởng, Mặt trận cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở. Quan tâm biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng; chú trọng động viên, chăm lo, phát huy vai trò người uy tín, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, trong các tầng lớp nhân dân.
3. Cũng tại Đại hội Thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025, ngày 18/9/2020, đánh giá phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống Mặt trận, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam các cấp đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong công tác thi đua khen thưởng, cụ thể hóa tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, đúng người, đúng việc. Ngày càng có nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt”, những tấm gương “hy sinh thầm lặng mà cao cả” xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, ở khắp các vùng miền trong cả nước. Phong trào thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới cả bề rộng lẫn chiều sâu. Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận các cấp đã phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ Mặt trận, đặc biệt là sự nhiệt tình, tận tụy, bám sát công việc của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, Ban Công tác Mặt trận ở các địa bàn dân cư, không quản ngại vất vả, đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, huy động nguồn lực để chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tại Đại hội, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kêu gọi Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tích cực cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dồn nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Với khát vọng, quyết tâm cao, khí thế mới, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Phong trào thi đua yêu nước ngày một lan tỏa. Tinh thần ấy, quyết tâm ấy là động lực tinh thần vô giá để đất nước vượt qua mọi gian nan thử thách, vững vàng tiến về phía trước.