Lan toả văn hoá đọc

Minh Quân 05/02/2021 08:28

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế tập trung đông người, nhiều sự kiện văn hóa đã bị hoãn, hủy.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển của văn hoá đọc được coi là điểm sáng tăng trưởng trong thời gian qua.

Hoạt động về sách và văn hóa đọc được coi là điểm sáng trong năm 2020.

Điểm sáng văn hoá

Mặc dù năm 2020 đi qua với rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng không thể phủ nhận sự phát triển của văn hoá đọc đã tạo nên “điểm sáng” trong việc nâng cao tri thức. Đơn cử như một doanh nghiệp lớn về sách đã cho ra mắt “ATM sách” để “nhả sách” miễn phí cho người dân. “ATM sách” đầu tiên được đưa vào hoạt động tại Hà Nội. Máy hoạt động dựa trên nguyên tắc máy bán hàng tự động với mặt hàng là sách và hoàn toàn miễn phí.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, “Ngày Sách Việt Nam” lần thứ 7 buộc nhiều nhà sách phải đóng cửa, khiến việc phát hành sách truyền thống lâm vào lao đao. Để thích ứng, ngành xuất bản, in và phát hành sách đã có những thay đổi nhằm thích nghi với nhu cầu người đọc. Chỉ cần một cái “click chuột” để mua chính xác cuốn sách với giá cả có chiết khấu, người đọc sẽ được giao hàng đến tận địa chỉ đã được lựa chọn phù hợp.

Để “kích cầu” độc giả, hầu hết các nhà xuất bản đều có chương trình khuyến mại mua online. Không chỉ việc mua sách được thực hiện online, mà cả những buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến cũng được tổ chức dưới hình thức livestream trên mạng xã hội. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức khai mạc Hội Sách trực tuyến quốc gia đầu tiên với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh” với gần 10.000 đầu sách và nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi...

Bên cạnh đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đã có nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được tổ chức thành công. Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên. Chương trình “Cùng bạn đọc sách, kết nối yêu thương, lan toả tri thức” đã huy động trao tặng hơn 5.000 cuốn sách; 5.000 khẩu trang cho các y sĩ, bác sĩ; người thân của các y, bác sĩ, bệnh nhân và những người đang ở khu cách ly.

Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) còn vận động hàng trăm máy nghe nói, sách nói, điện thoại thông minh (smart phone) cho người khiếm thị. Các thư viện công cộng triển khai chương trình “Cùng em đọc sách”. Hơn 50 nghìn cuốn sách đã được các tổ chức, cá nhân tặng cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng. Nhiều chương trình, dự án như Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Quỹ Bắc Cầu, Mọt sách Mogu, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay… mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em..

Mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu bị tụt giảm. Năm 2020, hệ thống thư viện công cộng có 24.102 thư viện, với 45 triệu bản sách. Gần 59 triệu lượt đến thư viện, tăng 99,8% so với năm 2017. Tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 87 triệu lượt. Những kết quả này đã mang lại diện mạo mới cho ngành Thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện.

Nắm bắt thời cơ

Có thể nói, sau một thời gian bị “lãng quên” văn hoá đọc đang dần được quan tâm và có những biến chuyển tích cực. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, xã hội đã quan tâm nhiều tới sách, vì vậy người làm sách cần nắm bắt thời cơ. Cần đề xuất Luật khuyến đọc, đặc biệt công tác khuyến đọc tập trung lứa tuổi trẻ em, giúp hình thành thói quen đọc sách.

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên, xây dựng văn hóa đọc cho một dân tộc là một quá trình lâu dài. Chúng ta đã lãng quên nó, nên khó mà có một kết quả lớn, rộng khắp, cơ bản trên toàn quốc trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình có biến chuyển. Trong thời đại kỹ thuật số thì việc tận dụng sức mạnh truyền thông mạng, không gian mạng để khuyến đọc là điều tất yếu.

Điều này cũng sẽ tác động đến thói quen của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, như thói quen chọn sách, mua sách, thảo luận, bình luận về sách. Thay vì đến cửa hàng tự tay tìm sách, họ tìm trên trang web, đặt hàng qua mạng, đọc và viết bài điểm sách đăng trên báo mạng, mạng xã hội và trao đổi trên đó. Dần dần sẽ tạo ra một mạng lưới, một cộng đồng đọc sách có liên kết, tương tác khổng lồ, thứ mà trong xã hội trước đó không thể nào có được.

“Để hình thành thói quen đọc sách của người dân thì hoạt động phong trào là không đủ. Cần phải có những tác động cơ bản, tổng hợp đến từ giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội) để tạo thói quen đọc sách cho trẻ em ngay từ nhỏ ở gia đình, nhà trường”- ông Nguyên nói.

Thực tế cho thấy, ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa nghe - nhìn đang lấn át văn hóa đọc... thì việc làm thế nào để nuôi dưỡng ham mê đọc sách ở trẻ là một thách thức không nhỏ đặt ra cho không chỉ người viết, nhà xuất bản, mà cả các bậc làm cha, làm mẹ.

Để làm được điều này, các đơn vị xuất bản, phát hành sách vẫn phải đặc biệt quan tâm đến nội dung, hình thức của xuất bản phẩm. Theo đó, phải thường xuyên đổi mới, bắt kịp và đón đầu xu thế thị hiếu của trẻ nhỏ nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm các yếu tố gần gũi, có tính giáo dục, khơi gợi sự sáng tạo để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng, có ý chí, nghị lực ngay từ khi còn nhỏ.

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, công ty phát hành cần quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá xuất bản phẩm để tiếp cận với độc giả một cách nhanh nhất. Việc này cần triển khai bằng nhiều kênh hoặc có thể gắn với tổ chức các hoạt động, sự kiện, giới thiệu sách trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng... Nhìn chung, để xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh, bổ ích cho độc giả cần sự tham gia có nhiệt huyết từ nhiều phía từ gia đình, các nhà quản lý văn hóa và quan trọng nhất là đội ngũ những người sáng tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan toả văn hoá đọc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO