Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Minh Quân 04/09/2020 08:00

Phát triển văn hóa đọc là nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những phong trào được phát động thì việc lan tỏa văn hóa đọc trong công đồng hiện nay còn khá nhiều bất cập.

Việc phát triển văn hóa đọc hiện nay chủ yếu tập trung ở các trường học.

Theo đánh giá chung của ngành xuất bản, thư viện, việc phát triển phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ không hề đơn giản ở Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Văn hóa đọc gắn liền với trình độ dân trí và đặc biệt là điều kiện kinh tế-xã hội. Những nhân tố này tác động trực tiếp đến nhu cầu và việc thỏa mãn nhu cầu đọc sách của công chúng. Đặc biệt, ở nước ta có nhiều vùng, điều kiện kinh tế thấp, người dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống vật chất, nhu cầu ăn, mặc, ở trở nên bức thiết hơn nhu cầu văn hóa tinh thần. Điều đó làm cho văn hóa đọc luôn luôn bị coi là thứ yếu.

Cùng với đó, ở khâu xuất bản phẩm hiện nay đang chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường tạo hiện tượng “vừa thừa, vừa thiếu sách” trên thị trường gây ảnh hưởng nhiều cho xã hội. Người đọc đang rơi vào “ma trận” của sách khi hết sức khó khăn tìm ra các sản phẩm chất lượng. Không ít đơn vị kinh doanh, vì theo đuổi mục tiêu kinh tế, đã cho ra đời những ấn phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, không có sự kiểm định về nội dung. Cá biệt, một số ấn phẩm là sự sao chép, trá hình, có nội dung phản cảm, vi phạm bản quyền tác giả; tình trạng in lậu, nối bản vẫn còn khá phổ biến. Ngoài ra, hệ thống thư viện, tủ sách ở các địa phương chưa thật sự tạo một môi trường tốt, đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng và luôn có sự thay đổi của cộng đồng...

Nhằm giải quyết bất cập này, trong nhiều năm qua Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) phối hợp với các tỉnh, thành và các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” hay mới đây là kênh “Cùng bạn đọc sách: Truyền cảm hứng, Kết nối và Lan tỏa tri thức” hướng tới đối tượng các bạn đọc là học sinh, sinh viên. Thông qua chương trình đã giúp các bạn đọc trẻ có thể tiếp cận với những cuốn sách hay, chia sẻ cảm tưởng, kinh nghiệm đọc sách, lan tỏa tình yêu đọc sách...

Đơn cử như cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được phát động từ tháng 2/2020, đến nay BTC cuộc thi đã nhận được gần 1.200 bài dự thi gửi về tham dự vòng chung kết; trong đó có hơn 1.000 bài dự thi bằng văn bản, hơn 100 bài dự thi là clip thể hiện thuyết trình của các em về chia sẻ các cuốn sách hay và phương pháp đọc sách. Qua đánh giá sơ bộ, các bài dự thi có chất lượng tốt, có nhiều ý tưởng hay, độc đáo. Nhiều cuốn sách, tác phẩm được các em chia sẻ có nội dung về học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm kinh điển, văn học trong nhà trường, các câu chuyện cổ tích, tấm gương nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tình thầy trò, tình cảm với người thân trong gia đình và các mối quan hệ xã hội...

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng, để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng không chỉ xuất phát từ các phong trào mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. ở đó, cần phải nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo tại một số địa phương, bộ, ngành, của một số cán bộ, công chức, viên chức và của nhân dân về vai trò của văn hóa đọc. Đặc biệt, để văn hóa đọc có thể lan tỏa cần đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho thư viện, đặc biệt là các thư viện cơ sở.

Cũng theo bà Ngà, hiện nay việc đầu tư cho phát triển vốn tài liệu trong các thư viện nhìn chung chưa đảm bảo. Một bộ phận người dân, đặc biệt là viên chức, thanh thiếu niên còn thờ ơ với việc đọc. Xây dựng và hình thành một thói quen, đặc biệt là thói quen đọc là một quá trình lâu dài không thể thực hiện được trong một thời gian một vài năm.

Có thể nói, việc lan tỏa văn hóa đọc không chỉ liên quan đến việc đọc mà còn là văn hóa ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong việc tích lũy tri thức và phát triển năng lực sáng tạo. Ở đó, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa đọc quốc gia đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội. Vì thế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến vai trò trách nhiệm tham gia của các chủ thể quản lý, xuất bản và công chúng, trong đó giải pháp về nâng cao nhận thức và vai trò của nhà nước là then chốt, quan trọng nhất và có ý nghĩa quyết định trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO