Làng giải trí 'chạm ngõ' thời 4.0

Cẩm Tú 25/03/2018 08:30

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là câu chuyện của ngành ngân hàng, tài chính, mà cũng đang đòi hỏi ngành giải trí có những thay đổi để theo kịp công chúng.

Làng giải trí  'chạm ngõ' thời 4.0

Ca sỹ Mỹ Tâm - người được coi là tiên phong ứng dụng công nghệ trong hoạt động biểu diễn.

1. Trước một thế hệ trẻ ngày nay có nhiều thay đổi trong suy nghĩ và cách tiêu dùng, khi mà “thời của smartphone” và mạng xã hội lên ngôi, choán mất khá nhiều thời gian của giới trẻ, nếu không thích ứng nhanh, các lĩnh vực giải trí cũng dễ bị mất công chúng.

Quan sát làng giải trí thời gian gần đây có thể nhận ra sự chuyển động để cố gắng bắt nhịp công chúng “thời công nghệ”.

Đơn cử như việc, giới nghệ sĩ bây giờ nhiều người đua nhau lập kênh riêng trên YouTube. Từ những ngôi sao ca nhạc như Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Hà Anh Tuấn, Bảo Anh, Tuấn Hưng, Hồ Việt Trung, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh… đến các danh hài như Hoài Linh, Lý Hải, Việt Hương, Trấn Thành… đều có kênh riêng. Ở đó, họ có thể giới thiệu những ca khúc mới, MV mới, các chương trình tấu hài… và tương tác trực tiếp với khán giả. Qua đó, không chỉ theo dõi được lượng người vào xem/ nghe mà còn được hưởng lợi từ các spot quảng cáo.

Có mặt để nhận nút Play bạc của YouTube hôm 15/3 vừa qua, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thừa nhận: “Tôi như một người nông dân, một người chăn nuôi trên chính nông trại (kênh YouTube) của mình. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi được thỏa sức sáng tạo ở đó. Và chính các bạn, những người bạn, những người đồng hành, những khán giả yêu quý Đàm Vĩnh Hưng đã góp phần xây dựng nông trại đó thêm phần lớn mạnh. Tôi không thể làm gì nếu chỉ có một mình”. Đàm Vĩnh Hưng khá phấn khởi khi đạt được thành tích hơn 170 ngàn lượt đăng ký theo dõi và gần 105 triệu lượt xem vào đầu tháng 3 này dù kênh YouTube âm nhạc của anh ra đời chưa lâu.

Trước đó, hồi tháng 2 năm ngoái, kênh YouTube chính thức của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạt mốc 1 triệu lượt theo dõi (subscribe) và anh trở thành ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam nhận được nút Play vàng - danh hiệu cao thứ 2 của YouTube – mạng video lớn nhất thế giới.

Thực tế này cho thấy công chúng ngày nay đã có nhiều thay đổi trong việc lựa chọn hình thức xem/ nghe. Nếu cứ “chung thủy” với các phương thức truyền thống, khó mà theo kịp sự thay đổi của công chúng.

2.Từ xu hướng này mà nhiều ca sĩ hiện nay thường chọn “giải pháp” ra mắt các MV hơn là đầu tư các album truyền thống. Bởi các MV có thể làm nhanh, hình ảnh long lanh, đưa ngay lên kênh riêng của mình và dễ thu hút được khán giả. Thậm chí, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các ca sĩ đã có thể làm được MV.

Bên cạnh đó, giới nhạc sĩ nhiều người cũng lao vào cuộc tạo các bài hát hit theo một công thức sẵn có. Nhạc sĩ Đỗ Bảo mới đây cho biết, muốn tạo ra một bài hát phù hợp với thị hiếu công chúng, nhiều nhạc sĩ lên các trang web của nước ngoài hiện nay là mua beat (giai điệu) hoặc các bộ âm thanh. Mỗi bộ âm thanh có giá khoảng 15-20 USD (từ 400.000 đến 500.000 đồng), rồi sau đó nhạc sĩ sẽ lắp ráp các phần âm thanh lại với nhau và đặt lời cho bài hát.

Ngay cả việc ra album truyền thống bây giờ cũng phải tìm một hướng đi mới. Có lẽ dự án đáng kể nhất gần đây cần nhắc, đó là album “Chat với Mozart 2” của ca sĩ Mỹ Linh. Đây là album lần đầu tiên sử dụng giải pháp Âm nhạc tương tác thông minh (Social music)- giải pháp cho phép nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể giúp người nghe nhạc tương tác với nhiều đối tượng có liên quan đến bài hát hoặc album, đồng thời nhận được nhiều ưu đãi hơn về những chương trình chăm sóc người hâm mộ thông qua tem QR code (Quick Respond: mã phản ứng nhanh) nhỏ dán trên bìa đĩa nhạc.

Ca sĩ Mỹ Linh cho biết, với phiên bản social music, người nghe nhận được nhiều hơn cả bài hát hay album gốc từ chính nghệ sĩ. Bên cạnh đó, social music như là cánh tay đắc lực trong việc hỗ trợ người nghệ sĩ cùng êkíp sản xuất tiếp cận một cách trực tiếp và nắm bắt được hành vi tiêu dùng của người nghe. Qua đó, nghệ sĩ cũng có thể trao đổi, giao lưu trực tiếp với người hâm mộ một cách nhanh nhất.

Ở lĩnh vực phim ảnh, ngoài những kênh truyền hình truyền thống, khán giả cũng có nhiều sự lựa chọn hơn với các kênh phim trên mạng. Điểm chung là các phim này được sản xuất mới liên tục, cung cấp “thực đơn” mới cho người thưởng thức, không giới hạn về thời gian, khung giờ phát sóng, có thể xem đi xem lại. Đặc biệt dòng phim học đường, phim ngắn, phim hài… đang là xu hướng cho các nhà làm phim trẻ, phim kinh phí thấp thi triển tài năng bởi lượng người xem rất lớn. Các loại hình nghệ thuật dân gian, những thế hệ nghệ sĩ trưởng thành cũng bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” công nghệ số.

Ngay cả các đài truyền hình cũng mở kênh trên YouTube để phát lại các chương trình hay, hấp dẫn nhằm hút khán giả ở mọi lúc mọi nơi, chỉ cần họ có điện thoại thông minh trên tay.

Thay đổi, cập nhật với xu hướng là cách tốt theo kịp khán giả, đồng thời thúc đẩy thị trường giải trí phát triển nhưng cũng cần phải có sự kiểm soát để đi đúng hướng, có chất lượng và giàu tính sáng tạo, đậm chất nhân văn. Cuộc chạy đua với 4.0 sẽ còn đặt ra những thách thức mới đòi hỏi các nghệ sĩ có những sáng tạo mới, những giải pháp mới. Và chúng ta cùng chờ đợi những nỗ lực tiếp theo của làng giải trí…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng giải trí 'chạm ngõ' thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO