Lặng lẽ những thư viện làng

NGUYỄN VĂN HỌC 08/04/2022 16:16

Trong nhiều năm tìm hiểu văn hóa làng, thực địa ở nhiều vùng nông thôn tôi may mắn được gặp không ít tấm gương đã dày công phát triển văn hóa đọc. Cùng với những người tâm huyết, yêu chữ, họ đã xây dựng thư viện để bà con đến đọc, mượn sách miễn phí.

Trong thư viện ở làng Đại Mão (Thuận Thành - Bắc Ninh).

Giúp trẻ em yêu quý sách

Thư viện xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) từ lâu đã trở thành địa chỉ văn hóa, được đông đảo người dân quan tâm. Được thành lập bởi ông Vũ Xuân Tạo, người đàn ông cao chưa đầy 1,2m. Tuy vóc dáng nhỏ bé, như một đứa trẻ lên 10 tuổi nhưng kỳ tích của ông thật đáng nể. Ông chính là người đã làm cho dân xã biết quý trọng sách, đam mê đọc sách, trẻ em bớt tìm đến những trò chơi vô bổ, yêu sách hơn, học tập tốt hơn và nhiều em đỗ vào đại học.

Năm 1969, ông Tạo đi học Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật với mong ước trở thành nhà biên kịch. Nhưng khi học xong về làng, HTX Nông nghiệp giao cho ông làm thủ thư. Ông vui vẻ nhận nhiệm vụ và lấy đó làm vinh hạnh. Từ 104 cuốn sách ban đầu, ông Tạo đi khắp nơi sưu tầm. Chừng 5 năm sau, số lượng được bổ sung thêm hơn 1.000 cuốn. Phòng đọc của xã được xây dựng, nhưng không đủ sức chứa sách, ông Tạo lại mang một phần sách về nhà để phục vụ tại nhà.

Nhiều người dân nơi đây vẫn nhớ, vào khoảng năm 1983, không ít thư viện trong tỉnh phải đóng cửa, thì ông Tạo vẫn cố gắng duy trì thư viện của xã mình. Nhưng rồi, cuộc sống quá khó khăn, người dân cũng bớt quan tâm đến sách. Ông Tạo lại lặng lẽ gánh sách về nhà để bảo quản cho khỏi mối mọt. Sợ người dân quên sách, ông lại cẩn thận mang sách đến từng nhà "mời" họ mượn để duy trì thói quen đọc của dân. Năm 1994, UBND xã Tam Hồng lại xây dựng một căn phòng để làm thư viện. Ông Tạo lại gánh sách ra thư viện mới. Từ đó, ông càng hăng hái đi xin, sưu tầm thêm sách để phục vụ bà con, học sinh và các em thiếu nhi. Rất nhiều cán bộ, nhiều học giả nghe tiếng, đã về tận nơi tặng sách, giúp ông Tạo làm giàu thư viện. Khi ông Tạo nghỉ làm "giám đốc” thư viện, thì người đảm nhận trọng trách là chị Nguyễn Thị Luyến, người đã nhiều năm làm việc cùng ông Tạo. Yêu sách, chị Luyến tiếp tục thắp lửa cho người dân trong xã Tam Hồng biết yêu, quý sách và tìm đến sách. Cũng là cầu nối giữa người dân với nguồn tri thức phong phú, vô tận từ sách báo.

Ông Bùi Đình Thăng ở thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) cũng là tấm gương sáng mang sách đến gần dân. Từ đó văn hoá đọc của bà con trong thôn đã được nâng cao, kéo theo tri thức, hiểu biết xã hội, nếp sống văn minh cũng ở mức cao.

Công lao của ông Thăng là đã thu hút được hàng chục lượt học sinh mỗi ngày trong vùng tìm đến thư viện sách. Từ đó các em say mê học tập hơn, tiến bộ hơn, bớt đi được thói đua đòi của lớp trẻ. Nhiều em cũng vì vậy mà có chí hướng, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Từ ngày có thư viện của ông Thăng, mà nhiều bà con đã có chỗ để tìm hiểu tri thức. Và 10 năm qua, thư viện của ông cũng là nơi họp hành, giao lưu của Hội Người cao tuổi, Cựu Chiến binh.

"Phục vụ cho đến nay đã 30 năm, nhưng tôi không hề lấy của ai một đồng tiền công nào. Tất cả, kho sách là phục vụ miễn phí. Chỉ cần người dân, học sinh trong và ngoài xã say mê... tiếp cận là tôi vui sướng”, ông Thăng tâm sự.

Để có được thư viện với hàng vạn đầu sách như hiện nay chẳng đơn giản. Ông Thăng chia sẻ: “Năm 18 tuổi tôi nhập ngũ. Sau này, nhờ kiến thức, tôi được cử đi học ở trường Đại học Sư phạm, sau về dạy bổ túc văn hóa. Sau hơn 30 năm phục vụ quân đội, tháng 7/1982 tôi nghỉ hưu và trở về quê hương với chiếc ba lô đầy sách. Với mong muốn xây dựng phòng đọc miễn phí phục vụ bà con ở vùng quê nghèo, ít được tiếp cận với sách báo, khoa học kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Nhưng ý tưởng đó bị gia đình và rất nhiều người phản đối. Có người bảo tôi là hâm, ôm rơm rặm bụng... Còn tôi thì hoàn toàn nghĩ ngược lại”.

Ông Thăng thấy mình minh mẫn và còn có thể làm được việc. Con cháu thiếu sách học, không có đam mê, không có kho tri thức làm ông... không chịu được. Ông quyết tâm sưu tầm, xây dựng tủ sách và tự bản thân đi vận động bà con, học sinh đến nhà mình đọc sách. Lúc đó, có người đến đọc, có người bĩu môi.

Sau người đến đọc ngày càng đông. Dân làng mới phát hiện ra, kho tàng tri thức và sự cần thiết của sách vở với cuộc sống này quan trọng thế nào. Đầu năm 1990, ông Thăng bán lứa lợn giống 13 con, dồn tiền xây căn nhà cấp 4 dựng phòng sách cho khang trang, lại đạp xe đi khắp nơi mua, xin sách. Tháng 12/1990, “Thư viện ông Thăng” chính thức mở cửa phục vụ người đọc. Khách đến với ông ngày càng đông. Cũng từ đó mọi người dân trong xã mới thực sự nể phục công việc nhân đạo của ông.

Thư viện làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) nơi trao truyền tri thức.

Vui vì việc làm ý nghĩa

Mỗi ngày có hàng chục học sinh đến thư viện và say sưa đọc sách, chọn sách. Nhìn các cháu nhỏ yêu sách, ông Thăng vui lắm. Ông bảo, ý nghĩa của cuộc đời là ở chỗ đó. Bao nhiêu cơm gạo, ăn rồi cũng hết; tiền bạc bao nhiêu tiêu cũng xong. Cốt là để lại gì cho con cháu, cho bà con nghèo. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - vợ ông, vốn là giáo viên Trường cấp II Đoàn Đào đã nghỉ hưu, giờ cũng mang chung niềm vui với ông.

Hơn 20 năm qua, thư viện làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng là địa chỉ quen thuộc được đông đảo người dân quan tâm. 14 giờ chiều đến Nhà văn hóa làng Bình Vọng, khách không khỏi ngạc nhiên bởi không khí tấp nập của người già và trẻ em. Có cụ ông chăm chú đọc sách, cụ bà đọc báo, người đánh cờ... Nhưng quan trọng nhất là người Bình Vọng rất quan tâm đến chuyện đọc sách, báo để có thêm vốn hiểu biết, thông tin về xã hội.

Tình yêu sách, báo ở Bình Vọng được truyền từ cụ Dương Văn Phi, người có ý tưởng thành lập tủ sách của làng. Từ năm 1999, cụ Phi đã gom được khoảng 200 cuốn sách, đặt trong một cái tủ gỗ nhỏ đặt ở một gian phòng trong khuôn viên đình Bình Vọng. Cụ Phi là một nhà giáo về hưu, chỉ mong ước “mang văn hóa đọc về xã”, giúp bà con mở mang kiến thức.

Năm 2000, cụ Phi bắt đầu vận động thêm bà con gom sách vào thư viện. Cụ đã bàn với các cụ hưu trí, cao niên trong làng, nên đã nhận được rất sự đồng tình. Ngay lập tức, cụ đã cùng một số người thành lập một “đội tuyên truyền” đến từng nhà gặp gỡ, kêu gọi sự hảo tâm và nói về lợi ích của việc xây dựng thư viện làng. Nhìn thấy cái lợi khi xây dựng tủ sách cho mọi người, dân làng Bình Vọng liền góp công, góp của mua sắm bàn ghế, tủ đựng sách, cải tạo lại cái gian nhà cũ của đình làng làm trụ sở thư viện.

Bà Dương Thị Lộ, Phó Chủ nhiệm thư viện kể: “Độ ấy, tiền không có, sách báo thiếu, nhưng cụ Phi đã không nản, cụ và các cộng sự như những con ong chăm chỉ, đi kêu gọi dân chúng gom sách, kể cả cũ lẫn mới để làm giàu thư viện. Các cụ còn nghĩ ra cách, nhờ cán bộ xã viết thư, gửi bà con là dân Bình Vọng đang sinh sống ở khắp nơi, có sách thì gửi về”.

Tấm lòng của các cụ đã được nhân dân ủng hộ. Có người tặng cả trăm cuốn, có thầy giáo góp trăm số báo, có em nhỏ đã góp vào thư viện số truyện tranh mà mình phải nhịn ăn sáng mới mua được. Cụ Lê Đàm, gốc làng Bình Vọng hiện sống ở Hà Nội, đã tiết kiệm tiền, đạp xe đạp đến các hiệu sách giảm giá, mua sách tặng làng. Thậm chí, có nhiều người chỉ vì cảm phục các cụ ở Bình Vọng đã gửi tặng rất nhiều sách…

Năm 2008, thư viện Bình Vọng có trụ sở mới, khang trang, gồm một phòng kho và một phòng đọc. Cụ Phi bận làm việc ở Hội Cựu giáo chức xã, nên bàn giao cho cụ Lương Văn Tăng làm Chủ nhiệm thư viện, bà Dương Thị Lộ làm Phó chủ nhiệm. Việc cai quản, bảo vệ, xây dựng và phát triển thư viện là nhiệm vụ của làng, nhưng nòng cốt là 102 cụ già là thành viên được gọi là đội “viên chức không lương” để cùng nhau điều hành hoạt động của thư viện.

Thư viện thu hút rất nhiều người trong làng, ngoài xã đến mượn sách, nhất là các em học sinh. Số người tăng theo từng năm. Các cụ trong “đội viên chức không lương” đều khẳng định, từ ngày có thư viện, xóm làng yêu đọc sách nâng cao kiến thức, trẻ em ham học hơn, tỉ lệ đỗ vào các trường đại học cao hơn trước nhiều. Thói hư tật xấu cũng vì thế mà giảm, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Trong năm học 2021-2022, làng Bình Vọng có 26 em trúng tuyển đại học, nối tiếp truyền thống khoa bảng, làm rạng danh tiếng thơm của làng.

Ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, TP Hà Nội… còn rất nhiều tấm gương “gánh” chữ, phát triển văn hóa đọc nông thôn. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh chia sẻ: “Thư viện Bình Vọng cũng đã được các thôn khác học tập, chia sẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc ở Thường Tín nói riêng và TP Hà Nội nói chung”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lặng lẽ những thư viện làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO