Làng nghề đá Ninh Vân, huyện Hoa Lư đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch xây dựng từ năm 2004 với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi sinh. Tuy nhiên sau gần 20 năm, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Ninh Vân vẫn chìm trong ô nhiễm do hoạt động khai thác, chế tác đá.
“Mây bụi” bao phủ
Không khó để nhận ra tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn nghiêm trọng đang diễn ra từ năm này qua năm khác tại làng chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân. Đứng trên cầu Yên (đường tránh TP Ninh Bình), nhìn vào Ninh Vân chỉ thấy một đám bụi màu trắng khổng lồ bao trùm toàn xã. “Đám mây” bụi phủ dày lên mái nhà, ngọn cây và chui vào tất cả các ngóc ngách của hàng trăm hộ dân. Ngay cả con đường dẫn vào xã cũng bị xe trọng tải lớn cày nát và tung bụi mù mịt.
Ông Nguyễn Văn Sang - một người dân trú tại thôn Trấn Lữ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư cho biết: Từ hàng chục năm qua, người dân nơi đây đã phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường. Tình trạng này kéo dài đã khiến nhiều người dân trong xã bị mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm xoang, phổi... Tiếng ồn liên tục đã tác động xấu đến hệ thần kinh, ù tai, mất ngủ của hàng nghìn người dân.
“Vẫn biết, để đánh đổi cho sự phát triển kinh tế thì đây là cái giá chúng tôi phải chấp nhận, nhưng về lâu dài thì không ổn chút nào. Những năm gần đây, xã đã xuất hiện nhiều hơn các ca bệnh về ung thư ác tính mà nguyên nhân chính tôi vẫn cho rằng là vì bụi đá!” - ông Sang lo lắng nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về thực trạng ô nhiễm tại địa phương, ông Vũ Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Hiện làng nghề có tới gần 1.000 hộ và có hơn 80 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia sản xuất đá. Việc ô nhiễm ở đây được xác định có 3 nguyên nhân chính là từ làng nghề, từ xe vận chuyển và từ nhà máy xi măng xả khói bụi, tiếng ồn và nước thải ra môi trường. Đặc biệt, có nhiều hộ sản xuất xen kẽ trong khu dân cư nên khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Cũng theo ông Tuyên, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, vận chuyển đá ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, nhiều năm qua địa phương đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức trong sản xuất, cải tiến công nghệ, tưới nước ở đường giao thông. Sau đó, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề đã lắp đặt hệ thống hút bụi, đầu tư trang thiết bị dẫn nước đến máy mài, cắt. Tuy nhiên, với công suất hoạt động liên tục của các cơ sở chế tác đá, cộng với quy hoạch manh mún và thiếu đồng bộ đã khiến các biện pháp nêu trên cũng chỉ như “muối bỏ biển”.
Cần quy hoạch chi tiết
“UBND xã Ninh Vân gắn ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với từng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất của họ. Tất cả các hộ sản xuất đá đều phải ký cam kết bảo vệ môi trường, không xả thải. Bên cạnh đó, UBND huyện Hoa Lư đã hỗ trợ dụng cụ bảo hộ lao động cho nhân dân làng nghề và không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất (như chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình sản phẩm, công đoạn sử dụng hóa chất bề mặt) trong khu dân cư!” - ông Tuyên nói. Vậy nhưng như thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm ở đây vẫn là vấn đề nhức nhối chưa có bài toán giải đáp hiệu quả.
Được biết, năm 2004, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 23 ha thuộc 2 thôn Xuân Phúc và Xuân Thành, thực hiện trong 2 giai đoạn, với kỳ vọng đưa hết toàn bộ số hộ làm đá ra sản xuất tập trung, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ với khu dân cư, gây cản trở giao thông, tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường. Từ năm 2005 đến năm 2008 giai đoạn 1 hoàn thành với diện tích 11ha, nhưng mới chỉ đưa được 70 hộ chế tác vào đó sản xuất. Đến cuối tháng 8/2015, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục ban hành quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Ninh Vân với tổng diện tích 30,64 ha. Thế nhưng, cho đến năm 2019, mới có thêm 130 hộ dân chuyển đến sản xuất ở làng nghề mới…
Vì sao quy hoạch đã có từ lâu, nhưng địa phương chưa thể triển khai, đưa hết các doanh nghiệp và hộ dân sản xuất, chế tác đá vào đây? Trả lời, ông Vũ Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Hầu hết các cơ sở chế tác đá đều muốn di dời vào khu công nghiệp để thuận tiện hơn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ với 30,64ha này thì chưa đủ để đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế của địa phương.
“Hiện nay trong cụm công nghiệp đã không còn chỗ để đưa thêm các cơ sở chế tác đá vào đứng chân. Để giải bài toán này, theo tôi cần phải quy hoạch lại một cách chi tiết không gian dành cho làng nghề. Trong đó mấu chốt là quỹ đất để mở rộng khu cụm công nghiệp” - ông Tuyên khẳng định.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình thì trong thời gian tới sẽ đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ để di chuyển các hộ sản xuất tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp.