Lắng nghe tiếng nói của trẻ em

hoàng thu phố (thực hiện) 10/05/2022 20:46

Ngày 9/5, tại lễ trao giải Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 (2022), em Nguyễn Bình Nguyên, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương - Hà Nội đã được trao giải Nhất.

Ông Lê Hải Long - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương - Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Phó Trưởng BTC cuộc thi trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các học sinh xuất sắc đoạt giải Nhất, Nhì của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 51.

Cuộc thi UPU 51 với chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”. Và em học sinh lớp 9 thả trí tưởng tượng của mình để hóa thân làm “một làn gió” viết những dòng thư gửi danh cầm Đặng Thái Sơn. Bức thư viết tay đó đã vượt qua một “rừng thư” để được trao giải cao nhất.

Ba giải Nhì được trao cho các em: Lê Minh Trang, lớp 8C12, Trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng; Nguyễn Xuân Hải Anh, lớp 10G, Trường THPT Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; Nguyễn Thái Ân Tâm, lớp 8/8, Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ngoài ra, BTC còn trao nhiều giải Ba, giải Khuyến khích, giải Cây bút triển vọng, giải cho các tập thể…

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) phát động lần đầu tiên năm 1971, Việt Nam bắt đầu tham gia từ năm 1987. Mục đích của cuộc thi là nhằm phát triển khả năng viết văn của thiếu nhi, làm phong thú thêm sự tinh tế trong tư duy và góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Suốt 35 năm qua, cuộc thi viết thư quốc tế UPU đã trở thành sân chơi của học sinh từ 9 đến 15 tuổi trên khắp cả nước. Những chủ đề rộng mở của các cuộc thi viết thư quốc tế đã mở ra khoảng không gian bao la để các em thả trí tưởng tượng cũng như những mơ ước của mình. Thế nhưng, có điều, những năm gần đây, nhiều nhà trường đã biến sân chơi này thành nơi để “ghi điểm” thành tích, nên bằng cách này cách khác đã bắt tất cả các em viết thư - thậm chí viết theo “thư mẫu” - để đủ số lượng, đạt phong trào.

Hãy trao cơ hội cho các em! Đó không chỉ là khẩu hiệu, mà cần sự hành động thiết thực. Và khi đã có cơ hội, hãy để cho các em tự do lựa chọn, sáng tạo. Bằng niềm tin được trao gửi, bằng sự dìu dắt đầy rộng lượng của người lớn để các em có thể tự tin với năng lực, năng khiếu của mình…

Nhìn từ thành tích “trường có nhiều học sinh viết thư” sang những “phong trào” khác trong trường học, thấy rất cần sự thay đổi. Bởi khi các em có cơ hội, thì hãy để các em được là chính mình, được bày tỏ sự hiểu biết, khát khao, khả năng sáng tạo của các em mà gia đình, nhà trường không nên gò ép theo những khuôn mẫu mà gia đình, nhà trường mong muốn. Những áp đặt chủ quan của người lớn có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

Lắng nghe tiếng nói của trẻ em là cách để chúng ta đồng hành với con em mình, học trò mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe tiếng nói của trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO