Làng nghề truyền thống lao đao trong đại dịch

An Chi 24/08/2021 14:27

Cũng giống như những người lao động, công nhân thất nghiệp tại các thành phố lớn, người dân tại các làng nghề truyền thống cũng gặp không ít khó khăn khi phần lớn người lao động sống bằng nghề truyền thống lại phải tạm thời nghỉ việc do nhà xưởng đóng cửa để đảm bảo an toàn, nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.  

Sản xuất đình trệ

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các làng nghề truyền thống ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng đình trệ, chủ cơ sở kinh doanh phải tạm đóng cửa, nguồn lương của người lao động bị giảm sút từ đầu năm, thêm vào đó là giãn cách xã hội kéo dài khiến người dân tại các làng nghề khó càng thêm khó.

Hiếm có vùng quê nào như huyện Phú Xuyên - nơi 100% thôn, làng đều có nghề truyền thống. Từ lâu, làng nghề đã trở thành trụ đỡ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương. Đây là nơi có nhiều làng nghề truyền thống như: Sơn mài khảm trai Chuyên Mỹ; giày da Phú Yên; đồ gỗ cao cấp Tân Dân và Văn Nhân; cơ kim khí Đại Thắng và nghề dệt lưới ở xã Quang Trung... Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề và tạo dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Nếu như trước kia, làng nghề tại huyện Phú Xuyên hoạt động sôi động ngày đêm với các đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu thì khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.

Cũng đang lao đao vì dịch, hàng trăm lao động tại làng nghề dệt chã (Quang Trung) đang đang rơi vào cảnh thất nghiệp. Bởi do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hàng hóa không thể xuất đi dẫn đến nhiều cơ sở tại làng nghề còn tồn rất nhiều hàng. Chị Mai Linh (Quang trung, Phú Xuyên) - chủ xưởng dệt lưới chã chia sẻ: “Hàng làm ra không bán được nên nhiều lao động của làng nghề đang không có việc làm. Như cơ sở của tôi trước kia có tới 50 thợ, nhưng nay chỉ còn giữ lại 2 thợ”.

Hiện tại cơ sở không có đơn hàng mới mà chỉ hoàn thành các đơn hàng trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Trong khi cả nước đang thực hiện cách ly xã hội, việc sản xuất cũng cũng phải tạm thời ngừng lại để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù các xưởng dệt trong làng cố gắng duy trì sản xuất, nhưng sản lượng bị giảm rất nhiều do nguồn hàng của cơ sở bị ngưng trệ, chủ xưởng dệt không xuất được hàng đi nên cô và nhiều hộ gia đình khác không có việc để làm.

Cũng trong tình trạng đó, cô Lê Dung - hộ dệt lưới chã nhỏ lẻ (Quang Trung, Phú Xuyên) cho hay: Nghề dệt lưới chã gắn bó với gia đình hơn 17 năm, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cô bắt buộc phải tạm dừng nghề. Nếu như trước khi có dịch, thu nhập trung bình của cô khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng thì từ khi có dịch, thu nhập của cô giảm xuống còn 1,5-2 triệu/tháng.

Thêm vào đó, do giãn cách xã hội kéo dài, những hộ gia đình giống như cô Dung lại chuyển sang công việc khác như: thắt lưới, đan sợi… nhưng thu nhập chỉ vỏn vẹn 20-30 nghìn đồng/ngày.

Hơn lúc nào hết, cô Dung cũng như các hộ gia đình khác mong dịch Covid-19 sớm qua nhanh để khôi phục sản xuất, ổn định thu nhập. Đây cũng là thực trạng chung của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay là yêu cầu bắt buộc của toàn xã hội. Trước thực trạng đó, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, huyện Phú Xuyên là địa bàn có nhiều làng nghề, chợ dân sinh nên nguy cơ xâm nhập của dịch Covid-19 trong cộng đồng rất lớn. Vì vậy, huyện đã chủ động rà soát các cơ sở cách ly y tế tập trung theo tiêu chí của Bộ Y tế; tăng cường trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy các cấp trong việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và thành phố về phòng, chống dịch; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch…

Đối mặt với tình hình khó khăn chung, bài toán đặt ra là các làng nghề phải có cách làm mới để thích nghi, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đồng thời chuẩn bị cho bước phát triển trong thời tương lai.

Đối với các cơ sở hoạt động theo qui mô doanh nghiệp, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu trên còn phải có phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo "3 tại chỗ", không gây ô nhiễm… và được chính quyền cấp huyện phê duyệt mới được hoạt động.

Để bảo vệ làng nghề, ngăn ngừa dịch Covid-19 xâm nhập lây lan, chính quyền và người dân huyện Phú Xuyên đã cùng đồng lòng lập ra hàng loạt chốt cứng, mềm và vùng xanh, nhằm đảm bảo việc giãn cách giữa làng với làng, thôn với thôn…

Việc thực hiện mục tiêu kép trong thời điểm hiện tại và phục hồi làng nghề khi hết dịch Covid-19 là xu hướng tất yếu mà từ doanh nghiệp lớn đến các cơ sở nhỏ lẻ đều phải thực hiện tốt.

Trước những khó khăn do dịch bệnh mang lại, các cơ sở sản xuất tại làng nghề truyền thống của huyện Phú Xuyên mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy vậy, người dân nơi đây cũng lo ngại với quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề truyền thống lao đao trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO