Làng nhang trăm tuổi ở Sài Gòn nhộn nhịp mùa tết

Đoàn Xá 20/01/2022 13:40

Là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm ở Sài Gòn xưa, nghề se nhang ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh luôn nhộn nhịp thời gian cuối năm.

Trái với một số làng nghề khác đìu hiu dịp tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 thì những nông dân làm nhang (hương) ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM) lại khá tất bật vì đơn hàng nhiều. Đây là một trong số hiếm hoi các làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm ở thành phố còn lưu giữ tới tận ngày nay.

Với khoảng gần 40 hộ cùng quy mô lớn nhỏ khác nhau dọc theo tuyến đường Mai Bá Hương, thời điểm trước tết Nguyên Đán làng nhang luôn nhộn nhịp, đông đúc. Dọc con kênh Thanh Niên men theo tuyến đường là hàng trăm những giàn phơi nhang san sát nhau.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, một công nhân làm nhang ở đây cho biết dịp cuối năm nắng tốt nên chỉ 2 giờ đồng hồ là phơi xong một mẻ nhang.

“Trong quá trình làm nhang có tới 2 lần phải đem ra phơi nắng nên thời tiết đóng vai trò rất quan trọng. Đầu tiên là nhúng chân nhang vào phẩm màu để tạo màu. Có nhiều màu làm chân nhang nhưng chủ yếu là màu đỏ tiết gà, màu đỏ hồng tươi hay màu tím nữa. Công đoạn thứ 2 là sau khi se bột nhang. Lúc này quan trọng nhất nên cần nắng tốt để bột nhang bám chắc, cháy đượm và không bị tắt”, anh Hoàng chia sẻ.

Người dân tất bật phơi nhang dịp tết Nguyên Đán.

Từng gắn bó hàng chục năm với nghề làm nhưng này, bà Duyên, 61 tuổi cho biết bà ngụ ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) nhưng nhiều năm se nhang thuê ở đây.

“Trước kia hầu hết các vựa làm nhang ở trên phía Tân Tạo (quận Bình Tân) nhưng sau đó nhà cửa xây lên nhiều, người làm nhang phải di dời ra xa tới khu ngoại thành này. Với tôi thì đi lại gần hơn cả chục cây số nên cũng đỡ. Làm nhang có nhiều phẩm màu, hóa chất, mùi, bụi... nên phải ở xa khu dân cư.

Cuối năm việc nhiều nên tôi đưa cả đứa cháu ngoại đi phụ se giúp. Tiền công một ngày từ 300.000 đồng cho tới 500.000 đồng/người tùy theo số lượng nhang se được. Nếu trời nắng nhang khô thì mình se được nhiều hơn. Trời mưa phải đợi bởi máy sấy tốn chi phí nhiều mà giá nhang không tăng lên được”, bà Duyên kể.

Quy trình làm nhang phải 2 lần phơi ngoài nắng. Nắng càng nhiều thì năng suất càng cao.

Trong khi đó, anh Trần Thế Đạt, chủ một vựa se nhang ở đây cho biết thông thường dịp cuối năm anh se hàng chục tấn nhang nhưng năm nay sản lượng ít hơn.

“Nhiều khách hàng giảm số lượng nên mình cũng phải giảm theo. Sản lượng chỉ bằng khoảng 70% so với mọi năm nhưng như vậy cũng là vui rồi, vì dịch bệnh mà vẫn có nhiều đơn. Đơn của mình hầu hết ở dưới An Giang, Kiên Giang chứ không bán trên thành phố này.

Đây đều là các mối quen biết từ hàng chục năm qua nên gia đình sản xuất đều đặn. Cuối năm nhu cầu nhiều hơn thì thuê thêm công nhân để phụ phơi, se và trộn bột”, anh Đạt kể.

Nhang ở Bình Chánh không chỉ bán tại địa bàn TP HCM mà còn xuất đi nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ khác.
Nhúng que nhang để có màu sắc tươi đẹp.
Se bột nhang. Hiện công đoạn này đã được máy móc thay thế nhưng công nhân vẫn phải điều chỉnh để nhang se đều, không bị hư hao bột.
Nhang đã hoàn chỉnh, chuẩn bị đóng gói cho khách.
Dọc tuyến đường Mai Bá Hương là hàng trăm các giàn phơi nhang như thế này.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nhang trăm tuổi ở Sài Gòn nhộn nhịp mùa tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO