Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt

Nguyễn Mạnh Hiệp 18/07/2019 10:43

Nếu là người Sài Gòn mà không biết Tả quân Lê Văn Duyệt thì quả là một khiếm khuyết. Bởi nếu như việc gây dựng nhà Nguyễn là công lao to lớn của Nguyễn Ánh, thì việc bình định, gây dựng sự ổn định và phát triển vùng Gia Định, phải kể đến công lao của Lê Văn Duyệt (1764-1832).

Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt

Ảnh: artcorner.vn

Lê Văn Duyệt sinh trong một gia đình nông dân ở làng Hòa Khánh, huyện Cái Bè tỉnh Mỹ Tho (Định Tường, Tiền Giang), thân phụ là Lê Văn Toại, gốc Quảng Nghĩa dời vào. Ông theo chúa Nguyễn Phúc Ánh từ lúc 17 tuổi, đến năm 1789 bắt đầu đứng vào hàng tướng lãnh của Chúa Nguyễn. Tài năng sáng chói khi ông chỉ huy đánh tan hải quân của nhà Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Qui Nhơn) vào năm 1801, trận đánh được ghi vào sử nhà Nguyễn là “Trung hưng đệ nhất võ công” (Võ công oanh liệt nhất của công cuộc trung hưng nhà Nguyễn). Nhờ lập nhiều công lao, binh nghiệp thăng tiến nhanh nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi với hiệu Gia Long, ông được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần với nhiều đặc ân.

Trong số các châu bản triều Nguyễn hiện còn lưu giữ, có tới 150 văn bản có nội dung liên quan tới vị Tả quân, ví dụ như bản chiếu về việc bổ nhiệm Lê Văn Duyệt tới thành Gia Định lãnh chức vụ Tổng Trấn, năm Minh Mạng thứ nhất (1820).

Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhị kỷ còn ghi lại sự việc: Thời làm Tổng trấn Gia Định, trong một chuyến đi từ kinh đô Phú Xuân về Gia Định, khi đi qua Bình Thuận và Thuận Thành đang cơn đại hạn, “thấy dân đói đến nỗi phải ăn quả cây rễ cỏ”, Lê Văn Duyệt đã tức tốc tâu về triều. Vua Minh Mạng cho ngay quan vào hội cùng các quan tỉnh Bình Thuận phát 10.000 hộc thóc kho, bớt giá bán cho dân, cứu nạn đói.

Thư từ, văn bản, hồi ký của các vị khách, thương nhân nước ngoài đã tới thành Gia Định và được biết, được tiếp xúc với vị Tổng trấn cũng viết về Lê Văn Duyệt. “Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ (Crawfurd - một thương nhân người Anh về ấn tượng ban đầu hội diện Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt vào năm 1822). “Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình và chi li. Ngài phó vương lúc này đã bỏ qua tất cả những “hãnh diện, nghi lễ, nghi thức” của chức vụ ngài, ngài nói chuyện thoải mái tự do với chúng tôi; và sự háo hức tò mò của ngài, sự chọn lựa sáng suốt đúng đắn các đề tài trong sự tìm hiểu thẩm tra, chứng tỏ ông có một đầu óc mở rộng, thúc đẩy bởi khao khát không nguôi về tri thức và thông tin; và những lời bình chín chắn của ông trong nhiều đề tài đã thuyết phục chúng tôi về khả năng thiên tư cao độ của ông...” (trích hồi ký của trung úy hải quân John White - thuyền trưởng tàu Franklin đến từ cảng Salem, Massachuset, Hoa Kỳ, được cho là người Mỹ đầu tiên ghé thăm Việt Nam 1819).

Trong thời gian làm Tổng trấn thành Gia Định, một trong những đóng góp to lớn của Lê Văn Duyệt là chỉ huy công trình đào kênh Vĩnh Tế chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia. Đây là công trình có nhiều ý nghĩa về kinh tế và quốc phòng, hiệu quả mang lại cho đất nước là rất lớn, cho đến tận hôm nay. Công việc đào kênh đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng trấn và một số vị quan khác như Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên, Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu, Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và Thống chế Trần Công Lai. Lúc đầu, lực lượng nhân công là 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân Khmer. Tháng 2 năm Minh Mạng 4 (1823), Tổng trấn Lê Văn Duyệt điều động thêm binh dân người Cao Miên ở đồn Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên và Uy Viễn cùng hợp sức đào kênh Vĩnh Tế. Năm 1824, công trình hoàn thành. Ước tính trong 5 năm thực hiện, phải huy động 90.000 dân công. Kênh đào xong đã tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng ở Hậu Giang và việc đi lại bằng đường thủy rất thuận lợi.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Từ đấy đường sông mới khai thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng. Kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.

Lê Văn Duyệt được ca ngợi là một Tổng trấn tài năng đức độ, vừa trị an xứ sở vừa chăm lo đời sống nhân dân. Người dân Nam Bộ khi đó thường kính phục gọi ông là ông Lớn Thượng. Lăng Ông Bà Chiểu, gọi tắt là Lăng Ông, có tên Thượng Công Miếu, là khu lăng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832). Khu lăng có diện tích 18.500 mét vuông, nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu, nhiều người ở nơi khác thường hiểu lầm là cái lăng thờ Ông và Bà tên Chiểu. Nhưng không. Đây là lăng thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt do khu mộ được an táng ở vùng đất mang tên Bà Chiểu.

Trước năm 1975, hình ảnh cổng Tam quan với hai cây thốt nốt của Lăng Ông đã từng được chọn là biểu tượng của Sài Gòn (và miền Nam) cùng với tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ (biểu tượng cho Huế và miền Trung), chùa Một Cột - Diên Hựu (biểu tượng cho Hà Nội và miền Bắc).

Theo Nguyễn Ánh từ tuổi mười bảy, góp phần lập nên cơ nghiệp nhà Nguyễn nên được liệt vào hàng Đệ nhất Khai quốc công thần, nhưng với vị vua thứ nhì của nhà Nguyễn thì Lê Văn Duyệt không còn được sủng ái như lúc đầu. Bởi khi vua Gia Long triệu ông vào bàn chuyện truyền ngôi, ông đã phản đối việc vua bỏ dòng trưởng (hoàng tử Cảnh, mất khi 22 tuổi) để lập dòng thứ (Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mạng), vì vậy sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã có ý không ưa ông. Lại thêm mỗi khi vào chầu, ông dùng đặc quyền “nhập triều bất bái” mà không lạy vua Minh Mạng.

Sau khi đã dẹp các thế lực giặc cỏ nổi loạn, mở mang kinh tế, bảo vệ người công giáo và người Minh Hương tới sinh sống yên ổn, Tổng trấn Lê Văn Duyệt được nhân dân thương kính vô cùng. Trong khi đó nhiều vị quan bên dưới vẫn ỷ thế triều đình mà hiếp đáp dân lành, tham nhũng của công, tiêu biểu là Huỳnh Công Lý, cha của vương phi Mỹ Lan đang được vua Minh Mạng sủng ái. Lê Văn Duyệt đã xử trảm Huỳnh Công Lý, không để cho vua và vương phi kịp bao che.

Do những hiềm tị với vua Minh Mạng, cùng với vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, nên sau khi chết, mồ mả của Lê Văn Duyệt bị vua cho san bằng, xiềng lại bằng xích sắt, đánh trên mộ 100 roi, dựng bia khắc 8 chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (Nơi Lê Văn Duyệt chịu tội). Đến năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị (con của Minh Mạng) cho phá bỏ xiềng xích và đắp lại mộ. Năm 1848, vua Tự Đức (cháu vua Minh Mạng) mới truy phong và ban phẩm tước cho con cháu. Lê Văn Duyệt được truy phong là “Vọng các công thần, chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân, quận công”. Quan chức làng Long Hưng tỉnh Mỹ Tho (Định Tường, Tiền Giang) tìm ra được Lê Văn Niên - con của bà Lê Thị Hổ (em gái ông) nên gọi ông bằng cậu – bèn trả lại 32 mẫu ruộng làm của hương quả thờ cúng họ Lê. Phần mộ được đắp lại cho rộng thêm và sửa sang lại miếu thờ. Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bia bằng đá xanh đen (không thấy có loại đá này ở trong vùng) khắc chữ nho, nội dung bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.

Khi Lê Văn Duyệt mất, dân gian xem ông như một vị thần, vì vậy việc thờ cúng, tế lễ mang nghi thức thờ thần, tế thần. Hàng năm có 2 lễ hội lớn tại lăng, đó là ngày giỗ của Tả quân Lê Văn Duyệt từ ngày 1 đến 3 tháng 8 âm lịch và ngày hội đầu xuân mồng 1 và mồng 2 Tết. Lễ hội không giống ngày lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Huỳnh Đức, mà mang tính dân gian như lễ vía Bà Chúa Xứ hoặc vía Điện Bà ở Tây Ninh (núi Bà Đen). Số người dự đến cả chục vạn người, trong đó số người Hoa chiếm phân nửa. Bởi vì lúc sinh thời, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt có những chính sách giúp đỡ cho cộng đồng người Hoa phát triển ngành nghề và an cư lạc nghiệp ở quê hương thứ hai của họ là Sài gòn Gia Định, Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO