Lãng phí nhà văn hóa cấp thôn

Hải Nhi 15/06/2017 10:15

Gần 60 tỷ đồng đầu tư, đến nay huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã có 78/79 thôn khu có nhà văn hóa. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Vân Đồn, tình trạng chung của các nhà văn hóa cấp thôn, khu hiện nay là… bỏ không.

Nhà văn hóa thôn Đồng Đá, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, hiện trên cả nước, số lượng trung tâm văn hóa cơ sở (cấp xã - phường, thôn, ấp) lên đến hàng chục nghìn. Nhưng, dễ nhận thấy hoạt động của thiết chế này chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng, gây tốn kém, lãng phí. Trong đó phải kể tới phần lớn nhà văn hóa thôn khu tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do công tác quản lý, sử dụng còn bị bỏ ngỏ.

Với tư cách là thành viên trong Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Vân Đồn nêu thực trạng, mỗi năm bà đều có mặt trong đoàn đi thẩm định thôn văn hóa. Điều bà Huệ chứng kiến là việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa hiện nay rất lãng phí trong bối cảnh không có thì thiếu, có thì thừa.

“Nếu như 2-3 thôn gần nhau, có thể chỉ cần xây chung một nhà văn hóa, không nhất thiết là phải mỗi thôn một nhà văn hóa như hiện nay”, bà Phó chủ tịch Mặt trận huyện Vân Đồn khẳng định.

Theo bà Huệ, hiện nay, chủ yếu nhà văn hóa ở các khu trung tâm tổ chức nhiều hoạt động chứ ở thôn, xã ít dân thì nhà văn hóa hầu như “ngủ quên”. Từ năm 2010, huyện Vân Đồn đã có đủ 81 nhà văn hóa, do sáp nhập thôn khu nên tính tới thời điểm này huyện có 78 nhà văn hóa cấp thôn khu. Đặc thù ở các xã đảo, ví dụ như xã Thắng Lợi, xã Ngọc Vừng… dân làm nghề đi biển nên ngày rằm, mùng một ngư dân đi biển về mới họp được, ngày thường muốn họp dân rất khó. Tất cả các thôn khu đều có nhà văn hóa, song tình trạng chung là… bỏ không.

Nhưng cũng có một nghịch lý là dù ở thôn đông người tới vài trăm hộ hay thôn có vài chục hộ thì vẫn theo quy định số tiền đầu tư nhà văn hóa là 750 triệu đồng (theo dự án xây nhà văn hóa năm 2010).

“Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiềm kỳ trước, huyện Vân Đồn đồng loạt xây nhà văn hóa cho các thôn. Khi đi thẩm định tôi thấy rất lãng phí, vì có thôn chỉ có 30 hộ mà cũng xây nhà văn hóa. Làm sao họ sử dụng hết được vì diện tích nhà văn hóa theo dự án là như nhau, 300 hộ cũng diện tích ấy mà 30 hộ cũng diện tích ấy. Rõ ràng là thấy sự bất cập. Do đó, tùy vào khu dân cư đông hay ít mà cần xây nhà văn hóa lớn sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”, bà Huệ cho biết.

Hiện Mặt trận huyện Vân Đồn đang phối hợp với các phòng văn hóa thông tin để hướng dẫn các xã xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhà văn hóa. Cụ thể, các thôn phải xây dựng quy chế đưa vào hoạt động và hướng xây dựng được nội quy hoặc giao cho ban quản lý trông coi và có lịch sinh hoạt hằng tuần, hằng tháng. Bên cạnh đó là việc phối hợp trong quản lý và bảo vệ tài sản tránh xuống cấp. Bởi đặc thù không khí biển nên những thiết bị điện không sử dụng thường xuyên rất nhanh hỏng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của hệ thống nhà văn hóa cấp thôn hiện nay, thiết nghĩ cần có cách tiếp cận khác so với trước đây. Vai trò, ý nghĩa hoạt động của nhà văn hóa cấp cơ sở cần được nhìn nhận theo chiều từ dưới lên. Việc chú ý đầu tư xây dựng và định hướng, triển khai hoạt động cũng cần theo hướng này chứ không nên “từ trên xuống” như nhiều năm qua.

Cùng với đó, người làm công tác liên quan đến hoạt động, cũng như việc quản lý các nhà văn hóa cấp cơ sở cần có sự am hiểu các yếu tố truyền thống, như: trật tự, thói quen, tập tục, tập quán,... của các cộng đồng dân cư mới có thể làm tốt việc điều hành nhà văn hóa, nơi được coi là một thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn khu, theo bà Huệ, phải tùy theo nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi thôn khu để lựa chọn giải pháp sao cho hiệu quả.

Ví dụ như nhà văn hóa thôn khu 5 của huyện Vân Đồn, người cao tuổi đến nhà văn hóa đọc báo, vào internet, thôn khu 5 đã giao cho Hội người cao tuổi phụ trách. Nhưng có những thôn khác cần giao cho các tổ chức thanh niên, Hội phụ nữ, trưởng thôn, trưởng Ban Công tác Mặt trận…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng phí nhà văn hóa cấp thôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO