Làng rèn thời 4.0

NGUYỄN CHUNG 11/01/2023 11:18

Từ đầu ngõ, những tiếng búa đều đặn, chắc đanh nện vào đe thép dội lại khiến tôi cứ ngỡ rằng, nó được phát ra từ cánh tay cuộn cơ bắp, nhễ nhại mồ hôi của những người đàn ông làng rèn. Nhưng không, ở làng rèn Tiến Lộc này, phụ nữ cũng gánh vác công việc mà những tưởng chỉ dành cho đám mày râu. Từ đôi bàn tay cầm búa của các bà các chị, từng sản phẩm rèn thủ công ra đời đem lại những giá trị cho cuộc sống.

Đình làng Ngọ - nơi người dân Tiến Lộc thờ tổ nghề.

Những người phụ nữ quai búa

Với người dân làng rèn Tiến Lộc, tháng Chạp như một dấu mốc quan trọng của năm. Đây vừa là thời điểm bận rộn, hối hả hoàn thành những đơn hàng cho kịp giao đến tay các thương lái, vừa là tháng gói công việc lại chuẩn bị cho một mùa tết và cũng để thấy thành quả sau một năm vất vả…

Tôi về làng Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đúng ngày đầu tháng Chạp hanh hao. Những cơn gió bấc thổi hắt từ phía cánh đồng vào làng cũng không làm dịu đi không khí ấm sực của làng rèn những ngày cuối năm. Từ đầu con đường dẫn vào làng đã nghe tiếng búa nện chắc nịch, đều đặn vào sắt thép, tiếng máy mài, tiếng thổi bễ và cả những tiếng cười nói, í ới gọi nhau. Bên trong sân đình, một đám trẻ con quần áo sặc sỡ, vô tư lự ngồi chơi ô ăn quan, chúng cãi nhau chí chóe làm rộn cả một góc làng… Tất cả tạo thành một bản hòa tấu sống động.

Trời đã quá trưa nhưng trong khu nhà xưởng rộng chừng 30m2, giữa ngổn ngang các phôi thép, các sản phẩm đã hoàn thành, chị Phạm Thị Thúy vẫn chưa rời tay búa. Từ đôi cánh tay gầy, từng nhát búa vẫn khoan thai, khi nặng, khi nhẹ xuống chiếc chạm sắt. Bên cạnh người chồng đang cẩn thận, tỉ mẩn giữ chạm cho vợ nện búa. Dưới lưỡi chạm, thanh sắt dày đỏ như hòn than dần được tách đôi, kéo dài ra theo từng nhịp quai búa. Chốc chốc, người chồng lại đưa lưỡi dao đang dần thành hình lên sát mắt ngắm nghía. “Phải cẩn trọng trong từng công đoạn, không ẩu được. Sản phẩm làm ra phải mang được những nét đặc trưng của làng anh ạ”- chị Thúy nói.

Mấy chục năm với nghề, chị Thúy không thể nhớ hết, đã có bao nhiêu con dao, cái cuốc, cái xẻng và hàng trăm thứ nông cụ khác đã qua bàn tay chị. Trai gái trong làng lấy nhau cũng vì yêu, phục tiếng búa, nước tuôi thép. Chị bảo: Ở cái làng rèn cổ xưa này, người ta chỉ phục 2 dạng người. Một là làm thầy, hai là người thợ rèn lành nghề. Người thợ giỏi là chỉ cần nhìn lửa đã biết sắt non hay già, thép tốt hay xấu. Gõ 2 con dao vào nhau biết con nào tinh, con nào thô. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chị đã chọn chồng như thế. Chồng chị, một người đàn ông làm nhiều hơn nói. Những sản phẩm được làm ra từ sự giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt của anh đã tạo dựng nên uy tín của gia đình với người bạn nghề và cả những khách hàng khó tính.

Dù những năm gần đây, điều kiện kinh tế của người dân làng rèn đã khấm khá lên, để giảm sức lao động, vợ chồng chị và người dân trong làng đã sắm được búa máy, máy mài nhưng đến các công đoạn quan trọng, các thợ rèn lành nghề Tiến Lộc vẫn phải quai búa bằng tay. Như thế để biết nặng nhẹ, cảm nhận và như một cách thổi hồn làng vào từng sản phẩm. “Công nghệ phát triển, người dân làng rèn đỡ vất vả và năng suất lao động cũng hơn ngày xưa rất nhiều. Bình quân mỗi ngày vợ chồng mình làm đạt khoảng 1 triệu đồng/công, sau khi trừ mọi chi phí”- chị Thúy chia sẻ.

“Tại sao anh là đàn ông mà không phải là người quai búa?”- tôi thắc mắc. “Không có gì lạ. Trong công đoạn quan trọng, người đàn ông phải là người giữ chạm và tuôi thép trong lò. Chỉ có họ mới có đủ tinh tế và cảm nhận được lúc nào sắt thép đã được nung đủ độ. Nếu non, thép sẽ mềm, còn già quá sẽ bị nứt gãy. Chính vì lý do này mà phụ nữ làng rèn chúng tôi luôn là người quai búa. Ban đầu thì cũng đau ê ẩm mất mấy hôm nhưng lâu dần thành quen nghề”- chị Thúy cười hồn hậu rồi âu yếm nhìn chồng.

Là người cũng từng quai mòn hàng chục chiếc búa, bà Lê Thị Hà - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Ngọ không giấu được niềm tự hào của mình, bà cho hay: Làng có gần 3.000 hộ thì gần như tất cả đều làm nghề rèn. Dẫu chưa thể giàu lên từ nghề cực nhọc này nhưng các gia đình đều có của ăn của để, con cái được đầu tư học hành đến nơi đến chốn. Tính đến hết năm 2022, làng chỉ còn chưa đến 2% tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới. “Cũng là nhờ vào cái phước, cái lộc từ nghề rèn của ông cha để lại cả đấy”- bà Hà chiêm nghiệm.

Người dân làng rèn đã biết áp dụng công nghệ vào sản xuất và thương mại.

Làng rèn thời hội nhập

Dẫn tôi vào thăm đình làng Ngọ - nơi thờ ông tổ nghề rèn của làng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiến Lộc Vũ Văn Dự hào hứng kể: Xưa kia làng rèn Tiến Lộc vốn còn được gọi là làng rèn Tất Tác (tên chung của 3 làng: làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn). Nghề rèn có tự bao giờ trong làng cũng không ai còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng: Từ xa xưa làng này đã nổi tiếng với nghề rèn vũ khí và nông cụ. Cho tới ngày nay, nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, phát triển mạnh mẽ.

Sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc theo năm tháng và nhu cầu của thị trường đã không chỉ dừng lại ở những nông cụ truyền thống mà bà con đã biết đa dạng hóa sản phẩm, chủng loại, số lượng. Bên cạnh đó thì chất lượng được coi trọng hơn cả để phục vụ và giữ uy tín với người tiêu dùng. Từ việc chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc còn vươn ra thị trường các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, thậm chí còn xuất sang cả thị trường khó tính Nhật Bản…

Những người phụ nữ làng rèn Tiến Lộc.

Chính vì sự hưng thịnh này mà nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày tùy theo công việc, trình độ tay nghề. Đối với gia đình và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn, từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày công. “Ở đây chúng tôi không có lao động dôi dư và nông nhàn, việc làm quanh năm không ngơi tay”- anh Dự tâm sự.

Rời đình làng Ngọ với những câu chuyện về nghề rèn Tiến Lộc, tôi tìm vào nhà anh Nguyễn Văn Minh - chủ đại lý thu gom và đưa các sản phẩm của làng rèn đến tay người tiêu dùng. Giữa bộn bề dao, kéo, liềm, cuốc, xẻng… anh Minh đang thực hiện công đoạn cuối cùng là đóng dấu thương hiệu lên sản các sản phẩm bằng chiếc máy bắn công nghệ cao hiện đại và chuyên nghiệp. Vừa đưa con dao được chế tác bằng thép trắng (phôi nhập từ Nhật Bản) lên xăm soi kỹ lưỡng, anh Minh vừa vui vẻ cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, làng rèn Tiến Lộc đang phải từng bước hội nhập. Ở đó là đa dạng về sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã.

Và một yếu tố quan trọng nữa là làm thương mại điện tử. “Con em trong làng ngày nay đã biết lập các trang mạng, thông qua Facebook, Zalo quảng bá sản phẩm đến rộng rãi cả trong và ngoài nước. Bọn trẻ bây giờ chúng năng động và sáng tạo lắm. Mới đây, tôi đã xuất khẩu được một lô hàng lớn sang thị trường của Nhật Bản. Tôi nghĩ, thành công bước đầu này sẽ tạo tiền đề mới cho làng phát triển theo hướng hàng hóa chuyên nghiệp”- anh Minh chia sẻ.

Nói về định hướng phát triển làng rèn Tiến Lộc trong thời gian tới, ông Phạm Văn Huỳnh - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc bày tỏ: Hiện toàn xã có khoảng 1.600 hộ làm nghề rèn, chiếm trên 60% số hộ trong cả xã và chiếm tới 91% tỉ trọng kinh tế của xã. “Với những ưu thế này, chúng tôi đang dự kiến sẽ xây dựng thêm một cụm công nghiệp làng nghề mới với diện tích khoảng hơn 6 ha. Trong nhiệm kỳ 2000 - 2025, Tiến Lộc sẽ đưa thương hiệu làng nghề lên tầm cao mới, hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường”- ông Huỳnh tự tin nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng rèn thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO