Lạng Sơn: Fam trip - Kết nối để phát triển du lịch

Đông Bắc 28/10/2022 10:00

Sau đại dịch, Lạng Sơn đẩy mạnh quảng bá hình ảnh văn hóa, con người xứ Lạng đến với du khách trong và ngoài nước bằng nhiều biện pháp thiết thực để phục hồi, phát triển du lịch. Trong đó, các chương trình khảo sát, xúc tiến du lịch tại các thị trường mục tiêu và tiếp thị tour Famtrip, đã phát huy hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch địa phương...

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, và các cửa khẩu chính, phụ. Hệ thống giao thông Lạng Sơn khá thuận lợi với quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận Quốc tế chạy qua. Đây là tiền đề quan trọng để Lạng Sơn kết nối với các trung tâm du lịch cả nước và địa bàn lân cận để mở rộng các tuyến điểm du lịch.

Gần đây, Lạng Sơn tổ chức tour khảo sát các địa bàn có thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ để kết nối các tuyến điểm du lịch cộng đồng. Như chuyến đi tham quan thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, nơi sinh sống của đồng bào Dao với những truyền thống đặc sắc từ văn hóa, ngôn ngữ, nghề thêu thổ cẩm thủ công được lưu giữ bên cạnh rừng Vầu bao la hùng vĩ.

Lạng Sơn tổ chức tour khảo sát các địa bàn có thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ để kết nối các tuyến điểm du lịch cộng đồng tại huyện Tràng Định.

Với nhiều tiềm năng thế mạnh riêng biệt, bà Lục Thị Phương, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tràng Định mong muốn qua các chương trình Famtrip với sự tham gia các hãng lữ hành sẽ có nhiều khách du lịch tới địa phương: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy chính quyền để vận động người dân cùng chung tay tham gia để xây dựng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, báo chí để truyền thông, quảng bá các điểm du lịch tiềm năng có tiềm năng để khai thác để phát triển thành điểm, tuyến du lịch của huyện Tràng Định”.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Lạng Sơn có khoảng 50 chương trình Famtrip được tổ chức để khảo sát, đánh giá thực trạng, tiềm năng thế mạnh các điểm du lịch với sự tham gia của nhiều chuyên gia du lịch, các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Ông Lý Xuân Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Vũ nhận định đây là cơ hội để Lạng Sơn tạo ra những sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách. Đặc biệt, những chuyến Famtrip vừa giới thiệu được những điểm du lịch mới có nhiều tiềm năng để khai thác, vừa kêu gọi được nhiều nhà đầu tư vào du lịch để đánh giá độ khả thi của điểm du lịch đó. Các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng khách sạn, các đơn vị dịch vụ cũng có dịp trao đổi, kết nối với nhau để kết hợp mở tour tuyến, mở rộng khách du lịch và khép kín các chương trình phục vụ du khách.

Theo thống kê Lạng Sơn có trên 52 danh lam thắng cảnh, trên 160 điểm di tích lịch sử văn hoá và hơn 400 điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có nhiều điểm đã được xếp hạng di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và quy hoạch khoanh vùng để quản lý bảo vệ. Đặc biệt, Lạng Sơn có khoảng 248 loại hình văn hoá nghệ thuật, bao gồm những áng ca dao, những làn điệu dân ca, then, hát sli, hát lượn say đắm lòng người. Việc tổ chức Famtrip tham quan, trải nghiệm các dịch vụ này sẽ tăng cường sự kết nối, thúc đẩy ra mắt các sản phẩm du lịch mới, qua đó thực hiện tốt hoạt động phục hồi du lịch.

Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ “Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có rất nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển du lịch. Hiện nay, sản phẩm du lịch tại các địa phương chỉ dừng ở mức tiềm năng, thế mạnh và chưa có nhiều những sản phẩm cụ thể. Vì vậy chúng tôi đang tích cực xúc tiến, quảng bá để mời gọi các nhà đầu tư đến với Lạng Sơn để xây dựng những sản phẩm để phát triển du lịch. Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư du lịch, các đơn vị lữ hành để tổ chức Famtrip tại các địa phương...

Những chuyến Famtrip là dịp để khảo sát, đánh giá và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách và nguồn nhân lực địa phương trong việc sẵn sàng đón khách.

Trong những năm gần đây tỉnh Lạng Sơn đã tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, Trung ương, các tỉnh bạn và các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, các khu kinh tế… trở thành một trong những trung tâm giao lưu buôn bán sôi động của khu vực phía bắc và của cả nước.

Thời gian gần đây các hệ thống trung tâm thương mại, các khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới được xây dựng và nâng cấp nên việc giao lưu buôn bán và tham quan du lịch diễn ra sôi động, đã tác động tích cực và thúc đẩy nền kinh tế xã hội của Lạng Sơn ngày càng phát triển khởi sắc hơn. Cùng với sự nổi trội về hệ thống thương mại dịch vụ, lĩnh vực du lịch ngày càng được tỉnh quan tâm đầu tư khai thác phát triển.

Cùng với đó, ngành du lịch Lạng Sơn cũng tham gia thúc đẩy, liên kết xúc tiến quáng bá và phát triển các thị trường mục tiêu như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Nội, các tỉnh trong vùng liên kết Việt Bắc và Đông Bắc, Lào Cai...

Đối với thị trường khách du lịch quốc tế kết nối với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và các đối tác tiềm năng khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp; đồng thời, lồng ghép giới thiệu quảng bá về tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhân các sự kiện, chương trình, tổ chức đoàn đi tham dự Hội nghị, làm việc với tổ chức, địa phương nước ngoài; đón tiếp các đoàn nước ngoài đến thăm, làm việc, khảo sát tại tỉnh và các chương trình làm việc trực tuyến với các đối tác nước ngoài. Tất cả không nằm ngoài mục đích quảng bá hình ảnh, đất và người xứ Lạng với mong muốn có thể thu hút thật nhiều du khách tới Lạng Sơn.

Để du lịch phát triển một cách bền vững và giữ chân du khách, Sở VHTT&DL đã khuyến khích người đứng đầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tạo điều kiện để nhân viên tham gia các hoạt động tham quan học tập cũng như xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh. Sở chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu, phối hợp tổ chức các chương trình, các hoạt động mẫu để các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn học hỏi, áp dụng làm tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Đầu tháng 9/2022, Sở đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với hiệp hội du lịch tỉnh để tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm du lịch, tạo các dòng sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt cũng như các sản phẩm quà tặng độc đáo trên cơ sở các di sản vật thể, phi vật thể, các sản vật, đặc sản địa phương… làm tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Nhờ những nỗ lực này, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt hơn 3 triệu lượt, tăng trên 181% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Đây là những tín hiệu cho thấy những chuyển biến tích cực phục hồi du lịch sau đại dịch và quyết tâm kết nối tạo sức sống mới cho du lịch xứ Lạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạng Sơn: Fam trip - Kết nối để phát triển du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO