Lạng Sơn: Nhà máy lắp ráp xe điện xây 'chui' trên đất ở

Đức Sơn 08/06/2020 15:00

Mặc dù chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích từ đất ở nông thôn sang đất sản xuất kinh doanh, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường… nhưng Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật vẫn ngang nhiên xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy lắp ráp xe điện DKBike có tổng vốn đầu tư xây dựng lên tới “triệu đô” tại thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn.

Lạng Sơn: Nhà máy lắp ráp xe điện xây 'chui' trên đất ở

Nhà máy lắp ráp xe điện “Triệu đô” của Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật xây trên đất vốn là đất để xây nhà ở riêng lẻ nông thôn.

Nhà máy “triệu đô” không phép

Ngày 14/3/2018, Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật do bà Bùi Thị Đào làm Giám đốc đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy lắp ráp xe điện DKBike tại thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn. Lễ khánh thành nhà máy được tổ chức rất hoành tráng với sự tham dự của hơn 200 khách mời, trong đó có cả lãnh đạo UBND TP Lạng Sơn tới chúc mừng và phát biểu ý kiến. Ngay sau lễ khánh thành, Nhà máy lắp ráp xe điện DKBike đã bước vào hoạt động hết công suất từ đó đến nay.

Theo lời giới thiệu, Nhà máy lắp ráp xe điện DKBike được đầu tư với tổng kinh phí hơn 4 triệu USD. Công suất thiết kế tối đa 450.000 xe/năm trên tổng diện tích hơn 40.000m2, trong đó diện tích 3 tầng nhà xưởng là 12.000 m2 được trang bị dây chuyền lắp ráp tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành. Nhà máy DKBike hiện là nhà máy lắp ráp xe điện có quy mô hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nhà máy nói trên xây dựng “chui” trên đất ở riêng lẻ nông thôn và chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Cụ thể, theo hồ sơ gồm khu đất xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện DKBike tại thôn Hoàng Trung gồm 8 thửa đất, trong đó có 3 thửa đất do bà Bùi Thị Đào (Giám đốc Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật) và ông Hoàng Văn Khôi (chồng bà Đào) đã được cấp GCNQSD đất vào mục đích đất ở nông thôn, tổng diện tích 4.081m2 và 5 thửa đất có tổng diện tích 2.328,0m2 đứng tên cá nhân sử dụng đất là ông Bùi Quang Đạo, nguồn gốc đất do chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.

Về vấn đề cấp phép xây dựng, theo thông tin từ ông Hoàng Thái Lâm, Chánh văn phòng UBND TP Lạng Sơn cho biết, ngày 9/7/2019, UBND xã Hoàng Đồng phối hợp với Đội quản lý trật tự đô thị Thành phố kiểm tra công trình xây dựng tại một phần các thửa đất số 272, 274 và thửa đất 275, tờ bản đồ địa chính số 36 xã Hoàng Đồng. Mục đích sử dụng đất là đất ở nông thôn do ông Bùi Quang Đạo làm chủ đầu tư.

Căn cứ vào điểm K, khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm “Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở thôn nông, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn , khu di tích lịch sử văn hóa”, do vậy công trình xây dựng của ông Hoàng Văn Khôi và bà Bùi Thị Đào, ông Bùi Quang Đạo được miễn giấy phép xây dựng theo quy định.

Trao đổi với Phóng viên Báo Đại Đoàn kết, ông Lê Trí Thức, Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn thừa nhận dự án nhà máy nêu trên chưa có giấy phép. Theo ông Thức lý giải, thời điểm kiểm tra, chủ khu đất trên khai là xây dựng nhà để ở nên chính quyền không thể xử lý (!?)…

Làm ngơ hay dung túng cho sai phạm…?

Theo lãnh đạo xã Hoàng Đồng thừa nhận, trong quá trình sử dụng, đầu năm 2019, ông Bùi Quang Đạo đã san lấp mặt bằng, kè đá xây nhà xưởng trên khu đất trồng lúa khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. UBND xã Hoàng Đồng đã kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn (cấm phương tiện đổ đất, đình chỉ xây dựng tạm giữ tang vật, phương tiện) và trình Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Về vấn đề trên, đại diện UBND TP Lạng Sơn cũng xác nhận, trong năm 2018, UBND TP Lạng Sơn đã ban hành hai quyết định xử phạt đối với ông Đạo về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hành vi tự ý xây dựng công trình trên đất trồng lúa. Đến tháng 1/2019, UBND TP Lạng Sơn tiếp tục xử phạt đối với ông Đạo do ông này xây dựng trên khu đất nêu trên.

Đáng bàn, mặc dù hộ ông Đạo vi phạm nghiêm trọng, nhưng UBND xã Hoàng Đồng và UBND TP Lạng Sơn lại chỉ yêu cầu đình chỉ xây dựng mà không yêu cầu phải khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu khi chưa vi phạm. Ngày 26/2/2019, UBND TP Lạng Sơn đã ban hành quyết định cho phép ông Bùi Quang Đạo chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở nông thôn với diện tích 2.328 m2. Sau đó, khu đất đã được san lấp mặt bằng xây dựng các công trình trụ sở, nhà xưởng của Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật.

Về thủ tục bảo vệ môi trường, theo đại diện UBND TP Lạng Sơn, ngày 8/11/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực bảo vệ môi trường của UBND TP Lạng Sơn đã kiểm tra đối với Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật. Sau khi kiểm tra nhận thấy, đơn vị thực hiện không đúng một trong các bản cam kết bảo vệ môi trường đã được UBND TP Lạng Sơn xác nhận. Đoàn đã lập biên bản và tham mưu cho UBND TP Lạng Sơn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng đối với công ty.

Trước đó, năm 2014, Công ty đã được UBND TP Lạng Sơn xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường đối với dự án lắp ráp xe điện. Sau khi mở rộng nâng quy mô công suất thì công ty thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Hiện công ty đã liên hệ với công ty TNHH tư vấn và chuyển giao công nghệ môi trường Thăng Long để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Sau khi hoàn thiện đầy đủ thủ tục bảo vệ môi trường trình cơ quan chức năng xem xét, thẩm định đảm bảo đúng quy định…”, ông Hoàng Thái Lâm, Chánh văn phòng UBND TP Lạng Sơn thông tin.

Với việc một nhà máy lớn xây dựng không phép và hoạt động đã kéo dài hơn 2 năm qua mà không bị ngành chức năng thành phố Lạng Sơn xử lý, trái lại còn được lãnh đạo thành phố Lạng Sơn đến chúc mừng khánh thành càng khiến cho dư luận hoài nghi về sự làm ngơ cho doanh nghiệp sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạng Sơn: Nhà máy lắp ráp xe điện xây 'chui' trên đất ở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO