Lạng Sơn: Vì đâu núi đồi tan hoang? -  Bài 1: Dung túng cho ‘đất tặc’

Đức Sơn 03/12/2020 07:30

Thời gian gần đây, hàng loạt ngọn đồi rừng xanh mướt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bỗng chốc bị “xẻo thịt” tan hoang, tài nguyên đất bị đánh cắp trắng trợn.

Lợi dụng Giấp phép san, gạt, cải tạo mặt bằng được cấp, một số tổ chức, cá nhân đã khai thác đất vượt diện tích được cấp, khiến núi đồi tan hoang.

Oái oăm, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do chính quyền thiếu trách nhiệm trong quản lý, thậm chí có dấu hiệu bao che và xuất phát từ một quyết định của chính UBND tỉnh Lạng Sơn.

Ồ ạt cấp phép, núi đồi tan hoang

Ngày 30/5/2019, Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn có Tờ trình số 192/TTr-STNMT do Giám đốc Bùi Văn Côi ký trình UBND tỉnh Lạng Sơn về việc ban hành quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn.

Dựa trên Tờ trình của Sở TNMT, ngày 28/6/2019, ông Hồ Tiến Thiệu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (hiện nay là Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn) ban hành Quyết định số 1188/QĐ-UBND về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Căn cứ vào Quyết định 1188 của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 7/2019 đến nay, UBND huyện Hữu Lũng đã cấp phép cho hơn 20 doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thực hiện việc san lấp, cải tạo mặt bằng với mục đích làm nhà ở và sản xuất kinh doanh.

Đáng bàn, lợi dụng vào giấy phép cải tạo mặt bằng nêu trên, cộng với sự buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu bao che cho sai phạm của chính quyền địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân đã cố tình khai thác vượt diện tích đất được cấp phép với mục đích múc đất đi bán kiếm lời. Hậu quả để lại là đồi núi bị “xẻo thịt” vô tội vạ. Hàng triệu, thậm chí hàng tỷ mét khối đất bị đánh cắp, vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ trái phép, tài nguyên quốc gia bị thất thoát nghiêm trọng.

Điển hình như tháng 10/2019, UBND huyện Hữu Lũng cho phép Công ty TNHH MTV Ngọc Quê cải tạo 2.210m2, tổng khối lượng đất được phép khai thác là 36.000m3 với lý do tạo mặt bằng phục vụ dự án trồng rau sạch.

Thực tế, doanh nghiệp này đã khai thác đất rầm rộ, vượt diện tích được cấp phép hàng chục lần để mang đất đi tiêu thụ kiếm lời bất chính.

Vụ việc nghiêm trọng khác là đầu năm 2020, UBND huyện Hữu Lũng ban hành Quyết định số 5654/QĐ-UBND cho phép hộ ông Lê Minh Tuân san lấp, cải tạo mặt bằng với diện tích 2.000m2 tại xã Đồng Tân để sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, sau khi nhân dân phản ánh, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn vào cuộc kiểm tra đã phát hiện, ông Tuân khai thác vượt giấy phép lên tới 3,07ha đất, 117.044m3 đất nguyên khối bị khai thác trái phép và vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Ghi nhận thực tế dọc Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Hữu Lũng cho thấy, có cả chục điểm đồi núi bị khai thác trơ trọi, nham nhở.

Đáng chú ý, tại địa bàn huyện Cao Lộc, thời gian qua cũng xuất hiện tình trạng người dân tự ý san ủi, đồi rừng đất lâm nghiệp tạo mặt bằng làm nhà ở, hoặc phân lô bán. Tuy nhiên, thay vì xử lý vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng thửa đất, một số cán bộ huyện này đã “tiếp tay” cho sai phạm.

Hàng loạt các huyện khác như: Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Đình Lập, Văn Lãng… cũng ồ ạt cấp các giấy phép khai thác, sạt gạt mặt bằng căn cứ trên Quyết định 1188 của UBND tỉnh Lạng Sơn.

Thiếu trách nhiệm, dung túng cho “đất tặc”

Riêng về vụ việc khai thác đất trái phép nghiêm trọng, với số lượng “khủng” tại xã Đồng Tân, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân nhận trách nhiệm trong việc không có biện pháp ngăn chặn, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm múc đất đồi, thiếu trách nhiệm không báo cáo UBND huyện để xử lý vụ việc vi phạm dẫn tới thời gian dài khai thác đất trái phép.

Đối với Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, Trưởng công an xã… đều nhận trách nhiệm do chủ quan, không kiểm tra, giám sát thường xuyên. Khi phát hiện không báo cáo vụ việc đến cơ quan chuyên môn và UBND huyện để xử lý theo quy định. Từ sự thiếu trách nhiệm nêu trên, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhưng hình thức kiểm điểm của các cán bộ xã Đồng Tân chỉ là xin nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Về kết quả kiểm điểm đối với trách nhiệm của Phòng TNMT huyện Hữu Lũng, theo Báo cáo của UBND huyện Hữu Lũng, để xảy ra vụ việc vi phạm về đất đai, khai thác, múc đất đồi trái phép, Phòng TNMT không kịp thời đôn đốc, tham mưu xử lý có trách nhiệm của Phòng TNMT. Phòng TNMT tổ chức họp kiểm điểm Ban lãnh đạo Phòng TNMT và cá nhân chuyên viên phụ trách lĩnh vực môi trường, khoáng sản khi không kịp thời tham mưu xử lý vi phạm trong việc san múc đất đồi trái phép tại xã Đồng Tân.

Lãnh đạo UBND huyện Hữu Lũng cho rằng, khi phát hiện dấu hiệu khai thác vượt ranh giới ngày 4/2/2020, tuy đã đình chỉ nhưng chưa tham mưu, báo cáo kịp thời lãnh đạo UBND huyện để chỉ đạo, có hướng xử lý vi phạm. Phòng TNMT chưa thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Chưa tham mưu biện pháp chấn chỉnh hoạt động tổ công tác để hoạt động có hiệu quả, kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý. Theo đó, các cán bộ Phòng TNMT huyện Hữu Lũng nhận hình thức nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo của UBND huyện Hữu Lũng cho rằng, các đối tượng vi phạm san múc đất đồi ngày càng tinh vi và bài bản như: Cử người cảnh giới lực lượng chức năng, múc vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ lúc mà lực lượng giám sát mỏng, cơ quan hành chính nhà nước nghỉ không làm việc.

Mặt khác, khi phát hiện hành vi khai thác múc đất trái phép, nếu không có lực lượng công an huyện để tạm giữ xe, phương tiện thì các đối tượng chống đối, bỏ xe, đổ đất chạy thoát khỏi khu vực vi phạm nên không có cơ sở để xử lý mạnh, đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra sự việc tại xã Đồng Tân, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn nhận xét “Công tác quản lý, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai, khoáng sản chưa kịp thời. Phát hiện vi phạm nhưng không kiên quyết xử lý quyết liệt, còn nể nang, né tránh và có dấu hiệu của việc bao che không xử lý, không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả”.

Về vụ việc khai thác đất trái phép nghiêm trọng ở xã Đồng Tân, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, UBND huyện Hữu Lũng đã có báo cáo kết quả thực hiện xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh tiến hành điều tra, xác định rõ tính chất, mức độ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để làm cơ sở xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạng Sơn: Vì đâu núi đồi tan hoang? -  Bài 1: Dung túng cho ‘đất tặc’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO