Đảng với Mặt trận, Mặt trận với Đảng

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 27/01/2020 09:00

90 năm trước đây, ngày 18/11/1930, ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa đầy một năm, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua một văn kiện quan trọng, đó là bản “Chỉ thị về việc thành lập Hội phản đế đồng minh”- hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Đảng với Mặt trận, Mặt trận với Đảng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX. Ảnh: Duy Linh.

Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, các hình thức tổ chức Mặt trận đã lần lượt ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Đó là: Hội phản đế đồng minh (1930), Mặt trận dân chủ Đông dương (1936-1938), Mặt trận phản đế Đông Dương (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên Việt (1951); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968) và Mặt trận Tổ quốc của một nước Việt Nam thống nhất (1977).

Năm tháng sẽ qua đi, song lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam sẽ mãi mãi gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng Cộng sản và của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất.

So với lịch sử lâu dài của dân tộc, 90 năm chỉ là một khoảnh khắc. Song với thời gian ngắn ngủi đó, đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận, nhân dân ta từ cảnh đời nô lệ, nước mất nhà tan đã đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, giành lại quyền làm người và quyền làm chủ đất nước, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, khẳng định vị trí của mình trong hàng ngũ các dân tộc đi tiên phong trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

Nhân dân ta đã tiến hành những cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, đầy hy sinh gian khổ song vô cùng vẻ vang và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chấn động địa cầu và tiếp đó là Đại thắng mùa Xuân 1975 vang dội năm châu, thống nhất đất nước…

Lịch sử đấu tranh trong 96 năm qua của dân tộc ta đã khẳng định: Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, từ kinh nghiệm bản thân và qua kiểm nghiệm, trong thực tiễn, nhân dân ta thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam, là “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”. Và Mặt trận thừa nhận: “Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo”. Sự thừa nhận đó là khách quan. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(1).

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, trước dân tộc, Đảng đã lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, qua mọi thác ghềnh nguy hiểm, cùng nhân dân từng bước giành những thắng lợi huy hoàng.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn ý thức rõ: Đảng trong lòng dân. Đảng tồn tại vì nhân dân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng có thể tóm tắt trong 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”(2). Vì vậy, phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa dân sẽ dẫn đến tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng…

Một vấn đề lớn được đặt ra trong quan hệ giữa Đảng với Mặt trận, Mặt trận với Đảng là Đảng làm gì và làm thế nào để đồng thời thực hiện được cả hai nhiệm vụ: vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận?

Thực hiện lời chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng kết hoạt động của Mặt trận từ Cách mạng tháng Tám thành công đến nay cho thấy: “Với tư cách là một thành viên, Đảng cũng bình đẳng như mọi thành viên khác, phải thi hành nghiêm chỉnh những gì mà Điều lệ Mặt trận đã quy định, song “phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và trung thực nhất”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đảng có trách nhiệm trình bày với Mặt trận những chủ trương, chính sách của Đảng; cùng bàn bạc, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận; động viên phong trào cách mạng rộng lớn của nhân dân; giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng của đường lối đại đoàn kết, chính sách và công tác Mặt trận từng giai đoạn cách mạng, gương mẫu tham gia mọi hoạt động của Mặt trận; khiêm tốn tiếp thu ý kiến nhận xét, phê bình của nhân dân và tích cực sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm của mình.

Với tư cách là người lãnh đạo Mặt trận, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn xã hội thực hiện tốt chính sách và công tác Mặt trận mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đối với những chủ trương, chính sách lớn, có ý nghĩa trọng đại về quốc tế, dân sinh, Đảng cần lấy ý kiến phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trước khi quyết định.

Nhà nước là cơ quan quản lý, điều hành công việc quốc gia, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước cùng bàn bạc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thể chế hóa về mặt Nhà nước quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc hoàn thiện những chính sách hiện có và đề xuất những chính sách mới cần ban hành cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp và Mặt trận cùng cấp xây dựng và không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy chế phối hợp, thực hiện đầy đủ những điều mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Mặt trận, nhất là đội ngũ cán bộ, phương tiện, điều kiện, kinh phí, giáo dục viên chức Nhà nước quán triệt chính sách Mặt trận trong công việc thường ngày của mình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Đảng lãnh đạo Mặt trận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình đã được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) là: Đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân; tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước…

Đó cũng là cách thiết thực nhất để củng cố mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận, Mặt trận với Đảng ngày càng bền vững.

________________

(1).Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2002 tập 3, trang 130.

(2).Phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Đại hội thống nhất Việt Minh Liên Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảng với Mặt trận, Mặt trận với Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO