Lãnh đạo Quảng Ngãi xin thôi chức: Chủ động trước khi quá muộn

Hoàng Mai 24/06/2020 08:38

Mấy hôm nay, thông tin hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi là ông Lê Viết Chữ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc xin thôi chức có vẻ đang làm nóng thêm tiết trời oi ả ngày hè.

Nhưng, việc này dường như không có gì bất ngờ; bởi trước đó, trong hai kỳ họp liên tiếp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét những vi phạm của 2 vị lãnh đạo này của tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Lê Viết Chữ. Ảnh: TTO.

Tại kỳ họp thứ 45, theo thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương dưới sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trần Cẩm Tú đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Trần Ngọc Căng và đề nghị Bộ Chính trị xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Lê Viết Chữ. Chỉ 10 ngày sau, ngày 16/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ. Tại cuộc họp này của Bộ Chính trị, sau khi phân tích từng việc làm của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong thời gian tại vị cũng đã quyết định kỷ luật ông này bằng hình thức cảnh cáo.

Cũng cần nói rõ rằng, với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện thì việc một Bí thư hay một Phó Bí thư Tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ dưới sự dẫn dắt của mình trong các nhiệm kỳ là khó tránh khỏi.

Với ông Lê Viết Chữ đó là 10 năm, gần trọn 2 nhiệm kỳ: 2010 - 2015, 2015 - 2020.

Sai phạm của ông Chữ dường như ở nhiều lĩnh vực như, cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp, chủ trương tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban Thường vụ, Thường trực, Bí thư Tỉnh uỷ…

Tóm lại, đều là những khuyết điểm “căn bản” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Những sai phạm này có thể gây thất thoát cho ngân sách; làm sai lệch chủ trương đầu tư của một tỉnh còn nghèo; mà lẽ ra, nguồn vốn đầu tư nếu đến đúng địa chỉ sẽ tạo cú hích cho phát triển.

Nhìn xa hơn, sự ưu ái không đúng chỗ của lãnh đạo địa phương cũng có thể khiến cho nội bộ của Quảng Ngãi rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.

Với ông Trần Ngọc Căng, những câu hỏi như trên chắc chắn cũng được dư luận đặt ra.

Ông Trần Ngọc Căng. Ảnh: TTO.

Từ trường hợp của hai vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, có lẽ việc làm đơn xin thôi chức nên trở thành một ứng xử của người đứng đầu khi cảm thấy không thể lãnh đạo điều hành đơn vị,địa phương vì lý do nào đó. Và, làm đơn xin thôi chức có thể là cách để một cán bộ thể hiện lòng tự trọng, sự phê và tự phê bình của mình trước Đảng, trước nhân dân khi mà bản thân cảm thấy không còn đủ trí lực; thậm chí là cả sự công tâm trong vai trò người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị.

Trên thực tế, ngày 2/10/2009 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 260 về việc thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Quy định này áp dụng cho những người được bổ nhiệm hoặc được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Vì vậy, việc xin thôi giữ chức cũng không phải là điều gì quá ngỡ ngàng; chỉ có điều kể từ khi có quy định đến nay, những người xin thôi chức chưa phải là nhiều; mà chỉ lác đác ở một vài địa phương, đơn vị với một số cá nhân (đếm trên đầu ngón tay) khi thấy tuổi của mình không đủ tái cử nhiệm kỳ sau, muốn đào tạo cơ cấu cán bộ trẻ thay mình vào vị trí quan trọng hoặc vì lý do sức khỏe.

Nhưng, xin thôi chức vì sai lầm trong quản lý điều hành thì lại là chuyện khác. Ở các nước phát triển với những trường hợp thế này họ thường từ chức.

Còn với điều kiện Việt Nam, Quy định 260, tại Khoản 1, Điều 2 có quy định: ‘’Thôi giữ chức vụ’’ là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ chấm dứt chức vụ để nhận nhiệm vụ khác hoặc nghỉ để chữa bệnh. Việc thôi giữ chức vụ gắn với yếu tố khách quan”. Tuy nhiên, xử lý thế nào đó là việc của cấp trên; mà việc này có lẽ sẽ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét trong thời gian tới đây. Nhưng có lẽ sẽ không thừa khi cần nhắc thêm lần nữa: Mỗi cán bộ được Đảng đào tạo, bồi dưỡng cần dốc sức làm việc có lợi cho dân, cho nước và khi cảm thấy không còn đủ tín nhiệm nên chủ động xin thôi trước khi quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãnh đạo Quảng Ngãi xin thôi chức: Chủ động trước khi quá muộn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO