Theo số liệu thống kê của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay tỉnh Lào Cai có hơn 70% lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS) tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề gắn với thực tế vùng miền và việc làm, chính là chìa khóa cho công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Để thực hiện được phương châm này, năm 2022, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đặt ra là tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tỉnh lên 32% vào năm 2025; tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2025 tối thiểu là 6%/năm; giảm tỷ lệ thanh niên không đi học, không được đào tạo đến năm 2030 là dưới 5%, người không có việc làm dưới 3,5%; bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động…
Trước đây, anh Giàng Seo Pao, dân tộc Mông ở xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương chủ yếu qua biên giới làm thêm. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, anh Pao phải trở về nhà do nước bạn thắt chặt quản lý lao động nước ngoài. Tháng 9/2022, tin vui đến với gia đình anh Pao, khi anh được Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai giới thiệu đi làm việc ở Hải Dương.
“Công việc làm dưới nhà máy ở Hải Dương không quá vất vả mà thu nhập ổn định với mức lương dao động 7 - 9 triệu đồng/tháng. Có thu nhập, một phần nhỏ mình dùng cho sinh hoạt cá nhân, còn lại gửi về gia đình. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ở quê nhà cũng từng bước ổn định. Mình vừa về đón vợ xuống làm cùng, con cái đành gửi ông bà, khi nào ổn định hẳn thì có thể đón con cái đi cùng…”, anh Pao cho biết.
Hiện nay, Lào Cai còn 10 xã nghèo nhất tỉnh. Để từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với các xã này, tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ. Trong đó, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, là một trong những giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững. Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai cho biết: Năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm tại 10 xã nghèo này, với gần 600 lao động địa phương tham gia. Qua đó, đã có hàng trăm lao động được tuyển dụng đưa đi làm tại các nhà máy xí nghiệp ở các tỉnh trong cả nước như Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương…
Để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của tỉnh, chúng tôi phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, như đưa tin trên truyền hình, loa phát thanh, cổng thông tin điện tử, quảng cáo nơi công cộng hay mạng xã hội (Zalo, Facebook...). Từ đó, người lao động nắm bắt được thông tin chính xác để có thể đăng ký quay lại thị trường lao động làm việc; đồng thời, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về tuyển dụng lao động, tránh thiệt hại cho người lao động…
Tỉnh Lào Cai đang phấn đấu đến năm 2025 có 65% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493.000 người, trong đó 66% lao động là người DTTS. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào DTTS.