Lào Cai: Một doanh nghiệp bị o ép

Nhóm PV 05/08/2020 08:33

Một doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh hợp pháp, thực hiện trả nợ theo cam kết với ngân hàng, bỗng bị treo tài khoản, rơi vào nợ xấu, bị kiện ra tòa. Tòa tuyên buộc doanh nghiệp phải trả nợ lên đến 41 tỷ đồng từ khoản nợ gốc 12,4 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hậu phản ứng trước xử lý của ngân hàng và phán quyết của tòa án.

Khốn khổ vì… đi vay

Hơn 10 năm trước, doanh nghiệp tư nhân Hậu Giang của ông Trần Văn Hậu (60 tuổi, thường trú tại phường Duyên Hải, TP Lào Cai) đầu tư xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh dược liệu tại Lào Cai, và được Ngân hàng MHB Lào Cai duyệt cho vay 20 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo thế chấp của ông Hậu là hơn 16 tỷ đồng.

Khi MHB Lào Cai giải ngân được 18 tỷ đồng thì bất ngờ dừng lại, yêu cầu DN Hậu Giang bán tài sản để trả nợ bớt thì mới xem xét cho vay tiếp. Thời điểm này DN Hậu Giang chung bối cảnh như nhiều doanh nghiệp khác, đang gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát giá nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công, và các chi phí đều tăng đột biến.

Sức ép quyết liệt của ngân hàng khiến DN Hậu Giang buộc phải bán một phần tài sản thế chấp, trả ngân hàng 5,6 tỷ đồng, tức DN này chỉ còn nợ gốc 12,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp sau đó liên tiếp đề nghị được giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi, tiếp tục được vay trong hạn mức đã kí kết, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh cho phù hợp thời kỳ khủng hoảng kinh tế (năm 2010), nhưng vẫn không được MHB chấp nhận. Trong khi giá trị bảo đảm của DN này là 30 tỷ đồng, tức lớn hơn rất nhiều giá trị khoản vay.

Sau đó, MHB Lào Cai tiếp tục ép DN của ông Trần Văn Hậu phải trả nợ thêm vào gốc và lãi, phải sản xuất dược liệu đúng như dự án đã phê duyệt và hạn trong 5 ngày phải làm xong “Giấy chứng nhận tài sản gắn liền trên đất” mới giải ngân tiếp. “Ngân hàng đã đánh đố chúng tôi, bởi lẽ với phương án sản xuất, kinh doanh như cũ thì càng làm càng chết khi bối cảnh lạm phát, khủng hoảng kinh tế tràn lan”, ông Hậu uất ức trình bày.

Biến khoản nợ của DN thành món lợi?

Giải chấp nợ không được giải quyết, MHB Lào Cai “bí mật” bán khoản nợ của DN Hậu Giang cho Cty quản lý nợ VAMC (ông Hậu không được thông báo về thương vụ này, tức không rõ khoản nợ xấu kia được mua bán lúc nào, giá bao nhiêu). VAMC lại tiếp tục bán cho Chi nhánh Ngân hàng BIDV Sa Pa (Hợp đồng số 1763/2017/ĐN-VAMC-BIDV ngày 20/10/2017) với giá 6,9 tỷ đồng. Tiếp đó, BIDV Sa Pa lại bán khoản nợ này cho Cty Tân Trà Việt (được dư luận phản ánh một công ty “ma” có dấu hiệu không bình thường khi mà chỉ từ tháng 9/2015 - 2/2018 thay đổi 5 đời giám đốc) với số tiền 12 tỷ đồng (hợp đồng số 01/2017/HĐ-MHB ngày 2/11/2017-Vụ này BIDV Sa Pa thu lãi chênh lệch 5,1 tỷ đồng). Sau đó, Cty Tân Trà Việt quay lại “ép” DN Hậu Giang phải mua lại chính tài sản và khoản nợ của DN này với giá từ 18 tỷ đồng, sau đó ngã giá xuống 14 tỷ, rồi xuống 12 tỷ, và cuối cùng xuống giá còn 9 tỷ đồng. Nếu DN không mua thì phải bàn giao tài sản vô điều kiện.

Như vậy, DN đã bị đưa vào nợ xấu, bị mua bán nợ, trong khi vẫn đang sản xuất, đang trả nợ, nên không chấp nhận việc mua lại tài sản của chính mình. Lúc này Cty Tân Trà Việt khởi kiện, yêu cầu DN Hậu Giang trả số tiền gần 41 tỷ đồng.

Những phán quyết chưa khách quan

Ngày 20/11/2018, TAND thành phố Lào Cai đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán nợ” ra xét xử, tuyên bố “Hợp đồng mua bán nợ số 01/2017/HĐMBN ngày 2/11/2017 giữa Chi nhánh BIDV Sa Pa với Cty Tân Trà Việt là vô hiệu”. Do Cty Tân Trà Việt là chủ thể không đáp ứng điều kiện kinh doanh mua bán nợ, không có quy chế quản lý nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ - theo Điều 4 và 5 Nghị định 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ. DN Hậu Giang và cả Cty Tân Trà Việt cùng kháng cáo. Nửa năm sau, TAND tỉnh Lào Cai xử phúc thẩm, lại tuyên “Hợp đồng mua bán nợ này đã có hiệu lực, buộc DN Hậu Giang phải trả 41 tỷ đồng cho Cty Tân Trà Việt”.

Dường như TAND tỉnh Lào Cai đã đánh giá không đúng bản chất vụ án, không xem xét đến việc mua bán nợ vi phạm quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN Hậu Giang.

DN Hậu Giang đã có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm vụ án. Ngày 19/2/2020 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét và có Quyết định hoãn thi hành án 90 ngày, kể từ 20/2/2020 gửi Chi cục Thi hành án TP. Lào Cai. Trong khi vụ việc đang chờ xem xét, Chi cục Thi hành án TP Lào Cai đã ra quyết định cưỡng chế kê biên toàn bộ tài sản của DN (tiến hành ngày 16/6/2020). Đơn vị này còn vi phạm nghiêm trọng khi không cung cấp Biên bản cưỡng chế cho DN Hậu Giang, đặc biệt là tự ý định giá tài sản của DN chỉ có… 7 tỷ đồng, trong khi chưa thực hiện thủ tục định giá. Hơn 10 năm lay lắt với DN bị bóp nghẹt của mình, ông Trần Văn Hậu tiếp tục khiếu nại tới Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp), khiếu nại việc thiệt hại do cuộc cưỡng chế, định giá tài sản có nhiều sai phạm, khuất tất này.

Thiết nghĩ, TAND tối cao, TAND cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội; Tổng cục Thi hành án cần nghiên cứu, xem xét vụ việc tránh oan sai, để DN Hậu Giang sớm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lào Cai: Một doanh nghiệp bị o ép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO