Lắp camera có bảo vệ được trẻ em?

Phương Linh 03/12/2017 06:30

Sau vụ bạo hành trẻ em chấn động dư luận ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh, phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố này đã chính thức yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu triển khai việc gắn camera giám sát tại các lớp mầm non tư thục vào thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc này chưa hẳn đã giải quyết triệt để nạn bạo hành.


Trẻ em cần được chăm sóc dạy dỗ với rất nhiều tình yêu thương.

Bạo hành - vết thương không lành trong tâm trí trẻ
Đã hơn một tuần trôi qua nhưng sự việc về vụ bạo hành trẻ em tại trường mẫu giáo không chỉ khiến các bậc phụ huynh đau lòng mà nó còn gây chấn động xã hội, phần nào mất niềm tin về đội ngũ giáo viên mầm non. Nói về chuyện này, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú- phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng bạo hành để lại dấu vết trong não rất nguy hiểm, bạo hành trẻ em không chỉ ảnh hưởng về thể xác mà còn ảnh hưởng nhiều về tinh thần cũng như về tâm sinh lý của trẻ. Các nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, việc bạo hành gây sang chấn về tâm lý và để lại dấu vết trong tâm trí của trẻ, để lại dấu vết trong não rất nguy hiểm. Có những trẻ lúc nhỏ đã từng bị bạo hành như thế, sau này không phát triển được, tinh thần bị kiệt quệ, đôi khi biến thành con người có tâm tính khác hẳn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều đó. Vì vậy, việc bạo hành trẻ em phải xử lý thật nặng bởi điều này từ trước đến nay đã nói rất nhiều, đã bàn nhiều nhưng vẫn không khắc phục được.

Nói như GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhà trường là môi trường tốt đẹp nhất trong xã hội ta nên thầy cô phải là người hiền hậu, nhân đạo, giỏi giang cả về trí tuệ, đạo đức. Vì thế, để xảy ra bạo hành trong nhà trường là sự bất hạnh của chúng ta.
Nhiều người mong muốn lắp camera ở các lớp mầm non sẽ góp phần giảm bạo lực học đường, song GS Hạc thì cho rằng camera không giúp nhiều trong việc giảm bạo lực. Thầy cô giáo phải là người nhân hậu, mẫu mực trong việc dạy dỗ trẻ em. Ông cũng cho rằng cần phải xem lại trách nhiệm của phường, của phòng và Sở GDĐT. Những người không có bằng cấp chuyên ngành được dạy học ở cơ sở này là sai lầm của các nhà quản lý.

Còn PGS.TS Trần Thu Hương- giảng viên khoa Tâm lý trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: Với trẻ bị xâm hại, bạo hành, những hình ảnh về bạo lực sẽ được ghi dấu trong đầu chúng khiến đứa trẻ lo lắng, hoảng sợ. Việc thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác cũng khó khăn hơn rất nhiều, trẻ có thể gặp phải những rối loạn, có xu hướng gây hấn, bạo lực với những người xung quanh bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Hơn nữa, việc trẻ bị bạo hành cũng có thể khiến trẻ bị tách biệt khỏi bạn bè. Dần dần bạn bị bạo hành sẽ cảm thấy bị cô độc, bản thân có vấn đề, tự đổi lỗi cho bản thân… Nếu tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn về mặt cảm xúc. Những điều này cũng ảnh hưởng đến hành vi sau này của trẻ.

Ở góc nhìn của người nước ngoài, ông James Bray, Đại học Texas (Hoa Kỳ) chia sẻ: Tôi được biết, nhiều trẻ em không chỉ bị bạo hành ở nhà trường mà còn bị bạo hành ngay trong gia đình. Tùy theo mức độ thích nghi của từng đứa trẻ. Có một số trẻ có thể vượt qua được và trở thành người bình thường nhưng có những trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sau. Chẳng hạn, đứa trẻ đó có thể trở thành người dễ dàng bạo hành người khác, dễ sử dụng chất kích thích hơn để vượt qua trầm cảm, hoặc ảnh hưởng nặng nề đến kĩ năng ngôn ngữ hoặc giao tiếp.

Có thể tạo áp lực cho giáo viên
Theo lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM, việc lắp camera ở cơ sở mầm non, được coi là giải pháp tối ưu nhằm gia tăng sự giám sát của phụ huynh, xã hội đối với hoạt động của nhóm lớp tư thục nhằm đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

Trao đổi về đề xuất này, TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc lắp đặt camera giám sát việc chăm sóc trẻ đã được thực hiện ở nhiều trường ngoài công lập, nhóm trẻ, nhóm lớp tư thục. Tuy nhiên, có thể bảo mẫu sẽ đưa trẻ ra chỗ khác để đánh, nơi mà camera không thể quan sát được thì phụ huynh làm sao biết được. Ngoài ra, việc lắp đặt này có thể tạo ra áp lực không cần thiết cho giáo viên.

Ông Lâm băn khoăn, vấn đề là ai sẽ là người theo dõi các nhóm lớp hoạt động, bố mẹ cũng không thể suốt ngày ngồi theo dõi các hoạt động của con, nếu dỗi như thế thì đã không phải đi gửi. Lắp đặt camera cần thiết thực, hiệu quả chứ nếu cứ lắp đặt theo kiểu cho có, không có bộ phận theo dõi giám sát thì vô nghĩa. Ông cũng cho rằng để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngành giáo dục các địa phương cần tăng cường kiểm tra các nhóm lớp, nhóm trẻ mà không báo trước. Có bất ngờ thì mới thấy hết thực trạng.

Nói về hệ thống giám sát trong trường mầm non, ông Nguyễn Trọng An- phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng nhận định: Hệ thống giám sát của chúng ta còn kém. Những hành vi bạo lực trẻ vừa qua chủ yếu là do báo chí phát hiện đưa lên thì mọi người mới biết, mà như thế thì sự việc đã muộn. Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, theo ông An, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những hành động bạo hành tương tự để chấm dứt bạo lực học đường. Việc đầu tiên là thắt chặt các quy chế mở trường mầm non tư thục.

Hiện nay, có vẻ như những quy chế của chúng ta còn quá lỏng lẻo nên việc nhiều trường mầm non tư mọc lên dễ dàng? Đặc biệt, khi đã cấp phép cho các trường thì các cơ quan lại phải tăng cường công tác giám sát sau cấp phép để kịp thời phát hiện sai phạm. Ngoài ra cần tạo môi trường sư phạm tốt cho giáo viên. Nghĩa là giáo viên mầm non phải được đào tạo chính quy chứ không phải làm ngang, làm tắt. Ngành giáo dục cần thường xuyên nâng cao kỹ năng, sàng lọc kỹ những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực. Đã là giáo viên cần phải hiểu rõ chuẩn mực, nhận thức được vai trò của giáo dục mầm non và chắc chắn phải có lương tâm nghề nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Trọng An, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ngoài việc kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, phải chú trọng đến việc kiểm tra lại trình độ sư phạm, nghiệp vụ, phẩm chất của chủ cơ sở mầm non, các bảo mẫu như thế nào. Những cơ sở nào không đảm bảo đủ các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ thì địa phương không cho thành lập và cương quyết đóng cửa. Cùng với đó có thể phát huy vai trò giám sát của người dân ở gần cơ sở mầm non cùng tham gia...

Và cho dù có đưa ra những biện pháp nào đi nữa thì con người vẫn là chủ thể quyết định hành vi đúng hay sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắp camera có bảo vệ được trẻ em?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO