Lập danh sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Thanh Vũ 08/07/2021 06:31

Ngày 7/7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có công văn khẩn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cùng Ủy ban MTTQ và các cơ quan, đơn vị liên quan về việc “Triển khai hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19”.

Nhiều người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan, tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động có trách nhiệm, khẩn trương lập danh sách người lao động thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên do ảnh hưởng dịch Covid-19; sau đó, gửi Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để thẩm định và phối hợp cùng chính quyền địa phương phương án chi hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người lao động theo Công văn số 2209/UBND-KT của UBND thành phố và Nghị quyết số 09 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng lưu ý doanh nghiệp có chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa bàn nào sẽ gửi Bảo hiểm xã hội địa bàn đó và chậm nhất là ngày 15/7/2021. Sau thời hạn này, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương sẽ không giải quyết các trường hợp doanh nghiệp có người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Để đảm bảo tiến độ, quyền lợi của người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đề nghị Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Khu công nghệ cao thành phố khẩn trương có văn bản thông tin đến từng doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao để lập danh sách người lao động đúng thời hạn, đúng đối tượng.

Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tích cực phối hợp với chủ sử dụng lao động trong việc rà soát, lập danh sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Tương tự, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, kinh tế nhanh chóng có văn bản thông tin đến các doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trước ngày 15/7/2021.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tăng cường giám sát từ khâu lập danh sách người lao động đến thẩm định, chi hỗ trợ cho người lao động theo chính sách của thành phố. Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tích cực thẩm định hồ sơ trong 1 ngày làm việc để chuyển danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ cho UBND thành phố Thủ Đức, quận huyện chi hỗ trợ theo quy định.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh hơn các lần trước. "Thành phố dù không ghi nhận những đợt cắt giảm lao động ồ ạt như đợt dịch trước, song nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ khó trụ được. Người lao động ở các doanh nghiệp này đã khó khăn, đang gắng gượng nay càng thêm chới với. Số lao động mất việc ở đợt này khoảng 50.000 đến 60.000 người", ông Tấn nhận định.

Trước đó, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua gói hỗ trợ 886 tỷ đồng. Cụ thể, 230.000 lao động tự do mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày tính theo thời gian áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ ở thành phố.

Khoảng 80.000 người bị tạm ngừng hợp đồng, nghỉ việc không lương mỗi người được hỗ trợ 1,8 triệu đồng. Lao động mang thai được hỗ trợ thêm một triệu đồng. Người nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm mỗi trẻ em một triệu đồng. 2.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần).

Các hộ kinh doanh ở quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Quận 12), những khu vực áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phải dừng hoạt động được hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi hộ. Thương nhân tại các chợ truyền thống có quầy sạp, mã số thuế, đóng thuế đầy đủ sẽ được hỗ trợ mức 150.000 - 300.000 đồng/tháng (tính từ tháng 7 đến hết 12/2021).

Cùng đó, dự kiến có khoảng 20.000 người bị cách ly tập trung được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày và người tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lập danh sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO